Lãi suất giảm, tín dụng kỳ vọng tăng nhanh

Trong vòng nửa tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hai lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Các chuyên gia nhận định, việc giảm lãi suất sẽ là động lực để kích cầu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng nhiều hơn, vẫn có ý kiến cho rằng cần phải giảm lãi suất cho vay hơn nữa cũng như kết hợp thêm những giải pháp khác như: Giãn, hoãn nợ, đơn giản hóa điều kiện và thủ tục vay vốn,...
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Agribank.

Cụ thể, trong tuần qua, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm mạnh sau khi quyết định hạ thêm 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức có hiệu lực. Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng theo đó chỉ còn từ 4,9 đến 5,5%/năm, lãi suất cao nhất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên chỉ còn 8,8%/năm. Ðây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất điều hành chỉ trong vòng một tháng, đón đầu và đi trước xu hướng hạ lãi suất bắt đầu diễn ra trên thế giới.

Xu hướng giảm rõ nét

Ðánh giá về các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia phân tích của SSI Research bình luận: "Ðộng thái này tiếp nối việc giảm lãi suất điều hành trước đó, và là một trong những giải pháp từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm giải quyết khó khăn của nền kinh tế. Cụ thể, việc giảm lãi suất điều hành khẳng định định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Ðồng quan điểm, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) Hoàng Công Tuấn cũng nhận định: "Ðộng thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một động thái táo bạo nhưng hợp lý trong bối cảnh GDP quý I/2023 ở mức tương đối thấp so với nhiều năm. Trong khi đó, nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng động thái giảm lãi suất điều hành là bước đón đầu, đi trước xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất toàn cầu".

Ðáng chú ý, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và các Thị trường Toàn cầu của Ngân hàng UOB (UOB Global Economics & Markets Research) cũng vừa đưa ra báo cáo nhận định về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cắt giảm các lãi suất chính sách. Theo đó cho rằng, việc giảm lãi suất tái cấp vốn 50 điểm xuống 5,5%/năm hiệu lực từ ngày 3/4 - đợt cắt giảm lãi suất chính sách gần đây nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - là động thái không gây bất ngờ do những thông báo đã đưa ra trước đó cũng như kết quả tăng trưởng GDP quý I thấp hơn dự kiến đã được công bố một ngày trước.

"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong quý II/2023. Ðiều này có nghĩa là lãi suất tái cấp vốn rất có thể sẽ giảm thêm 50 điểm nữa trước thời điểm cuối quý II. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu", nhóm nghiên cứu của UOB cho biết thêm.

Kích cầu tín dụng

Có thể nói, thông tin hạ lãi suất điều hành đã được các ngân hàng thương mại đón nhận tích cực cũng như mang đến kỳ vọng lớn cho nhiều doanh nghiệp. Theo chia sẻ của một số lãnh đạo ngân hàng thương mại, việc giảm lãi suất là hết sức cần thiết vì mặt bằng lãi suất hiện đang cao khiến khách hàng e ngại không dám tiếp cận vốn, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm.

Do đó, khi lãi suất tiền gửi giảm, chi phí huy động vốn sẽ giảm theo. Từ đó, các ngân hàng sẽ tính toán để giảm thêm lãi suất cho vay, kích thích người dân vay vốn làm ăn để ngân hàng mở rộng đầu ra. "Giảm lãi suất cũng là mong mỏi của hệ thống ngân hàng, bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có khởi sắc, thì hiệu quả kinh doanh của ngân hàng mới được nâng lên.

Do đó, động thái giảm lãi suất điều hành là rất hợp lý, vừa định hướng vừa tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, qua đó giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ cho nền kinh tế", Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Ðình Tùng nhìn nhận.

Nhận định từ Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Nguyễn Quốc Hùng cũng cho thấy, việc giảm lãi suất đầu vào chính là cơ sở để giảm lãi suất đầu ra. Từ nay đến cuối năm, khả năng lãi suất vẫn tiếp tục giảm. Ðây là cơ hội để khách hàng tiếp cận vay vốn lãi suất thấp hơn. Ngoài ra, việc giảm lãi suất cho vay sẽ góp phần tăng trưởng tín dụng một phần, nhưng quan trọng hơn là tăng trưởng nền kinh tế. Các doanh nghiệp hấp thụ vốn vay để khôi phục và mở rộng sản xuất.

Trong khi đó, theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Nguyễn Kim Hùng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục giảm lãi suất điều hành, cũng như công bố đang xây dựng chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp rất vui mừng và kỳ vọng.

Nhưng thực tế cũng có không ít doanh nghiệp chia sẻ, dù lãi suất điều hành đã hạ, nhưng lãi suất cho vay nhiều ngân hàng vẫn trên 10%/năm. "Với lãi suất này, doanh nghiệp không có lãi. Hơn nữa, điều kiện vay vốn của ngân hàng rất khắt khe. Vì vậy, nếu không "mềm hóa" quy định về thế chấp, định giá tài sản, thì doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn. Ngoài ra, với nhiều doanh nghiệp, vấn đề giãn, hoãn nợ đang cấp bách hơn vấn đề tiếp cận vốn mới khi hàng loạt khoản vay cũ có nguy cơ chuyển nhóm nợ", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Hòa cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, khi giảm lãi suất sẽ kích cầu tín dụng, qua đó kích thích người dân và doanh nghiệp sẵn sàng đi vay nợ nhiều hơn để sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Ðồng thời tăng thêm nguồn thu tín dụng và dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây là cú huých rất quan trọng cho nền kinh tế.

Nhưng dù vậy, để chính sách giảm lãi suất phát huy tác dụng, vẫn không nên chủ quan với lạm phát. Bởi hiện nay, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế- giáo dục, lương cơ sở tăng từ ngày 1/7,... cùng với cung tiền năm nay khá lớn từ đầu tư công, tín dụng, kênh dẫn vốn khác được khơi thông tốt hơn.

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB cũng cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc; trong đó tập trung chủ yếu vào kiểm soát lạm phát", UOB nhận định.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú cũng cho biết, trong quý II, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành lãi suất uyển chuyển, linh hoạt; phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất. "Bối cảnh quý II/2023 toàn cầu chưa hẳn đã thuận lợi. Fed có thể chưa tăng lãi suất ngay trong tháng 5 và mức độ tăng có thể chậm lại nhưng những bất lợi mới phát sinh là sự đổ vỡ của ngân hàng quốc tế. Ðiều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn sẽ kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi kinh tế", ông Ðào Minh Tú khẳng định ■