Ngày hôm ấy, nếu con chó, Schaeferhund(1), Hansi không ốm thì chẳng có chuyện gì xảy ra.
Nói trước về Hansi, từ ngày có nó, tôi vơi đi nhiều sự lo lắng và buồn phiền trong lòng. Hàng ngày nó chạy tung tăng như người lính cảnh vệ mẫn cán ven quanh hàng rào. Lúc tôi rảnh, nó cùng đi dạo trong mảnh vườn bao la, đầy cây ăn quả của ông bạn Lothar. Tôi an tâm ngủ đẫy giấc, khi nó suốt đêm nằm phục bên cạnh, đôi tai to luôn vểnh dựng, căng cứng, nghe ngóng mọi hiện tượng khác lạ. Nhưng thực chẳng may! Từ hai hôm trước, Hansi tự nhiên mắc chứng nhiệt ở hàm. Có thể tôi đã cho nó ăn tạp. Họng nó sưng, có bọng đỏ và nước mắt chảy ròng ròng. Bác sĩ thú y bảo, phải chăm sóc nó đặc biệt! Bận buôn buôn, bán bán, tôi đành gửi nó tới nhà Lothar. Thế là không còn tiếng rú rít báo động trầm, sâu trong họng của nó! Có thể, đêm ấy tôi quá mệt vì vụ Noel, thời điểm làm ăn căng thẳng nhất trong năm. Biết làm sao được! Cái cảnh sang xứ người, cố gặt hái rồi chuồn. Tâm lý ấy đẩy cường độ lao động mùa đông, ngày tới 16 tiếng đồng hồ là thường. Lại không có một ngày nghỉ trong liền ba bốn tháng. Căng thẳng! Mệt mỏi! Quả thực là tôi có nghe thấy tiếng động ở đâu đó, rất mơ hồ trong khu vườn mênh mông vọng về qua khe cửa sổ để hé. Vâng, khi ấy tôi đã có ý đề phòng, muốn tới bên cửa sổ nhà vườn nhìn ra ngoài, hoặc với tay lấy khẩu súng hai nòng đã nhồi sẵn đạn để ở đầu giường. Nhưng hai mi mắt đã phản bội tôi, trĩu nặng sập xuống. Vậy là phải trả giá. Tôi hoàn toàn bị động. Khi cánh cửa bị đạp tung, sực tỉnh và ý thức được điều gì xảy ra thì mọi sự đã rồi. Không, tôi còn kịp nghe tiếng gió rít ngoài trời và cảm thấy hơi lạnh; thậm chí còn nhìn thấy những bông tuyết ùa thốc theo bốn bóng người ập vào căn phòng.
Mẹ kiếp! Rõ ràng chúng đã dễ dàng vượt qua hàng rào gỗ thưa bên cạnh cửa lớn rồi ngang nhiên tiến thẳng tới nhà vườn tôi ở và đạp cửa. Có điên mà kêu cứu! Khu nhà vườn, ngang dọc ba bốn cây số. Sát Noel, chỉ có kẻ tâm thần hoặc, muốn tiết kiệm tới từng xu như tôi, mới đến sống trong những gian nhà gỗ thấp, thiếu tiện nghi sưởi ấm.
Bốn thằng đè nghiến khi tôi còn trong chăn, cứ thế chịt cổ, bịt băng dính vào miệng. Chẳng chống cự gì cả mà chúng vẫn phang tôi một báng súng, loại 12 phát của Hung. Đòn phủ đầu rõ mạnh làm vai trái tôi nhói buốt, hoàn toàn tê liệt ý chí phản kháng.
Không thèm bịt mặt, những khách không mời của tôi, mặt lạnh như băng tháng hai, giật chéo hai tay tôi ra sau lưng, trói rất nghề trong nháy mắt. Xong, chúng đạp tôi rơi xuống tấm thảm, như đạp cái thùng đạn rỗng khỏi bệ bắn xuống giao thông hào.
Gã mặc chiếc áo choàng len dài, hệt các nhân vật trong phim găng tơ, Spiele mir das Lied vom Tod(2), kéo ghế, châm thuốc. Vẻ rất lơ đãng, nhưng thực chất là đang quan sát rất kỹ khắp phòng. Thi thoảng, như một trò đùa, hắn lại day day đầu nòng súng có mùi dầu tanh tanh, khen khét vào mũi, má, thái dương tôi trêu cợt. Trong khi ấy, ba thằng kia bắt đầu ngang nhiên lục lọi.
Tấm nệm sa lon bị lật tung. Bát hương bị dốc ngược làm tro bụi tung ra, sộc cay cả mũi. Máy thu hình bị cậy đít. Những cuốn sách được rũ từng cuốn, kêu lạch phạch và tơi tả rơi xuống nền nhà. Tiếng gãy của lớp bìa cứng che phía sau tủ quần áo nghe như bánh đa vỡ. Lưỡi dao Phần Lan sắc ngọt lách vào tấm da bọc đệm aa lông rồn rột. Thằng mặt bạch, râu quai nón cạo sạch, khá điển trai, kéo cái ghế tôi vẫn thường ngồi đọc sách ngoài vườn, nhảy đại lên, lục quần áo ném bừa xuống thảm. Giấy tờ tùy thân của tôi rơi khắp sàn nhà. Hắn phũ phàng ném cái ví xuống chân sau khi loại sạch tiền. Một ngàn hai trăm chín bẩy Mark, tiền chợ của tôi ngày hôm nay nằm gọn trong túi áo choàng dài màu xám. Từ xưa, tôi cứ đinh ninh tiền xu thì chả ai thèm cướp! Vậy mà chính gã, khoái trá dốc hết số tiền kim loại của tôi đựng trong vỏ hộp bánh rồi ném thẳng cái hộp rỗng vào góc nhà. Cái hộp bánh có vẽ cô gái Pháp rất tươi trẻ đang cắn chiếc bánh quy. Những vụn bánh bắn ra, tưởng nghe thấy cả tiếng vỡ ròn tan.
Tôi nghe được cả tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng thở của những kẻ hối hả lục lọi trong phòng. Tôi muốn cất tiếng, nhưng miếng băng dính làm tôi câm họng. Làm quái gì có tiền trong nhà! Tao không ngu xuẩn tới mức để chúng mày thịt nốt đồng bạc cuối cùng sau bốn năm năm vắt kiệt sức mình. Tôi thầm mong cuộc chơi kết thúc. ừ, lần này tao thua! Thôi, của đi thay người! Giá mà có con Hansi nhỉ? Tôi sẽ biết chúng từ xa và kết quả sẽ xoay chiều. Tôi vẫn nghĩ vậy, trong tình thế tuyệt vọng.
- Đéo có cái gì hết! - Một kẻ lên tiếng. Thằng cao mảnh, mặt búng sữa, nom nhỏ tuổi hơn con tôi, mở tủ lạnh, tự nhiên như ruồi, lôi ra một chai bia. Gã thành thạo bật nút chai bằng bật lửa, ngửa cổ, đổ một lèo nửa lít bia vào bụng.
Tôi không còn một tính toán nào nghĩ sự chống cự. Thôi đành phó mặc số phận! Giá mà có Hansi nhỉ? Vâng, nó sẽ nhào từ cửa ra vào. Với sức nặng 48 cân, nó sẽ xô ngã tất cả đối thủ rồi cắn đứt dây trói cho tôi. Tôi cựa mình.
