Lai Châu trồng rừng thay thế gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Thực hiện chủ trương trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác, đến nay tỉnh Lai Châu đã có 12 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ phối hợp người dân xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) phát dọn thực bì để chăm sóc rừng. Ảnh: THU THẢO
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ phối hợp người dân xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) phát dọn thực bì để chăm sóc rừng. Ảnh: THU THẢO

Tổng diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng là 2.437 ha. Tổng diện tích các chủ đầu tư dự án phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế 2.437 ha. Các chủ đầu tư dự án đã thực hiện nghĩa vụ nộp đủ số tiền hơn 123 tỷ đồng về Quỹ Bảo trợ và Phát triển rừng. Đến nay, tỉnh đã triển khai trồng hơn 5.336 ha rừng (vượt 2.899 ha rừng đã chuyển mục đích sử dụng).

Triển khai nhiệm vụ nêu trên, Lai Châu đã tập trung chỉ đạo bảo đảm về số lượng, chất lượng và yêu cầu trồng rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh.

Các dự án trồng rừng được vận dụng theo thực tế của tỉnh, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nhằm gắn việc trồng rừng thay thế với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp thông qua việc hình thành các vùng tập trung với cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Hiện, tỉnh Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đề ra giải pháp tiếp tục tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân về trồng rừng thay thế; không để thất thoát kinh phí trồng rừng của tỉnh; làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng mới; đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc đúng quy trình quy định về trồng rừng thay thế năm 2018 trên địa bàn tỉnh.

* Quảng Ngãi nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp

Triển khai Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đề ra nhiều chương trình, giải pháp tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy trong toàn Đảng bộ tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện đề án về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đề án và kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2017 - 2020; thành lập Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị.

Tỉnh ủy tổ chức ký cam kết thực hiện chức trách và trách nhiệm của người đứng đầu các huyện, thành phố với Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo hướng phân định rõ ràng về trách nhiệm; yêu cầu cấp ủy, người đứng đầu các cấp đề ra giải pháp cụ thể, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, các cấp ủy coi trọng đổi mới phương pháp, tác phong lãnh đạo, chú trọng hướng về cơ sở, sâu sát với thực tiễn, đề cao vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo, duy trì chế độ, nền nếp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất, tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời những kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Đối với những nơi thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả thấp, hoặc có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, thì cấp trên gợi ý nội dung, trực tiếp dự, chỉ đạo kiểm điểm sâu ở các cuộc họp chi bộ, cấp ủy thường kỳ; tập thể, cá nhân được gợi ý kiểm điểm phải giải trình bằng văn bản. Sau kiểm điểm, từng tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cấp dưới và cán bộ, đảng viên.