La Hiên, vùng đất chiến khu xưa

NDO - Xưa kia, không những địa bàn hiểm trở, mà qua La Hiên chỉ có duy nhất con đường từ tỉnh lỵ Thái Nguyên lên Võ Nhai và sang Bắc Sơn (Lạng Sơn). Từ đây cũng chỉ có một con đường vào các xã Cúc Ðường, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thượng Nung và Thần Sa. Các xã này dân ở thưa, nhiều rừng rậm, núi đá hiểm trở, vì thế mà từ những năm bốn mươi của thế kỷ 20, La Hiên đã trở thành căn cứ quan trọng của phong trào cách mạng, là nơi qua lại thường xuyên của cán bộ Việt Minh...

Một ngày thu tháng tám này, đi cùng chúng tôi trên các con đường bê-tông sạch đẹp, ngắm những ngôi nhà xây có dáng dấp biệt thự theo thiết kế của người miền xuôi, chị Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên, nói với chúng tôi bằng cả niềm tự hào: Người dân quê tôi anh dũng trong kháng chiến, năng động trong lao động sản suất, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy La Hiên đang bắt đầu khởi động, song qua các cuộc họp dân ở cơ sở, ý kiến của cán bộ, nhân dân toàn xã đã thể hiện được sự đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương trở thành một trung tâm thương mại. La Hiên phấn đấu đến năm 2015 trở thành trung tâm giao lưu hàng hóa nông sản đầu mối của các xã phía bắc huyện Võ Nhai và các xã lân cận của huyện Ðồng Hỷ.

Hơn nửa thế kỷ nay, ở vùng đất cửa ngõ này, mỗi tấc đất đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của thế hệ cha anh. Trước và sau năm 1945, nghe theo tiếng gọi của Ðảng và Bác Hồ, hàng trăm người con của La Hiên đã tham gia cách mạng và kháng chiến. Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, La Hiên có 250 con em lên đường tòng quân, 400 người tham gia dân công phục vụ chiến dịch. Nhân dân trong xã đã ủng hộ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm các loại, hàng chục nghìn cây chông, và tiền bạc... Qua các thời kỳ kháng chiến, La Hiên có hơn 100 gia đình có công với cách mạng... Ông Dương Văn Ngoan, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã La Hiên cho biết: Từ những năm 1938 đến năm 1941, ở La Hiên đã bắt đầu nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, đồng bào từ các xóm, bản đã đồng lòng đoàn kết đứng lên đấu tranh phản đối tình trạng sưu cao, thuế nặng. Trong những tháng năm khó khăn ấy, bà con đã sát cánh bên nhau để đấu tranh, phá trại dồn dân của thực dân Pháp. Nhất là từ khi Ðội Cứu quốc quân II ra đời ở rừng Khuôn Mánh (Tràng Xá), nhiều thanh niên La Hiên đã tình nguyện gia nhập Cứu Quốc quân. Cũng từ đó, người dân La Hiên thi đua thực hành tiết kiệm, tích trữ lương thực ủng hộ cách mạng...