- Thằng chó! Để tiền ở đâu? - Cổ tôi tưởng như bị bẻ gãy với cú nắm tóc giật ngược bất chợt của cái thằng mảnh mai như thư sinh . Mặt hắn bảnh bao, mắt ác, sắc. Tôi lắc đầu. Thằng ngũ đoản chợt nhào từ phía lò sưởi tới. Nó đá vào người tôi mấy cái liền. Mũi giầy thúc mạnh vào sườn đau quặn. Một cú thốc vào chỗ mỏ ác. Tôi thả lỏng cơ thể, vận khí hòng giảm đi thương tổn ở mấy cú đá bất ngờ đó. Tiền ơi! Tôi thoáng nghĩ. Mồ hôi tao thấm đẫm trong đó. Và, biết bao nỗi ê chề nơi xứ người. Không hiểu sao, khi ấy tôi chợt nghĩ tới khuôn mặt con gái tôi khi mới ba tuổi. Vâng, nó gầy và xanh mỏng như tờ bạc hai chục Mark. Cái vệt tím nhạt hơi ánh vàng giữa đôi lông mày. Người ta bảo như vậy là hay ốm . Quả thực nó luôn ốm và hay ăn vụng đường.
Tôi giật người lên vì cái vả bất chợt khi đang nghĩ ngợi. “Tiền đâu? Thằng chó già!” Tên mặc áo choàng dạ xám thản nhiên vả tặng tôi hai ba cái liền sau khi đã lục tung cả quần áo, rũ hết đống vỏ chăn, lột gối mà không thấy tiền. Tôi nhắm mắt lại, lắc đầu, thả lỏng cổ, bế khí. Vẫn ù hết tai!
“Đ. mẹ, Để tao!” Đứa trẻ măng tôi nói khi nãy sổ tới. Nó xô ngã tôi xuống đất, bẹo cái mạch máu cổ. Hắn lôi đâu ra cái kim rõ nhọn, dài. “Tao xem thử máu mày chảy có mạnh như cắt tiết chó không?” Vừa dứt lời, hắn chích ngay mũi kim vào cổ tôi. Mũi kim làm tôi đau nhói. Mồ hôi lạnh tứa ra. Tôi nhắm mắt. Cái cảnh từ hôm nào, mới cách đây một tháng, tại Goldsdorf đột ngột hiện lên trong đầu. Hai cô gái bị trói, hết chết giấc lại quằn quại suốt hai ngày trong phòng. Mặt bị là cháy nham nhở. Bọn cướp đã tra tấn họ với chiếc bàn là của chính chủ và lấy đi hơn mười tám ngàn Mark. Mình chắc chết thôi! Người ta sẽ tìm thấy xác tôi thối inh nay mai, nhờ đám quạ gọi nhau tới lượn đen trên khu vườn. Hansi chắc sẽ chạy quanh, tru lên thảm thiết và anh bạn Đức sẽ run rẩy quàn tôi vào cái hòm rất đẹp bằng gỗ sồi. Tôi lắc đầu. Vâng, chết! Họ sẽ cho tôi vào lò thiêu, bấm nút. Họ sẽ vun cái thân xác năm nhăm cân của tôi, sau luồng điện chớp nhòa, chỉ còn là một nửa vốc tay bụi cát để cho vào cái lọ gốm màu nâu nhạt rồi gửi về cho cha tôi ở Việt Nam. Lothar có tìm thấy tiền giấu trên nóc thông hơi của tôi không? Anh sẽ tìm thấy! Năm nào anh chẳng lên đấy để nhặt quả hồ đào rụng vương vãi khắp nóc nhà. Anh sẽ đoán biết đấy là tiền của tôi. Anh có gửi về cho vợ con tôi không? Có! Anh sẽ gửi về cho vợ con tôi. Vậy thì chết cũng không khai ra tiền! Không, không thể phí hơi sức suốt bao nhiêu năm cho bọn chó má này! Vợ con tôi ở nhà rất cần tiền. Tôi lắc đầu.
Mũi kim đâm sâu hơn và tôi có cảm giác hơi lạnh của lưỡi dao Phần Lan kề sát vào tĩnh mạch cổ đang giật giật liên hồi, đang bị hắn khêu lên căng nhức. Trời ơi! Bao nhiêu năm chiến tranh, đánh hơn trăm trận, không chết! Giờ đây chết trong tay mấy đứa miệng còn hơi sữa, chân còn lấm cứt này. Tôi thoáng nghĩ và không hiểu tại sao, dù tôi không sợ chết, nước mắt chợt ứa ra.
- Stop! Để yên nó đấy! - Có tiếng quát giật thột của ai đó.
Tôi mở mắt. Hắn, kẻ mang áo dạ xám đã gỡ tấm ảnh trên tường lúc nào. Đấy là tấm hình bốn người lính đã úa màu đứng trước cửa dinh Độc Lập. Hắn rút tấm ảnh từ chiếc khung vừa bị đập nát. Hắn nhìn rất chăm chú vào ảnh rồi đột ngột móc trong cổ một sợi dây treo lòng thòng mảnh giấy nhỏ, đưa ra gần bóng đèn chính giữa phòng so sánh. Hắn quay lại, mắt chọc thẳng vào tôi, cái lối quan sát của thợ săn. Rồi, hắn đột ngột hạ lệnh cho đồng bọn cởi trói.
Tôi lắc người mấy cái mà bả vai vẫn nhức. Khi tôi xoa xoa chỗ đau thì hắn tiến tới cạnh tôi với chiếc ảnh và mảnh giấy bọc nhựa, buộc toòng teng bởi sợi dây dù đen sì khi nãy treo nơi cổ.
Ngày ghi mã hiệu đơn vị lên ảnh, tôi đâu lường tới tình huống hôm nay. Số hiệu đơn vị chỉ là để nhớ, để kỷ niệm trận cuối cùng trong chiến tranh mà chúng tôi là người chiến thắng. D22, E593, giản đơn như vậy mà nay trở nên vị cứu tinh của tôi.
Kẻ mang áo dạ xám là đứa cầm đầu toán cướp. Tôi đoán.
- Ông là một trong bốn người này?
- Vâng! Chúng tôi chụp sau khi giải phóng Sài Gòn ba ngày.
- Ông có biết ai là Mai Văn Tăng không?
Tôi cố lục lại trí nhớ. ồ cái tên quen quá! Tăng nào nhỉ? Tăng trọc hay Tăng Thanh Hóa? Mai Văn Tăng! Tôi nhẩm cái tên ấy vài lần. Nhớ rồi! Phải, anh ấy ở trung đội hai! Đã hy sinh. Chính anh ta đã cùng bọn Sơn Ba Gác, Long Hàng Chai, Hùng Ve, võng tôi suốt trong đêm mưa như thác năm nào, khỏi tầm phi pháo, cấp cứu tôi thoát chết trong chiến dịch vây Khuongsedon.
- Mai Văn Tăng! Tôi biết. Người đơn vị tôi. Quê Thanh Hóa.- Tôi trả lời gấp gáp.
Đôi mắt kẻ mang áo dạ xám thoáng ánh lên rồi tắt.
