Xây hầm không phát sinh vốn
Dãy Cù Mông có dáng dấp như con rồng phủ phục, xuất phát từ cao nguyên An Khê (Gia Lai), uốn lượn đổ dần ra hướng biển. Ðèo Cù Mông như chiếc yên ngựa vắt ngang dãy núi, nối liền hai tỉnh Phú Yên và Bình Ðịnh. Cũng như hầu hết các con đèo khác trên chặng đường thiên lý bắc - nam, đèo Cù Mông là cung đường tử thần, trở thành nỗi ám ảnh lớn với cánh lái xe đường dài trong suốt mấy chục năm qua.
Hầm Cù Mông là tuyến hầm dài thứ ba trong tổng thể dự án hầm đường bộ qua Ðèo Cả (bao gồm các hầm: Ðèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân 2), do Công ty cổ phần Ðầu tư Ðèo Cả (thuộc Tập đoàn Ðèo Cả) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Ðây là một trong bốn công trình giao thông trọng điểm quốc gia (hầm Cù Mông, đường sắt Cát Linh - Hà Ðông, đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cầu Vàm Cống) được hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2019. Dự án có tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng, được sử dụng từ phần tiết giảm hơn 4.000 tỷ đồng từ hầm Ðèo Cả. Ðây được coi là "mũi tên trúng hai đích" bởi không chỉ hoàn thành dự án hầm Ðèo Cả bảo đảm chất lượng tốt, mà còn giải quyết bài toán hầm qua đèo Cù Mông không phát sinh thêm vốn đầu tư. Dự án có chiều dài toàn tuyến 6,62 km, điểm đầu tại Km 1239+119 quốc lộ 1 (tỉnh Bình Ðịnh), điểm cuối tại Km1247+739 (tỉnh Phú Yên). Chiều dài hầm 2,6 km, đường dẫn hơn 4 km, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, được thiết kế theo quy mô mặt cắt của hầm đường bộ Ðèo Cả. Dự án được khởi công từ ngày 26-9-2015, thông hầm kỹ thuật ngày 16-1-2018. Hầm được thiết kế và thi công theo phương pháp đào hầm NATM của Áo, hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân dày dạn kinh nghiệm, từng đảm nhận thi công thành công các hầm Ðèo Cả, Cổ Mã trước đây thực hiện. So với Ðèo Cả, địa chất ở hầm Cù Mông phức tạp hơn, tầng đá bị phong hóa mạnh và cường độ yếu, nhiều đới đứt gãy chạy dọc theo tim hầm. Trong quá trình thi công, các kỹ sư phải liên tục theo dõi sự thay đổi địa chất, để quyết định kết cấu chống đỡ phù hợp, phòng tránh nguy cơ gây mất ổn định vòm hầm.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư Ðèo Cả Nguyễn Tấn Ðông cho biết, trong quá trình thi công, công trường thường xuyên huy động gần 300 công nhân cùng các thiết bị, máy móc hiện đại làm việc liên tục. Giai đoạn "khó nhằn" nhất là đào thông hai đầu hầm mất tới 18 tháng. Chủ đầu tư đã tận dụng khoảng 30% lượng vật liệu đất, đá sau khi đào để làm vỏ hầm và nền đường. Nhờ kinh nghiệm tích lũy từ quá trình xây dựng hầm Ðèo Cả, tốc độ thi công tăng gấp hai lần, đạt 12 m đốt vỏ hầm/ngày. Cũng nhờ kinh nghiệm và sự nhanh nhạy, trong quá trình thi công, các kỹ sư, công nhân Việt Nam đã có những ý tưởng, biện pháp kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Ðể thực hiện công tác giám sát, quản lý chất lượng, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Liên danh tư vấn Apave (Pháp) - A2Z (Việt Nam) và huy động các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế thực hiện; ngoài ra, ký hợp đồng với Trường đại học Xây dựng tiến hành kiểm định chất lượng công trình trong suốt quá trình triển khai xây dựng.
