Tây Sơn bi hùng truyện là nhan đề cuốn tiểu thuyết lịch sử của tác giả Lê Đình Danh, gồm hai tập, do NXB Văn hoá - Thông tin phát hành trong quý II năm 2006. Sau khi ra đời, Tây Sơn bi hùng truyện đã nhận được nhiều lời tán thưởng, đó là những lời không chỉ dành cho cuốn sách mà còn dành cho tác giả - một người lao động bình thường ở Bình Định và chưa học hết phổ thông trung học.
Để viết cuốn tiểu thuyết, Lê Đình Danh lựa chọn hình thức kể chuyện chương hồi cổ điển (có màu sắc võ hiệp) để đưa ra một hư cấu nghệ thuật khá hấp dẫn về một giai đoạn thăng trầm đầy bi hùng của lịch sử dân tộc, đó là giai đoạn gắn liền với triều đại Tây Sơn, gắn liền với tên tuổi của nhiều con người xuất chúng mà đứng đầu là vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng những võ công hiển hách để bảo vệ và thống nhất đất nước.
Với việc lựa chọn cho tác phẩm lối kể chuyện này, Lê Đình Danh không chỉ làm sống dậy một hình thức “kể” của tiểu thuyết lịch sử mà còn tỏ ra có khả năng “hiện đại hoá” hình thức kể chuyện ấy bằng một giọng kể phù hợp với trình độ tiếp nhận thẩm mỹ của người đọc.
Qua tác phẩm, tôi nhận thấy tuy mới là cuốn tiểu thuyết đầu tay, song Lê Đình Danh tỏ ra đã nắm bắt được một số kỹ năng tổ chức câu chuyện, không để tác phẩm bị chi phối bởi “thời gian thông sử” mà vẫn giúp người đọc theo dõi một cách mạch lạc về trình tự câu chuyện với những diễn biến hết sức phức tạp trong một khoảng thời gian khá dài, trên một không gian rộng (cả ba miền Bắc - Trung - Nam). Khả năng kể chuyện, sự hiểu biết về lịch sử và về một số nhân vật lịch sử, khả năng kết hợp giữa lịch sử với huyền thoại... của tác giả đã đem lại cho tác phẩm sức lôi cuốn, hấp dẫn không dễ có trong nhiều tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam hiện nay, và tôi coi đây là một thành công cần được ghi nhận.
Về tư liệu và diễn biến lịch sử, Lê Đình Danh đã rất cẩn trọng trong khi đọc các cuốn sách lịch sử có liên quan đến giai đoạn mà cuốn tiểu thuyết đề cập, anh chú ý tìm hiểu những giai thoại, truyền thuyết có liên quan đến các danh nhân, những con người nổi tiếng (theo cả ý nghĩa tích cực và ý nghĩa tiêu cực). Điều này theo tôi là hết sức cần thiết, vì nếu người viết tiểu thuyết lịch sử không đọc, không tìm hiểu, không đầu tư trí tuệ để suy ngẫm về lịch sử thì không thể viết nên tác phẩm.
Tuy nhiên, có một đặc điểm rất cần lưu ý là trong quá khứ, người Việt Nam chúng ta còn chưa chú trọng đến việc lưu giữ các chi tiết, các vấn đề của lịch sử (các bộ sử lớn chủ yếu là lịch sử của triều đại, có xu hướng đề cao triều đại), rồi nữa là các biến thiên phức tạp của lịch sử thường chỉ được mô tả trên những nét lớn dưới sự chi phối về quan niệm của một triều đại nào đó còn ít nhiều mang tính chủ quan (thậm chí kỳ thị),... nên nguồn gốc, thân thế, hành động, sự nghiệp của nhân vật lịch sử thường được lưu truyền và được dân gian hoá thông qua tình cảm, lòng kính trọng (đôi khi đến mức thiêng liêng) mà dân chúng đã dành cho những con người từng có nhiều công tích với nước, với dân.
Có thể nói trong nhiều trường hợp, truyền thuyết về các nhân vật lịch sử còn là nơi dân chúng gửi gắm khát vọng, ước mơ về vua sáng - tôi hiền qua các biện pháp “thần thánh hoá”.
Ở Việt Nam, trong thực tế, lai lịch cùng hành vi của nhiều nhân vật lịch sử thường ở trong tình trạng nhập nhoà giữa chính sử với dân gian, rất khó phân biệt. Điển hình cho tình trạng này là lai lịch, hành vi của các nhân vật nổi tiếng thuộc về triều đại Tây Sơn, bởi sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã tiến hành những cuộc trả thù nhằm không chỉ tận diệt nhà Tây Sơn, mà còn phủ định công lao của anh em Nguyễn Huệ đối với dân tộc để “đóng dấu” vào ký ức của nhiều thế hệ rằng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn chỉ là “cướp”, là “giặc”...
Trong bối cảnh đó, sự tồn tại ít nhiều mang tính chất truyền thuyết, hình ảnh cao quý ít nhiều được “thần thánh hoá” trong tâm thức dân gian của Nguyễn Huệ cùng Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Văn Tuyết,... là một thực tế, đồng thời cũng là một phương cách lưu giữ tên tuổi những con người được nhân dân kính trọng...
Và đặc điểm này buộc chúng ta cần phải thận trọng trong khi xác lập ranh giới (dù có thể còn mờ nhoè) giữa “đọc sử” với “đọc văn”.