Gã đưa cho tôi mảnh giấy gã đeo trên cổ. Đấy là một lá thư đã vàng úa, đôi chỗ lấm lem được dán cẩn thận bằng nilon. Khi thư giở ra, hòm thư, kí hiệu đơn vị đúng như trên tấm ảnh của tôi và tên người gửi ở cuối lá thư. Thì ra, gã là em trai của Mai Văn Tăng. “Tôi biết anh cậu.” Tôi trả lời gã thật thà như vậy. Thời điểm thư viết, chúng tôi cùng một đơn vị nhưng phải xé lẻ để chống lấn chiếm. Đại đội Hai, nếu theo ngày tháng đề trên lá thư, đã hy sinh 17 người. “Anh tôi chết đúng ngày viết thư gửi đi!”. Gã bảo. Tôi lập tức bừng trong trí nhớ và nói nhanh với gã, nơi đấy là Đồi Cò. Bọn địch dùng phi pháo từ Plâycu và máy bay cùng một tiểu đoàn nống ra đánh vào mảnh đất của chúng tôi chốt giữ. “Một tháng rưỡi choảng nhau cậu biết không?” Tôi kể với gã như vậy và trong đầu hiện lên khu rừng bị băm vằm chí tử. Mùi tanh tanh của lá cây dập nát. Con suối nhỏ vào mùa khô sâm sấp nước. Lá mục dầy hơn gang tay bốc mùi chua khẳm dưới lòng suối với đám nòng nọc dầy đặc từng vạt như nong đỗ đen. Khi mưa về, con suối cạn thoắt thành dòng nuớc xiết cuồn cuộn. Tôi nhớ, trước lúc địch đánh một tuần, khi mưa vẫn rả rích, ven suối có hai bụi đay rừng non mỡ. Chính anh nó, Mai Văn Tăng hay hái rau ấy cho anh nuôi nấu với bột trứng, giả làm canh cua. “Vâng! Một tháng rưỡi, ba lần bổ sung quân số và chúng tôi chỉ ăn sắn độn gạo mốc. Anh cậu đã hy sinh ở đó!” Tôi nói. Hắn nghiêng nghiêng đầu như lơ đãng nghe tôi kể và vỗ vào vai tôi một cái rõ mạnh. “Có cái gì ăn tạm không?” Tôi bảo, có. Lôi dưới khe tiếp giáp giữa tường toilet và ống thông khí ra chai rượu mạnh. Tôi ra cửa lấy cái nồi chân giò hầm từ hôm trước, giờ đã đóng băng vào cho cả bọn. “A ha, ông bác giấu kín thật!” Thằng ngũ đoản, trán dô, mắt xếch, đôi lông mày giao nhau, thò tay móc một miếng chân giò đưa lên miệng nhồm nhoàm.
*
* *
Lá thư Mai Văn Tăng viết cho người em không dài. Qua bao tháng năm, đôi chỗ bị thủng nhưng vẫn đọc được. Cuối thư có đoạn dặn hắn, thằng em vô phúc này “Nhớ hết vụ, viết đơn xin hợp tác ít rạ nếp soi lại chái nhà cho mẹ.” Tôi đọc rành mạch từng câu trong đoạn cuối cho cả bọn nghe:
“Hôm nay trời xanh và trong thế này thì bọn chúng nhìn rõ bọn anh lắm. Con cậu Sáu đã hy sinh hôm qua. Anh Lãm, con ông Thìn ngoài xóm Bưởi cũng chết rồi. Cấp trên lệnh cho bọn anh phải giữ đất bằng được cho tới mùa khô. Nếu anh hy sinh, việc nhà từ nay em sẽ thay anh tất cả. Anh thương em và nhớ mẹ.”
Tôi để lá thư xuống bàn. Trong óc tôi khi ấy chợt hiện ra hình ảnh Mai Văn Tăng nhổm cao khỏi giao thông hào. Khẩu RBD trong tay anh quạt tới tấp vào cánh vu hồi của địch. Đạn đỏ lừ, xanh tím bắn trả xéo tới chỗ anh đứng. Những viên M79 nổ bùng bục phát lửa màu vàng cam. “Vâng! Anh cậu là một người lính dũng cảm. Không có anh ấy cản mũi vu hồi, chúng tôi đã bị địch tràn ngập và tiêu diệt” Tôi ngoảnh sang, nhìn thẳng vào mắt hắn. Không biết sao khi ấy, điều gì giúp cho tôi lòng can đảm để tạo thành cái nhìn “như oán trách, như dò hỏi.” Về sau, hắn nói lại như vậy.
Hắn cúi mặt xuống. Không gian trong nhà bỗng yên ắng lạ thường. Dường như ai cũng nín thở. Tôi nghe rất rõ tiếng gió vi vút, tiếng lá thông dập vào nhau, như có người khua, trên ngọn cây ngoài vườn.
Hắn chợt đứng dậy:
- Ông đi nấu cái gì nóng cho tôi nhờ!
Cả bọn nhìn xoáy vào tôi như chực ăn tươi nuốt sống. Tôi ngoan ngoãn đứng dậy đi ra bếp lấy nồi áp suất đặt cho cả bọn một nồi cháo gà.
“Ông anh may đấy!” Hắn mở màn như thế. Chúng tôi ngồi quanh nồi cháo gà đã chín nhục. Gạo tám Thái, gà béo dừ đủ độ bốc mùi thơm ngậy. Lá thư khi đó đặt trên bàn, bên cạnh cốc rượu Whisky màu vàng sậm. Hắn uống chậm nhưng khá nhiều. ánh lửa từ lò sưởi phát sáng bập bùng. Khuôn mặt hắn mờ, tỏ. Hắn bảo gã ngũ đoản bóp đôi vai còn đau ê ẩm của tôi khi tôi vặn mình tỏ ra khó chịu. Khốn nạn, vẫn đôi tay ấy, khi nãy đã quại tôi những đòn chí tử.
Chúng tôi không hề nói chuyện rằng, tại sao hắn đi cướp. Tôi cũng chẳng dám hỏi, vì sao, hắn lại mang luôn theo người lá thư của anh gã? Thư của một người, với trung đội tôi, là một người lính chân chính! Tất nhiên phải kiềm chế lắm, tôi mới không nói ra điều tôi thắc mắc. Bởi vì, thật mâu thuẫn, thật dơ bẩn giữa việc đi ăn cướp của hắn với việc mang theo lá thư. Đấy là tôi nghĩ vậy.
Qua dăm ba câu chuyện, tôi chỉ biết bọn hắn từ Nga qua Tiệp rồi tràn sang đây. “Chúng tôi không phải là nhóm đi là mặt bọn đàn bà!” Hắn thanh minh. Hắn hỏi tôi đi xuất khẩu lao động từ khi nào. Lại hỏi buôn bán đã mấy năm. Vợ con ở đâu? Tôi hỏi lại dăm câu, cũng biết hắn chẳng còn ai thân thuộc ở Việt Nam nữa. “Mẹ tôi tiêu rồi! Tôi đã sống lang thang ở Hà Nội năm năm. Hai năm trước khi sang Nga, tôi sống với người cha nuôi. Ông ấy vừa tỏi!”
Câu chuyện của chúng tôi hết sức nhạt nhẽo và tầm phào đến mức chán nản. Tôi không thể khuyên bảo hắn điều gì. Trên đời này, ai dậy được ai? Người ta, chỉ có khi roi đời quất cho ngã gục mới tự nhận ra những bài sống và khi đó, sự giác ngộ về đời sống mới thực sự ngấm vào máu thịt, trở thành những bài học thật sự hữu ích cho bản thân. Sự dậy dỗ, dù chân thành hay giả dối, nhiều khi cũng chỉ như nước đổ đầu vịt. Hoặc là người ta sẽ vâng dạ đấy, nhưng thực ra là vâng dạ để lấy lòng, thậm chí khinh bỉ nhưng vì yếu thế mà vẫn “vâng, dạ!”.
Chúng tôi lặng câm húp cháo. Không biết hắn và đồng bọn nghĩ gì? Tiếng nhai xương lốp cốp của bọn trẻ háu đói nghe rõ mồn một. Nồi cháo gần trơ tới đáy, đã nguội tanh thì hắn giục cả bọn đi ngủ. “Không cần gác xách hay trói ông ta nữa!” Hắn nói với đồng bọn rồi quay sang tôi: “Tôi tin ông nhé! Đừng có ngu xuẩn tìm cách báo bọn Bullen(3)! Bọn tôi trẩu(4) nhanh lắm!” Nói rồi hắn lăn ngay ra thảm. Cả bọn lục tục tìm chỗ nằm. Tôi định tắt nến thì gã nhổm dậy bảo, đừng tắt nó! “Tôi không ngủ quen trong bóng tối!” ồ, thì ra mày cũng biết sợ! Hồi bé tôi cũng sợ ngủ trong bóng tối lắm. Lớn lên thì chẳng như vậy. Người sợ bóng đêm là loại người như thế nào nhỉ? Tôi tự hỏi và ra khỏi nhà lấy thêm củi cho vào lò.
Củi sưởi để sau nhà, Lothar mua hộ và cẩn thận xếp thành hàng. Tôi cố ý lấy củi rất chậm để suy tính. Liệu có chuồn không? Thôi! Chuồn làm gì. Muốn giết thì nó đã giết rồi! Tôi nghe tiếng ai nói vọng ra: “ Lấy củi gì lâu thế anh già ơi!” “ Vâng! Tôi vào đây!”
Tôi vứt từng thanh củi vào lò. Hắn hình như chưa ngủ. Trên tường xám trắng, bóng hắn hằn lên, đen nhờ. Nhìn thấy bóng bàn tay hắn đặt lên trán trong ánh lửa bập bùng, run rẩy.
Tôi leo lên cái đệm đã rách. Mặt đệm còn tơi tả, xơ xác lông chim. Mãi mà chẳng ngủ. Cứ miên man nghĩ về nhà. Không hiểu sao nhớ con thế. Cha tôi đã già lắm rồi. Vào mùa này, cái ngõ nhà tôi hẹp, luôn ẩm, nhêm nhếp nước. Lại một mùa xuân nữa ở xứ người! Tháng xuân, cái hè cống trước cửa nhà tôi ở Hà Nội, hoa sấu thường rụng trắng để sau dăm ngày có mưa phùn và nắng he, đám hoa lên men, hương lên thoang thoảng, ngất ngây...
Chúng tôi thức dậy cùng với những tia nắng vàng ươm chiếu qua cửa sổ, tiếng quạ về trú đông kêu xáo xác. Chúng cũng không ăn sáng mà chỉ đòi cafe đặc không đường. Tôi tiễn bọn cướp ra tận cổng. Rõ ràng đêm qua chúng vượt qua đám hàng rào bên phải. Vết bùn còn kia! Tôi cố giữ bình tĩnh nói đùa: “Bận sau nhớ gọi chuông và vào cổng chính” Hắn trợn mắt nhìn tôi và đáp lại rằng, hắn hy vọng như vậy. “Nhớ đừng dại mà báo bọn chó Bullen nhé”. Hắn dặn tôi lần nữa khi cả bọn leo lên chiếc xe Opel cũ mèm.
Đường vắng tanh. Gió leo pheo thổi buốt như dao cắt, muốn rụng cả tai. ống xả ô tô rỉ nhoèn, ho khùng khục và run lên bần bật nhả đám khói đen đặc, làm xạm đen đám tuyết xốp trắng tinh đêm qua mới xuống. Tên mặt bạc giơ tay chào tôi. Xe vút đi.
Tôi bàng hoàng đứng lại trong vườn. Phải tới năm phút hóa đá. Tôi bất giác sờ lên cổ, lên má. Thì ra tôi hãy còn sống! Tự nhiên tôi thấy trống trải và thương thân vô cùng! Quay lại nhà vườn, khi ấy tôi mới nhận ra mình đã hoàn toàn kiệt sức. Tôi đổ vật xuống đệm như gốc cây bị đốn ngã. Chẳng thiết đi buôn bán nữa! Tôi nằm nghĩ miên man. Trong tay là tấm ảnh những người lính trẻ ngày xưa.
Tại sao ngày ấy chúng tôi đi suốt chặng đường chiến tranh mà chưa khi nào thấy bất an, mệt mỏi như hôm nay? Cái gì? Vì sao? Cuộc sống ngày ấy biết bao nguy hiểm và thiếu đói sao vẫn yêu đời và khi nào cũng thấy vững dạ trước hiểm nguy. Còn hôm nay? “Vâng, ngày ấy quanh tao có chúng mày!” Tôi nói với tấm ảnh như kẻ tâm thần. Bốn người trẻ, ở một thế hệ xa lạ, cùng một tiểu đội, nhìn tôi đăm đăm. Còn bây giờ, tôi ở đây chỉ có một mình. Một mình giữa vùng đất rất hiếm hoi mới có người bạn như Lothar. Hắn tốt lắm, nhưng điều tôi quan tâm hắn chẳng quan tâm. Điều hắn quan tâm thì với tôi là xa lạ. Những người đồng ngũ xưa lại khác hẳn. Tôi xấu hổ. Sự xấu hổ tự nhiên và ngay khi ấy rất khó cắt nghĩa. Nó lẫn lộn trong lẻ loi, trong sự hoang mang của người lạc lối, lại mất dấu giữa rừng. Sự lẻ loi của tôi trong trạng thái không còn như ngày hôm qua. Ngày ấy, khi sống giữa rừng, thiếu đói, bệnh tật, nguy hiểm luôn rình dập nhưng vẫn còn tin vào điều kỳ diệu nào đó sẽ bất ngờ xảy ra vào sớm hôm sau. Hôm nay, ở đâu còn điều kỳ diệu ấy? Không! Hay hoàn toàn không? Tôi cười nhạo mình rồi bật dậy treo lại cái ảnh vào chỗ cũ. Phải dọn phòng cái đã! Dù sao tôi vẫn còn tiền và phải sống.
Tới gần trưa thì Lothar đến.
Tôi chống nạnh, thờ ơ nghe hắn nói, Hansi ngày mai có thể trở về! Mười một giờ, trời còn lạnh lắm nhưng nắng đã về óng ả. Những chùm nắng non xiên qua trảng cây làm đám cỏ như có tơ vàng, óng ánh lạ thường. Tôi chợt cảm thấy sao đẹp vậy! Lothar đáng yêu và gần gũi thế. Có lẽ sau mỗi khi thoát chết, ở hoàn cảnh bất lực và yếu thế, lẻ loi, con người ta ai cũng có cảm giác ấy chăng? Mọi thứ ta coi thường hàng ngày bỗng trở nên thân thương và ấm áp lạ lùng. Tôi xoa hai bàn tay cho ấm, huýt gió. Lothar đang cào tuyết trên lối vườn trố mắt nhìn tôi. Chắc hắn nghĩ, hôm nay thằng Việt Nam kia bị verueckt(5).
Giữ lời với bọn cướp, tôi không đi báo cảnh sát về mọi chuyện đã xảy ra.
*
* *
Hansi trở về đúng hẹn. Nó chồm lên lao vào tôi khi cánh cửa sắt rung lên, hé mở. Tôi ôm xiết nó vào lòng. Cọ má vào đám lông nhẫy đen pha chút màu nâu lửa của nó. Hansi cuống quýt, thò dài lưỡi liếm láp. Mõm nó khi ấy, nóng và ướt, dúi liên hồi vào má, vào nách tôi. Đôi mắt thật tha thiết làm sao! Cái giống chó hay thật, mới xa nhau mấy ngày, cũng biết tỏ ra vô cùng thương nhớ.
Đêm ấy tôi kể chuyện cho nó nghe việc xảy ra. Nó nằm cạnh tôi ngỏng cổ lên. Nghiêng nghiêng, ngó ngó như hiểu cả. Mà ai dám chắc Hansi của tôi không hiểu tiếng người? Bận tôi ốm, nó chẳng nằm bên tôi ba ngày liền, luôn ngước đôi mắt vô cùng trìu mến, tựa hồ an ủi tôi đó sao. “Từ nay, tao thề không cho mày ăn tạp”. Tôi âu yếm vỗ vào lưng nó.
Theo tháng năm, Hansi càng ngày càng rắn rỏi. Nhìn Hansi đứng, kiêu hãnh vươn ức săn nở, hai chân chỉ chực phi, chồm tới phía trước, tôi thấy an lòng.
Công việc làm ăn của tôi vẫn bình thường, dù sang xuân việc bán chác có kém đi. Tôi lấy gói tiền giấu trên ống thông hơi xuống, chia đôi gửi về nhà một nửa. Nửa còn lại bọc nilon cho vào một lon bia chôn xuống cạnh gốc thông. Dù sao vẫn phải đề phòng. Ba tháng nay, nạn cướp trong cộng đồng người Việt tăng lên. Có thể vẫn là nhóm hắn! Tôi đoán vậy.
Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Đủ các loại phải chi! Vợ tôi báo tin, mợ tôi muốn vay tiền để đứa con gái lớn của mợ, em tôi sang Đức, “Các cháu làm ơn cho mợ vay. Ngộ may có đổi đời như nhà các cháu”. “Thôi, thu xếp cho mợ vay! Hồi sơ tán đạn bom, mợ giúp mẹ chúng ta nhiều lắm!” Tôi nhắn về nhà cho vợ.
Theo dự kiến, em tôi sẽ đi qua đường Tiệp. Khốn nạn! Con gái sang đây làm gì. Rồi phải vào trại. Lại giả vờ, khai man có hành vi gì đó chống lại đất nước! Nhưng cũng khốn nạn. Mợ tôi ở dưới quê, cái vùng chiêm trũng, nước đóng váng gạch cua tháng hạ, người nhiều hơn ruộng! Cậu tôi hy sinh trong chiến tranh biên giới để lại gánh nặng, bốn nách con cho mợ. Đứa lớn, em tôi mới mười ba đã phải lên Hà Nội kiếm tiền. Nghe nói mấy năm nay, em tôi hết đi gánh nước thuê lại đi rửa bát, đi ở quanh phố để kiếm tiền gửi về cho mợ. Tôi biết, với mợ tôi, việc vay tiền là bất đắc dĩ. Vả lại, nhà tôi nghèo thế mà bỗng dưng có những mấy ngàn US, lại ti vi màu bóng nhẫy, chình ình trong cái nhà hẹp mười mấy mét vuông thì ai chả nghĩ, sang bên Đức có thể xúc ra tiền!
Cũng phải bốn tháng sau em tôi mới sang. Nó vào trại tị nạn trình diện rồi về giúp tôi buôn bán. Thực ra, công việc kiếm ăn của tôi, một người thì hơi vất vả mà hai người thì thừa. Vùng tôi ở, người Đông Đức thất nghịêp đầy rẫy. Tìm đâu ra chỗ làm cho nó? Với lại, nó làm gì có giấy tờ để đi làm hợp pháp. Bất tiện nhất là hai anh em phải chui rúc trong cái nhà vườn chỉ mười bốn mét vuông. Bình thường thì không sao, nhưng những lúc nó tắm gội, thay đồ, khi bận cái việc của đàn bà. Rất ngại! Thôi đành vậy. “ở với anh dăm bữa rồi tính”. Tôi bảo em tôi như thế nhưng nó vẫn buồn. Cũng dễ hiểu! Những khi giúp tôi công việc thì không sao. Nhưng ngày nghỉ, chẳng có việc gì, hết ra lại vào, đụng qua đụng lại vẫn thằng anh già, ti vi không thiết xem mà chuyện trò mãi cũng chán. Hai người, hai thế hệ, ở với nhau thì chẳng hợp rồi. Nó thương tôi nhưng rõ ràng, mỗi lứa tuổi có sở thích, mơ ước riêng. Tuổi trẻ nhiều ham hố mộng tưởng. Mộng ước lớn nhất của nó là sang đây đi làm thuê chẳng xong. Mọi hoang tưởng của nó về xứ sở thiên đường vỡ mộng, khi nửa năm bị giam trong bốn bức tường giữa một khu vườn chỉ có tiếng chim và anh già hay đi nằm sớm. Tôi nhìn khuôn mặt ngày một đẹp ra vì khí hậu Châu Âu nhưng luôn buồn buồn của nó rồi động viên: “ Thôi, cố chịu. Vài năm nữa có giấy tờ sẽ tính.” Tính gì đâu! Thực ra tôi cũng bí. Không thể để nó lang thang vào đội quân buôn thuốc lá lậu được. Chui lủi, khổ cực, ê chề khi cảnh sát còng tay và nó sẽ hư hỏng mất. Tuy thế tôi vẫn viết đều về Việt Nam, báo tin bằng những dòng viết trơn tru cho mợ tôi rằng, mợ cứ yên tâm, cháu đang thu xếp, em khoẻ và lên cân.
Thời gian vẫn trôi đi. Hết hè, rồi thu sang và đông. Mùa đông năm ấy thực khủng khiếp. Ba bốn tuần liền, tuyết ào ào trắng xóa đổ xuống mặt đất. Tuyết ngừng rơi thì gió vun vút lạnh, chích kim vào da thịt. Vườn cây chuyển mầu bàng hoàng, tựa rát vàng rực rỡ rồi bất ngờ trút hết lá, trơ trụi xương cành như vừa bị C130 táng bom hóa học hồi nào. Nhìn qua cửa sổ, cây cối được băng giá che phủ một lớp trong suốt pha lê.