Kết nối giao thông khu vực
Sự thành công của dự án hầm đường bộ qua Ðèo Cả đã tăng thêm niềm tin của Chính phủ đối với dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông. Thành công lớn nhất của các dự án hạ tầng giao thông có độ phức tạp, khó khăn như hầm đường bộ là đã hình thành được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư giỏi, đủ khả năng thực hiện nhiều dự án trước kia chỉ có nhà thầu quốc tế đảm nhận. Theo nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Hồ Quốc Dũng, dự án hầm Cù Mông hoàn thành đưa vào khai thác đã xóa bỏ nút thắt giao thông cuối cùng trên tuyến quốc lộ 1, "mở toang" cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng và phát triển kinh tế vùng ven biển Nam Trung Bộ.
Khi kiểm tra công tác nghiệm thu công trình hầm Cù Mông, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá, công trình đã thi công đúng theo yêu cầu thiết kế, đúng chỉ dẫn kỹ thuật, đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệm thu. Hội đồng Nghiệm thu nhà nước thống nhất đánh giá hầm Cù Mông bảo đảm chất lượng đưa vào khai thác, nhà đầu tư Ðèo Cả trong quá trình thực hiện đã hoàn thành dự án vượt tiến độ 2,5 tháng. Ðáng chú ý, trong quá trình tổ chức thực hiện, đã duy trì hệ thống quản lý chất lượng bảo đảm nguyên tắc khách quan, độc lập.Việc hoàn thành hầm Cù Mông đã chứng tỏ sự trưởng thành nhiều mặt của nhà đầu tư, cùng với việc triển khai thực hiện hầm Hải Vân 2, đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đường cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị, và sắp tới có thể là đường cao tốc Ðồng Ðăng - Trà Lĩnh..., nhà đầu tư cần tiếp tục phát huy các kết quả đạt được để ngày càng góp phần vào việc kiến thiết phát triển đất nước. Trong lần thị sát dự án hầm Ðèo Cả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui mừng bày tỏ: "Ðây là hầm đường bộ đầu tiên do người Việt Nam trực tiếp thiết kế, thi công, chúng ta không thể không tự hào về điều này. Ðáng mừng nhất là trong quá trình thi công, nhà đầu tư đã bảo đảm sự an toàn, tuyệt đối chính xác vì khoan thông hầm là việc rất khó. Ðây là sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật Việt Nam và là nền tảng để thực hiện nhiều công trình khác quy mô lớn hơn". Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Ðèo Cả, Hồ Minh Hoàng cho biết: Sau hơn ba năm xây dựng, nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng như chính quyền hai tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên, cán bộ, công nhân Tập đoàn Ðèo Cả luôn ý thức trách nhiệm lớn lao trong việc triển khai xây dựng công trình. Không chỉ bảo đảm an toàn, tiện lợi cho các phương tiện, chủ đầu tư còn rất chú trọng tạo cảnh quan phù hợp văn hóa, lịch sử, tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho khu vực quảng trường trước hai bên cửa hầm.
Việc đưa vào vận hành các hầm đường bộ qua các tỉnh miền trung là bước ngoặt lớn, giúp giao thông thông suốt, các phương tiện lưu thông an toàn. Khi đưa vào khai thác, thay vì di chuyển gần 30 phút trên cung đường đèo dốc, một "điểm đen" tai nạn hết sức nguy hiểm, phương tiện chỉ mất sáu phút di chuyển cho đoạn đường hơn 6,6 km hầm và đường dẫn, có ý nghĩa to lớn kết nối giao thông trong khu vực, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông cho các phương tiện khi đi qua đèo. Những lợi ích này không chỉ đối với khu vực mà còn cho cả mạng lưới giao thông quốc lộ 1 do việc tăng lưu lượng vận tải hành khách và mức độ lưu thông hàng hóa; bảo đảm an toàn và thuận tiện trong mọi điều kiện thời tiết và là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước.