Lên phương án tiêu thụ vải thiều
Về Lục Ngạn (Bắc Giang) những ngày này, có thể nhận thấy, hoa vải đã nở trắng trên các vùng đất đồi. Ông Vũ Nguyên Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Bình Nguyên (thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, bà con đầu tư tốt hơn cho cây vải nên dự kiến, năng suất và chất lượng vải sẽ tăng cao so năm ngoái.
“HTX Nông sản sạch Bình Nguyên hiện có 4ha vải, tổng sản lượng hàng năm rơi vào 300-400 tấn. Riêng năm nay, dự kiến sản lượng vải có thể đạt được 450 tấn. Thời điểm này, nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã đến HTX để lên kế hoạch tiêu thụ vải”, ông Vũ Nguyên Bình cho biết.
Cùng với HTX Nông sản sạch Bình Nguyên, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bắt đầu lên kế hoạch tìm đầu ra cho sản phẩm vải thiều.
Trước đó, trong năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang đã tiêu thụ đạt 215.852 tấn, tăng hơn 50.850 tấn so năm 2020. Giá bán luôn được duy trì ổn định, bình quân cả vụ đạt 19.800 đồng/kg. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng.
Ông Vũ Nguyên Bình chia sẻ, giai đoạn đầu năm 2021, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, nhiều người dân đã bớt phần đầu tư cho trái vải do lo sợ không tìm được đầu ra. Tuy nhiên, nhờ chất lượng và thương hiệu, sản lượng vải tiêu thụ của năm ngoái vẫn rất khả quan. Năm nay, người dân yên tâm đầu tư nhiều hơn nên sản lượng và chất lượng vải chắc chắn sẽ tăng lên.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, vụ vải năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong và ngoài nước, gắn với quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh.
Sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm 2022 dự kiến sẽ đạt khoảng 160.000 tấn. Trong đó, quả vải dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Australia, EU với 18 mã số vùng trồng (được Hoa Kỳ cấp mã số IRADS), diện tích là 218ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.
Bên cạnh đó, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, thực hiện sản xuất 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,45ha, sản lượng 1.800 tấn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; duy trì 149 mã số vùng trồng và 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng khoảng 95.000 tấn.
Hiện nay, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt. Trà vải sớm đang trong giai đoạn nở hoa, đậu quả, tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%, trong đó ở huyện Lục Ngạn, Tân Yên đạt trên 90%, các huyện còn lại đạt 80-85%; thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 15/5. Vải thiều chính vụ cũng đã ra hoa, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 10/6-30/7.
Nỗ lực bước vào thị trường Hoa Kỳ
Để quả vải có thể bước chân vào thị trường lớn, tỉnh Bắc Giang tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như: Hoa Kỳ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Đồng thời tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường được đánh giá nhiều triển vọng tích cực cần có giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thực tế, quả vải đã vào thị trường Hoa Kỳ từ năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này số lượng rất khiêm tốn. Do đây là thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Bà Jolie Nguyen, đại diện nhà nhập khẩu từ Hoa Kỳ chia sẻ, năm 2021, Hoa Kỳ nhập 15,1 tỷ USD trái cây tươi; trong đó nhu cầu tiêu dùng trái cây nhiệt đới từ Việt Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thị trường này có tiêu chuẩn cao, yêu cầu doanh nghiệp phải làm ăn lâu dài, bài bản, đặt cam kết chất lượng lên hàng đầu. Việc xuất trái cây Việt Nam sang Hoa Kỳ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều quy định và đạo luật khác nhau như: Chương trình bảo vệ thực vật và kiểm dịch (PPQ); Đạo luật bảo vệ thực vật (PPA); Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA); Đạo luật bảo vệ chất lượng thực phẩm (FQPA)…
Trong khi đó, theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, hiện nay, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc chưa có Trung tâm chiếu xạ được phía Hoa Kỳ chấp thuận, vải thiều phải đưa vào TP Hồ Chí Minh đóng gói, chiếu xạ và xuất khẩu, như vậy phát sinh nhiều chi phí về vận chuyển và chiếu xạ.
Ngoài ra, Bắc Giang cũng gặp khó do vận chuyển bằng đường hàng không chi phí cao, còn vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian (từ 22-28 ngày) gây áp lực cho công nghệ bảo quản quả vải.
Trước mắt, để quả vải chinh phục được thị trường khó tính, người dân Lục Ngạn đang nỗ lực nâng cao chất lượng quả vải nhờ quy trình trồng, chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn. Ông Vũ Nguyên Bình chia sẻ, hiện nay, HTX đã bắt đầu chuyển đổi hình thức trồng vải theo hướng hữu cơ với mục tiêu nâng diện tích lên khoảng 10ha trong thời gian tới. Khi đã có được quả vải chất lượng, mục tiêu vào các thị trường lớn sẽ rộng mở hơn.
Bên cạnh đó, các khó khăn về chiếu xạ đã và đang được phía địa phương và các bộ, ban, ngành nỗ lực tháo gỡ nhằm hướng tới một mùa vải ngọt tại Bắc Giang.