Tối đó, tôi đi nằm sau chương trình thời sự hãng truyền hình Sat1. Em tôi, con Tám ngồi bất động trước màn hình xem tiếp một phim gì đó rất nhăng nhố, ma quái của Mỹ. Lơ mơ sắp ngủ thì con Hansi chợt rít lên. Nó càm tay áo tôi rồi lồng lên ra cào cửa. Tôi choàng tỉnh, bật dậy vớ khẩu hai nòng và vọt tới bên cửa sổ đã kéo rèm, nhìn ra vườn. Sương tuyết lởn vởn, mong manh từng đám la đà bay. Những hàng cây trắng phớ, bất động. Yên ắng một chút, lại nghe có tiếng cành khô gãy. Hình như có tiếng băng tuyết lạo sạo dưới đế giày mơ hồ vọng về. Tôi lẩy nhẹ khóa cửa. Hansi vọt ra ngoài. Có người lạ rồi! Tôi lao theo nó, tay nắm chắc súng, sẵn sàng nhả đạn.
Chút xíu thì Hansi cắn đứt cổ họng của kẻ thù của tôi hôm trước. Nó nhanh như tia chớp, hộc lên một tiếng rồi lao vào đè nghiến cái bóng loạng choạng trên tuyết lạnh. Tôi có linh tính người đó là hắn. Đúng là hắn! Cái bóng liêu xiêu từ cửa vườn, lần từng gốc cây tiến tới nhà vườn để bất chợt ngã ngửa trên tuyết trong móng vuốt của Hansi. “Cứu... Cứu... tôi!” Lời khẩn cầu bất chợt, kịp cho tôi lệnh cho Hansi buông tha đối thủ.
Hắn ôm đầu, mắt nhắm nghiền. Hansi vẫn đứng, dùng hai chân trước ghì con mồi của nó xuống đất, chờ lệnh. Dưới ánh trăng mười hai và phản quang của băng tuyết, tôi nhận ra vai, ống tay áo phải của hắn sộc lên mùi máu. Tôi sốc hắn lên. Hắn quằn người đau đớn muốn đổ vào tôi. Tôi đỡ lấy hắn. Lát sau chúng tôi lần từng bước tiến về cửa nhà vườn.
Tôi cởi áo hắn ra, gọi Tám cho thêm củi vào lò. Lửa phừng phực reo, tăng hết cỡ độ ấm trong nhà. Cái Tám hoảng sợ, nháo nhào tới giúp anh.
Chúng tôi rạch tay áo hắn. Vệt đạn bắn sượt xéo trên bắp vai trái. Thịt há toác, lộ mỡ trắng phớ, máu nhễu thành dòng đỏ tươi. May mà không phạm động mạch và xương! Con Tám rú lên, bưng mặt khi nhìn thấy máu. Tôi trừng mắt, giục Tám đi đun nước.
Tôi tính rất nhanh. Không thể gọi bác sĩ được! Hắn sẽ bị bắt lập tức. Hắn đã tới cầu cứu sự che chở của mình. Xứ người, dẫu sao cũng da vàng máu đỏ, lại là em đồng đội, lại từng tha chết cho mình.
Nước sôi, tôi bảo Tám lấy chút muối pha vào. Tôi tận dụng hết kinh nghiệm trong chiến tranh xử lý vết thương cho hắn. Tám lại tìm thấy hộp cấp cứu của Lothar. Tôi bảo hắn chịu đau, lấy kim chỉ nhúng cồn, khâu bừa như hồi ở rừng. Hắn gan thật! Tôi toát hết mồ hôi, còn hắn chỉ nhăn mặt khi kim nhằng nhằng khâu da thịt. Không một tiếng rên!
Tám đỡ lưng, tôi lau người cho hắn và để hắn dựa lên cái gối lớn rồi ủ ấm sau khi băng kín vết thương. Tám mang cho hắn một ca sữa hâm nóng.
Chúng tôi đi nằm sau đó hai giờ. Hắn nằm trên đệm xa lon. Tôi nằm dưới chân giường Tám. Cả ba chúng tôi đều không ngủ. Thi thoảng nghe rõ tiếng hắn thở dài. Con Tám nhỏm dậy. Đôi mắt Tám trong đêm đen thẳm. Nghe thì thào: “Anh ơi, em sợ”. Tôi ấn đầu nó nằm xuống. Không biết bao lâu sau đó tôi thiếp đi. Tôi thấy cả ba chúng tôi trên một con đò trôi xuôi một dòng sông đầy khói. Nghe rào rạt tiếng mái chèo đùa nước. Tiếng nước rơi lóc tóc xuống mặt sông mỗi khi mái chèo đưa lên. Lại nghe tiếng ai gọi xa vời: “Đò ơi!”
Ngày hôm sau, Tám và hắn đã dậy từ khi nào. Hắn ngồi bên lò sưởi như một khối đá. Tôi đến hắn nắm lấy đôi vai: “Đỡ chưa cậu?” Hắn ngoảnh lại nhìn tôi, không nói gì. Nhìn vào mắt hắn, tôi cảm thấy sự biết ơn trong đó. Bất giác, tôi nắm lấy bàn tay hắn. Bàn tay ấm! Ai nói, tay ấm là người có tình? Có tình mà sao hắn lại đi ăn cướp? Tôi tự hỏi.
Một tuần trôi qua vết thương chưa liền da, dẫu em tôi, cái Tám hết lòng chăm sóc. Hắn vẫn hâm hấp sốt và tỏ ra mỏi mệt. Tôi đi bán hàng bập bõm. Yên tâm sao được khi để hắn ở nhà với em tôi? Hắn có thể cảm thấy điều ấy nên bảo: “Ông yên trí đi. Dũng này biết, thế nào là người quân tử. Ân oán sòng phẳng!”
Ba bốn ngày trôi đi, hắn tỏ ra biết điều, hay giúp Tám việc vặt. Một lần, hắn lọ mọ, khập khiễng theo Tám ra vườn nhặt táo rụng về nấu mứt. Chúng nó ngồi bên nhau rửa táo. Khi nồi táo dừ, tiết mật, bốc mùi thơm dịu, hắn quay sang tôi nói: “ Hồi bé, tôi rất thích ăn chè bí ngô nấu với đậu xanh. Mẹ tôi nấu ngon lắm. Ngửi mùi táo của cô Tám, tôi thèm ăn quá.”
Tám nghe vậy, múc cho hắn nửa bát. Hắn ăn một nhoáng đã hết. Mứt táo rụng, ăn khi nóng sẽ lộng vị chua. Không hiểu hắn nuốt hết cái thứ chua loét ấy là vì nhớ mẹ hay là nịnh em tôi? Con Tám thật ít hiểu đời, thấy vậy định múc thêm nửa bát cho hắn. Hắn lịch sự từ chối. Đây là lần đầu tiên hắn cười. Nụ cười méo mó, nhưng khi ấy nom thực dễ thương!
Hansi đứng bên tôi nghiêng cái đầu nghe ngóng. Nó nhất quyết không làm quen với Dũng. Mỗi lần Dũng đưa tay định vuốt ve, con chó nhãng ra, nhìn hắn thăm dò.