Mặt khác, khi quá khứ lịch sử còn nhiều vấn đề, sự kiện chưa được thực chứng đầy đủ và chính xác thì không thể lấy ý muốn chủ quan của con người thời nay để áp đặt, mà cần nhìn lịch sử như những khả năng có thể.
Từ đặc điểm trên đây, tôi cho rằng các hư cấu nghệ thuật của Lê Đình Danh trong tiểu thuyết Tây Sơn bi hùng truyện là hoàn toàn có thể chấp nhận. Nội dung cuốn sách cho thấy tác giả đã chú ý khai thác rất nhiều sự kiện trong chính sử và truyền thuyết để sáng tạo. Do đó, cùng với các yêu cầu riêng trong khi tiếp nhận một sản phẩm hư cấu nghệ thuật về lịch sử, khi đánh giá những tác phẩm như Tây Sơn bi hùng truyện, người đọc không thể từ sự nhầm lẫn giữa chính sử với truyền thuyết để so sánh giữa sự thật lịch sử với hư cấu nghệ thuật rồi khẳng định hoặc phủ nhận.
Nhìn rộng ra văn chương thế giới, những hư cấu văn chương về lịch sử như trong Tây Sơn bi hùng truyện là khá phổ biến, như với Pie Đại đế ở nước Nga chẳng hạn, dưới ngòi bút của A.Tônxtôi trong tiểu thuyết lịch sử Pie Đệ nhất - vị minh quân và người khai sáng ra nước Nga mới, đã được thể hiện trong tác phẩm với nhiều dáng vẻ trần tục, với cả thói hư tật xấu... vậy mà Pie Đệ nhất vẫn là một kiệt tác của A.Tônxtôi. Vấn đề cần bàn tới ở đây là nên đọc một tác phẩm văn chương về lịch sử như thế nào.
Theo tôi, ngoài việc không nên (không được) nhầm lẫn giữa “đọc sử” với “đọc văn”, không nên nhầm lẫn giữa chính sử và truyền thuyết... thì yêu cầu về sự tiếp nhận mang tính chỉnh thể và tính hệ thống, yêu cầu về việc đọc tác phẩm thông qua góc nhìn và tâm thế sáng tạo của nhà văn... đã đặt việc đánh giá tác phẩm văn chương ngày nay trước những đòi hỏi cao hơn là lối đánh giá thông qua việc “cắt rời” một cách siêu hình vài ba câu chữ được coi là “có vấn đề” ra khỏi văn cảnh, ra khỏi các mối liên hệ tinh thần của chúng trong tác phẩm, nói cách khác là không thể đánh giá một tác phẩm văn chương theo lối “đoạn chương thủ nghĩa”. Nhìn từ tính chỉnh thể và tính hệ thống, từ cách nhìn và tâm thế sáng tạo của nhà văn, hoàn toàn có thể khẳng định tác giả Lê Đình Danh đã quán xuyến rất chặt chẽ từ đầu đến cuối tiểu thuyết một lòng kính trọng, ngưỡng mộ đối với Nguyễn Huệ và các nhân vật lịch sử đã cùng ông lập nên những chiến công, những thành tựu của phong trào Tây Sơn. Hình ảnh bi hùng của họ được khắc hoạ đẹp, sinh động, có sức thuyết phục.
Việc Lê Đình Danh hư cấu nên chi tiết Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân buộc phải ra hàng Nguyễn Ánh để cứu mẹ và con, là do tác giả muốn khắc hoạ sâu sắc hơn về tính toàn diện trong phẩm chất và tính cách của hai nhân vật này, họ không chỉ “trung” với nước, với Quang Trung - Nguyễn Huệ, họ còn biết gìn giữ “đạo hiếu” với cha mẹ (một phẩm chất đạo đức được coi là bắt buộc khi mà sự thịnh trị của các quan niệm Nho giáo thường đặt con người trước sự lựa chọn không thể nào khác.
Và xin lưu ý: chữ “hiếu” còn xuất hiện trong ứng xử của một số nhân vật trong Tây Sơn bi hùng truyện chứ không phải là ứng xử duy nhất chỉ xuất hiện ở hai nhân vật Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân).
Nên không ngẫu nhiên mà tác giả đã để cho Vũ Văn Dũng nhận xét rất chí lý về họ như sau: “Thương thay Trần huynh, Bùi tỷ! Tận trung chí hiếu như thế là cùng” (tr.585, tập II).
Điều đáng nói nữa là khí phách cùng cái chết bi hùng của hai nhân vật này, và trong những đối đáp cuối cùng giữa Bùi Thị Xuân và Nguyễn Ánh thì câu nói sau đây của bà đã cho thấy tất cả: “Nay mẹ ta đã chết thì ta và ngươi vai vế ngang hàng. Ta nói cho ngươi biết, ngươi làm điều tàn bạo đào mộ các tiên đế ta. Dù ngươi là kẻ chiến thắng nhưng đời sau ai dám bảo ngươi là đấng anh hùng” (tr.593, tập II). Tóm lại, hư cấu trên đây của Lê Đình Danh trong tiểu thuyết Tây Sơn bi hùng ký là không có gì sai trái, nó không những không ảnh hưởng tới hình ảnh của Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân mà còn khắc hoạ rõ nét hơn phẩm chất cao quý của họ.
Còn nếu có thể đưa ra một ý kiến thì tôi coi sự vắng mặt của Đô đốc Đặng Tiến Đông trong tác phẩm mới là việc mà một số nhà sử học đã từng ồn ào vinh danh ông cần xem xét lại!