Ði dưới bầu trời thu, ngắm nhìn những  đồng lúa mới cấy đang thì con gái mơn mởn xanh, tôi bâng khuâng vì những câu chuyện về thời nhân dân đồng lòng theo Ðảng đánh giặc, cứu nước. Tôi liên tưởng tới từng gốc cây, góc rừng, từng ngôi nhà sàn thấp thoáng giữa núi rừng là nhân chứng một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ nhưng hào hùng. Và hình ảnh người lão nông áo cài khuy ngang, thắt lưng đeo dao, quả quyết đi trên con đường cách mạng là nỗi khiếp sợ của bọn phản nước, hại dân. Kia nữa, từng khe nước róc rách dẫn nước về đồng như bản nhạc rừng đệm nền cho bài ca cách mạng. Cụ Linh Viết Vượng, 82 tuổi, ngày trước tham gia kháng chiến, sau này trở thành Chủ tịch UBND xã La Hiên nhiều năm. Cụ kể với chúng tôi về những năm tháng người dân phải sống tối tăm dưới ách thực dân. Biết được vị trí quan trọng của La Hiên, thực dân Pháp xây dựng một hệ thống đồn bốt để trấn áp phong trào cách mạng, gồm 16 đồn lính khố xanh, 24 lính cơ, 80 lính dõng do tên tri châu Nguyễn Công Phòng chỉ huy. Hằng ngày, chúng về các xóm, bản lùng sục, đe dọa đồng bào không được che giấu Việt Minh hoặc tiếp tế cho cách mạng. Nhưng chúng không làm nhụt được ý chí của đồng bào các dân tộc La Hiên. Không chỉ bất hợp tác với giặc, đồng bào còn sát cánh cùng cách mạng tiến hành các trận đánh chặn quân giặc từ Thái Nguyên lên và từ Ðình Cả xuống. Tiêu biểu là trận đánh đêm 20-3-1945, dưới sự chỉ huy của ông Nông Văn Cún, hơn 300 người dân xã La Hiên cùng Cứu quốc quân bao vây châu lỵ La Hiên, dùng loa kêu gọi địch hạ vũ khí đầu hàng. Kẻ địch ngoan cố, quân và dân La Hiên cùng Cứu Quốc quân phá cổng sắt, vượt tường nổ súng đánh chiếm các vị trí quan trọng. Kết quả là đã tiêu diệt hàng chục tên Pháp, bắt sống toàn bộ lính khố xanh, lính cơ, lính dõng và toàn bộ quan chức Pháp ở đồn La Hiên... La Hiên hai lần vinh dự được đón Bác Hồ. Lần đầu vào tháng 10-1947, Bác cùng Bộ Chính trị trong chuyến công tác đặc biệt đã đến La Hiên. Bác và đoàn công tác được ông Lăng Văn Thọ, xóm Hang Hon đưa đường sang Liên Minh, Tràng Xá. Lần thứ hai vào năm 1962, trên đường đi công tác, Bác Hồ đã qua hang Bụt, xóm Cây Bòng nghỉ chân.

Chúng tôi đến xóm Ðồng Ðình thăm gia đình bà Nguyễn Thị Kiển, 85 tuổi. Ðây là một gia đình có truyền thống cách mạng của La Hiên. Bà Kiển kể: 'Tôi là người bên xóm Na Ðồng (cùng xã) về đây làm dâu. Chồng tôi là Ðồng Văn Ngọc, cũng từng tham gia kháng chiến, sau này làm giáo viên. Năm 1953 chồng tôi được Bộ Giáo dục và Ủy ban hành chính tỉnh Thái Nguyên tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ diệt dốt. Bố mẹ chồng tôi là ông Ðồng Văn Thạch và bà Hoàng Thị Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước...'

Hôm nay, bên những ngôi làng, những con đường của La Hiên còn đó những dấu mốc lịch sử. Ngay bên cổng vào nhà làm việc của UBND xã La Hiên, chúng tôi dừng chân, chăm chú đọc tấm bia di tích, trên đó ghi rõ: 'Nơi đây thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên huyện Võ Nhai 21-3-1945'. Tấm bia như lời nhắc nhở cán bộ, nhân dân xã La Hiên gìn giữ, phát huy truyền thống của cha ông, luôn vững tin vào con đường mà Ðảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Trở lại với chị Liên, Chủ tịch năng động của xã, chúng tôi được biết: Trong những năm gần đây đời sống của người dân trong xã có nhiều cải thiện, xã không có hộ đói đứt bữa, hầu hết các hộ có phương tiện nghe nhìn, xóm có đường xe ô-tô vào đến trung tâm, nhân dân khi ốm đau được khám, chữa bệnh ở trạm y tế sạch đẹp. Khai giảng năm học mới này, trẻ em hệ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở của xã đều có trường lớp khang trang...

 Nghe chị Chủ tịch xã hào hứng nói về những ý tưởng, hoạch định thiết kế vùng đất quê mình, tôi hình dung về một trung tâm kinh tế vùng được xây dựng ngay ngã ba La Hiên - Cúc Ðường. Theo đó là một vùng nông sản hàng hóa ở Hiên Minh, Na Ðồng, lấy cây na làm chủ đạo. Còn những khu đồi đất của các xóm Hang Hon, Ðồng Ðình, Ðồng Dong, Làng Lai sẽ được xây dựng thành vùng chè hàng hóa; hơn 800 ha đất lúa giáp khu hồ Lòng Thuyền dành để gieo cấy lúa đặc sản... Ðó là dự định cho tương lai, nhưng tôi biết, tất cả đều ở trong tầm tay của cán bộ, nhân dân xã La Hiên. Bởi ở vùng đất cửa ngõ này, mỗi tấc đất đều thấm đẫm bao giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của thế hệ cha anh đi trước.