Hôm báo chí bang đưa tin có vụ va chạm, nổ súng của “Một nhóm người Việt Nam”. Tôi đoán là bọn hắn. Hắn kể với Tám, trong nhóm hắn có mâu thuẫn lớn và xảy ra chạm súng. Hắn một mình thoát khỏi sự vây đuổi của cảnh sát và chạy tới nhà tôi. Tôi cầm tờ báo chỉ cho hắn mảnh tin đó rồi bảo: “Cậu giết người?” “Không!” Hắn lạnh lùng trả lời. Im lặng đến ba bốn phút. Hắn chợt nói: “Mọi lần đi ăn hàng, tôi chỉ dọa nạt thôi và chưa giết một ai cả. Nhưng tôi căm thù hắn!” “Hắn nào?” Tôi hỏi lại. “Là một thằng khốn nạn. Một đứa phản bội anh em. Một thằng dưới cả mức đểu, sẵn sàng làm mọi điều xấu xa tàn nhẫn nhất để có tiền. Tôi mà gặp lại nó, tôi sẽ giết! Di nó dưới đế giày như di một con giòi!” Khi ấy, khuôn mặt Dũng đầy sát khí, phẫn nộ. Nghe hắn nói, nhìn bộ mặt, lạnh hết cả sống lưng.
Tôi ngồi xuống bên hắn.
- Cậu nên từ bỏ con đường đã chẳng sung sướng, lại nhơ bẩn và mạo hiểm! - Tôi nhẹ nhàng mở màn.
- Tôi chẳng muốn làm công việc này. Tôi chỉ muốn sống lương thiện. Nói thế anh không tin đâu nhỉ. Nhưng hết cửa rồi! Chúng tôi lấy đâu ra tiền mua giấy tờ ở lại, làm, ăn? Tôi lang bạt từ nhỏ. ở Việt Nam, qua Nga, sang Tiệp và Ba Lan. Đâu đâu, tiền cũng thống trị, truy đuổi chúng tôi. Người thì giầu quá, tiền tiêu không hết. Con cái đi học tây tầu. Tiền đô gửi ngân hàng cả núi. Người như tụi tôi, lụi cụi gần hết đời, ăn cũng chẳng đủ. Mà đâu có phải riêng chúng tôi. Mẹ tôi khi xưa cũng vậy. Bố nuôi tôi cũng vậy. Cha tôi chết trẻ cũng là vậy. Bố nuôi tôi về hưu non. Lương hưu không đủ sống. Năm kìa, ông ấy bị hẹp mạch vành. Phải hơn năm chục triệu mới được mổ để chữa. Đào đâu ra số tiền ấy? Bảo hiểm sức khỏe ư? - Hắn cười lạt lẽo - Ông lăn ra chết khi vẫn còn viết hăng lắm. Thế là sau cha tôi, mẹ tôi, anh tôi, những người tốt nhất tôi gặp trên đời đều bỏ đi. Thế đấy, người tốt quý hiếm gần như tuyệt chủng. Tốt xấu lẫn lộn cháo đỗ. Anh xem, ở xứ người, với mình, cái thứ da vàng mũi tẹt, luật pháp ở đâu? Nó dành cho ai? Làm quái gì có xóm giềng, làng xóm mà sợ dư luận! Chỉ có cánh hẩu, băng đảng! Cái gì cũng quy ra cây ra chỉ. Ai cũng muốn mình giầu lên, phất nhanh như gió! ước mơ, điều kỳ diệu bất ngờ của ngày mai là tiền. Tôi hỏi anh, tiền đâu ra mà họ giầu nhanh như vậy? Họ cướp ngày đấy! Cướp ngày thì trong sạch. Tôi cướp đêm, bẩn thỉu! - Hắn nói một hơi. Mặt đỏ gay.
- Cậu nói thế nào vậy? - Tôi bảo - Sao lại không còn người tốt?
- Người tốt với anh có thể là xấu với kẻ khác. Hôm nay coi là người tốt đấy nhưng ngày mai có thể lại cho rằng xấu.
Hắn chẳng còn tin ở điều gì rồi. Sống như vậy khổ lắm. Tôi thoáng nghĩ, hỏi tiếp:
- Cậu còn tin ở cái gì không? Đức phật, thánh thần chẳng hạn?
- Tin chứ!
- Có đi chùa bao giờ không?
- Không!
- Tại sao, tin mà không đi chùa?
- Vào làm gì! Toàn bọn vô đạo! Chúng nó vào chùa xin tiền, xin trúng mánh, đánh quả đậm, xin nhà to hơn. Xin kẻ thù, đối thủ sập bẫy. Mấy ai vào chùa để mong cầu theo ông phật?
Tôi yên lặng. Chà! Cũng lý luận ra trò.
- Xấu tốt là tương đối thôi. Nhưng người chia sẻ thì bao giờ cũng cần. Hoàn cảnh nào cũng cần đến tuyệt đối. Cậu có cần người chia sẻ không? Như tôi và cậu bây giờ chẳng hạn. Chúng ta đang chia sẻ với nhau đấy thôi! - Tôi nói.
Yên lặng. Mắt hắn rất buồn.
Đấy là lần đầu tiên chúng tôi nhiều lời với nhau.
Cuối tháng ấy, Tám làm giỗ cậu tôi. Tám đi chợ mua gà, hoa lơ xanh, một quả dứa châu Phi to ngật làm cơm cúng. Bỗng dưng, gian nhà vườn vốn trống chênh, hoang toác giờ có ba người, lại lâu lắm mới có buổi xào nấu tưng bừng, thơm nức mũi. Tất cả tạo thành cái không khí gia đình, nhất là khi mùi hương trầm ngan ngát tỏa khắp gian phòng hẹp. Xa quê hương, trong cái xa xôi vời vợi, đôi khi tưởng như tuyệt vọng, những khi ấy lòng dưng dưng ấm lại, thoảng thôi phút chốc để rồi nhớ nhà nung nấu bồn chồn!
Hắn tò mò hỏi Tám và biết rõ lý do của bữa giỗ. Hắn xin thắp hương. Nhìn hắn thành kính đứng trước bàn thờ cậu tôi, miệng lẩm nhẩm khấn, kính cẩn lạy, tôi vừa đau đớn vừa thương hắn, thương tôi, thương Tám. Có thể là hắn còn sốt, còn mỏi mệt, nên hắn chỉ ăn được nửa bát miến rồi buông bát. Rượu cũng chẳng uống một giọt. Tôi vừa cất lời động viên hắn ăn thêm thì hắn bưng lấy mặt. Tám chạy tới. Khi hắn bỏ tay ra, tôi nhìn thấy trong đôi mắt thường ngày dữ dội như thế mà giờ đây như trĩu nặng, muốn tứa ra điều gì.
Chúng tôi đều chống đũa. Không khí trong nhà trầm xuống như trong bia mộ. Cái con người ít nói như hũ nút ấy chợt mở miệng. “Gia đình em có ba người. Từ nhỏ em rất tự hào về anh của em!” Câu chuyện mở màn như vậy.
*
* *
Gia đình Dũng có ba mẹ con. Vừa sáu tuổi cậu đã mồ côi cha. “Ông bị bệnh hen suyễn nặng.” Hắn kể vậy. Mười bốn tuổi anh hắn đã ra đồng gánh vác công việc của người lớn. Chiến tranh cuốn anh hắn vào guồng máy khổng lồ, biền biệt. Cuối cùng, sau bao ngày chờ đợi, anh hắn gửi lá thư đầu tiên cũng là thư chót cho hắn. Hắn không hiểu sao, cứ đọc thư ấy cho mẹ là bà khóc suốt. Năm ấy vùng hắn hạn hán ghê gớm. Mặt đất, đá sỏi nóng bỏng, như có làn khói hơi ngùn ngụt bốc lên. Hắn ra sông gánh nước và đã để quên lá thư của người anh khi nào cũng mang theo bên mình.
“Em chạy ra tìm thư được rồi thì máy bay đến trút loạt bom bất ngờ vào làng. Chúng nó đánh vào khu hậu cần tên lửa bảo vệ Hàm Rồng. Em chạy như điên về nhà. Trước mắt chỉ còn thấy một hố bom khét tanh. Lần thứ nhất, lá thư cứu em thoát chết!”
Tôi đã chứng kiến cái cảnh người ta đùm bọc nhau trong chiến tranh. Tôi tưởng thấy Dũng hết ở nhà này trong xóm lại tới nhà khác. Tôi tin hắn. Tôi mường tượng thấy cái lều vịt dựng ở mé sông. Một thằng bé chui rúc trong đó, nhịn đói vài bữa là thường. Nhưng con người hắn thật lạ, chỉ vì một giấc mơ, thấy anh hiện về mà hắn dám đốt lều, bỏ làng, đi theo hướng Bắc ra tận Hà Nội kiếm ăn.
“Em không còn cái gì cả. Tứ cố vô thân. Vật duy nhất mang theo là lá thư của anh em. Khi đói mang ra đọc, buồn mang ra xem! à, còn sợi dây dù anh ấy gửi bạn mang ra năm trước khi mất. Lang thang xin ăn khắp mọi nơi. Tới một cái chợ rất to . Chẳng cần ai mời mọc cũng lăn xả vào khênh, kéo những cần xé lớn đựng hoa quả. Rồi người ta cũng nhẵn mặt em và thuê làm việc vặt vãnh. Có vậy, em mới sống được tới hôm nay.”
Cứ theo lời hắn nói, khu chợ ấy có thể là chợ Bắc Qua. Tôi tin điều hắn kể rằng “Phải bật khỏi chợ, đi xuống khu sau ga mới, gánh nước thuê sau một trận đánh nhau chí tử với đám ma cũ.”
“Khu nhà một tầng san sát sau ga, thật bẩn thỉu, kinh tởm”. Hắn kể tiếp: “Mỗi khi mưa, nước dềnh lên khắp các ngõ hẻm. Người ta phải đi lại trên những hòn gạch, ván thùng kê lên trong dòng nước lềnh bềnh, lổn nhổn phân, rác, xác súc vật thối .”
- Mình đã có lần qua cái khu sau ga ấy! - Tôi tỏ sự đồng cảm. Sau chiến tranh người ta chen chúc sống như vậy cũng là thường. Thôi thì đủ hạng người. Cán bộ, công nhân nghèo, dân bốc vác, dân ném hàng lậu vượt tường cho những chuyến tàu Nam, cả đám anh chị, bọn lừa bịp tráo đa và lũ điếm rẻ tiền.
“Tại một góc. Lối em hay gánh nước qua, nơi có bóng cây cạnh hiên nhà khu 15, thường có một người ngồi ghi chép viết lách bên cửa sổ và ông ta để ý tới em tự khi nào cũng chẳng rõ”. Hắn kể với giọng tỉnh queo: “Một chiều, ông ta gọi em vào hỏi chuyện rồi tỏ ý thương lắm. Mùa đông năm ấy, khi bắt gặp em ngủ dưới mái hiên một quầy bán báo đã bảo em về, cho em nghỉ trong gian nhà chật hẹp của ông ấy. Ngày xưa em cứ mường tượng nhà văn là một người nào đó phải thật đặc biệt. Hóa ra không phải vậy! ông ấy là một nhà văn quân đội rất nghèo. Ông ta, bố nuôi em là một người rất bình thường. Chỉ không bình thường vì ông thương người quá đỗi mà thôi. Ông ấy hay làm việc, viết lách tới khuya mà ăn uống nhiều khi chỉ có muối vừng với vài lá rau thơm. Những cây rau thơm trồng trong mấy cái ống vỏ đồ hộp. Hơn năm sau, em được bố nuôi đưa về thăm quê em và cũng nhờ ông, em đi xuất khẩu lao động tại Nga.”
Tôi chợt nhớ tới nhà ga Moskau với những vòng tròn như cái sàng bột chi chít trên vòm mái. Năm nào qua Nga, những đoàn người tóc đen, da nhem nhúa, mặc lên người đến mấy bộ quần áo bò phát ngốt, chen chúc như đàn ruồi bâu lấy cửa kiểm soát, qua hải quan vào kiếm cơm ở một đất nước bao la.
“Công việc ở nhà máy cán thép rất nóng và vất vả. Tính ra, mỗi ngày bốc tới ba chục tấn tôn thép. Đồng Rúp xuống giá như mất cắp nên chẳng tiết kiệm được. Bọn em buôn bán vặt, những gói bột nghệ cho người Trung á. Năm ấy Nga cấm rượu. Bọn em chuyển sang nấu rượu bán. Bốn năm nồi nấu thi nhau chiết rượu ngày đêm. Gạo ủ lên men trong bồn tắm. Cảnh sát kiểm tra thì đứa xả bồn, thằng múc bỗng đổ như điên vào toilet. Anh mà không uống được rượu, chỉ ngồi trong phòng toilet một giờ là say ngất ngư.”
Hắn hút thuốc lá liên tục. Cái phòng nhỏ mù mịt khói.
“Đã kha khá tiền thì tai họa ập tới. Chúng nó gọi cửa như người cất hàng. Rồi trói, rồi tra tiền. Ba thằng nấu rượu đều tiếc tiền nên cố gan lì chịu đòn, trơ ra. Thế là chúng tóm luôn em, đứa to con nhất, quẳng qua cửa sổ tầng 17. Tầng mười bẩy, anh hiểu không?.”
Tôi thót tim lại. Tưởng thấy những căn hộ tổ chim cao ngất. Gió ù ù thổi khi mở cửa sổ. “Sao lại thoát chết?” Tôi hỏi.
Hắn kéo lá thư với sợi dây dù ra.
- Đây. Nhờ lá bùa này!
Tôi trố mắt ngạc nhiên.
Hắn nhếch mép cười chua chát.
“Vụt một cái, em bị ném khỏi cửa sổ. Cảm giác bị hụt hẫng vừa chợt đến thì thấy người giật nẩy lên. Mở mắt ra thì, trời ơi. Cái giá treo cờ của bọn Nga, bây giờ chẳng ai treo nữa, thò ra ngoài xé toạc cái áo rồi móc trúng sợi dây buộc lá thư này. Cứ như thế mà đung đưa trước mưa tuyết quất buốt vào mặt, vào tay tê cứng. Cổ bị dây dù kéo căng. Ngạt thở muốn chết. May em khỏe, ráng sức co người, ngồi chênh vênh trên đó. Anh thì chắc chết ngất vì bấy giờ nhìn xuống thấy hun hút. Lại nghe rõ tiếng đánh đập, tiếng tra khảo hai thằng bạn em trên phòng