Kỳ vĩ Nam Hải Vân

Nam Hải Vân là ngôi nhà chung của nhiều loài, nhiều nguồn gien quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Khi nguồn tài nguyên đa dạng sinh học này được sử dụng hợp lý theo hướng bền vững sẽ tiếp thêm nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Nam Hải Vân gây ấn tượng với vẻ hùng vĩ của non nước, mây trời.
Nam Hải Vân gây ấn tượng với vẻ hùng vĩ của non nước, mây trời.

Việc duy trì, phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đã từng bước tạo sự chia sẻ trách nhiệm và lợi ích cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học đóng vai trò then chốt.

Rừng xanh bên biển biếc

Trường Sơn Nam gồm khu vực Nam Trung Bộ bắt đầu từ sườn núi phía nam dãy núi Hải Vân trở vào đến vĩ tuyến 11. Về đặc điểm khí hậu trong năm, đây là miền hầu như ít có tháng nào nhiệt độ xuống dưới 20oC, mang sắc thái xích đạo rõ rệt. Dãy núi Hải Vân có nhiều đỉnh cao hơn 1.000m, trong đó, đỉnh cao nhất là 1.450m. Đây là ngọn núi cuối cùng của mạch núi đâm ngang ra biển lớn nhất của dãy Trường Sơn.

Dọc theo con đường đèo Hải Vân với độ cao 500m, một bên là rừng xanh, một bên là biển biếc, có suối nước từ trên cao đổ xuống quanh năm. Rừng ở khu vực này thuộc vào loại rừng nhiệt đới thường xanh cả bốn mùa, từ đó hình thành một “bộ máy” khổng lồ điều hòa nhiệt độ, gió mưa. Cánh rừng tạo nên môi trường tự nhiên trong lành về không khí và nước.

Điều tạo ra nét độc đáo của Hải Vân không chỉ ở vị trí địa lý và địa chất (là đường phân giới trong thiên nhiên giữa hai vùng Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam) mà còn ở cảnh quan hùng vĩ của nó. Đỉnh núi vướng mây trời, chân núi ăn ra sát mặt nước biển, ngày đêm sóng vỗ. Tên gọi “Hải Vân” tức “biển” và “mây” bắt nguồn từ đó. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đã gọi nơi đây là “đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Hải Vân cũng là nơi có sự biến đổi nhiều mặt từ địa hình đến biển cả, sông ngòi. Những điều kiện thuận lợi đó đã hình thành các mối liên kết sinh thái ăn uống, sinh hoạt và luồng di cư của động vật.

Theo các nhà địa lý học, dãy Hải Vân được xem như đường phân giới trong thiên nhiên giữa hai miền bắc-nam của nước ta. Khi gió mùa đông bắc vượt qua dãy núi đã yếu dần. Điều đó làm cho chế độ nhiệt, chế độ mưa ở vùng phía nam Hải Vân được điều hòa hơn, phù hợp với sự phát triển của nhiều loài thực vật. Rừng tự nhiên lớn nhất Quảng Nam-Đà Nẵng còn tồn tại đến nay nằm trong dãy Trường Sơn ở phía tây. Điểm cực bắc bắt nguồn từ chân núi Hải Vân sát biển đến rừng đầu nguồn các sông Nam, sông Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) và mái sườn nam của dãy Bạch Mã ở vĩ độ 16 độ 13 phút.

Nhà Địa lý học, Giáo sư Lê Bá Thảo từng nói: “Cuộc sống của các đồng bằng miền trung, kể cả từ khi hình thành cho đến nay không bao giờ tách khỏi ảnh hưởng của dãy Trường Sơn một bên và một bên là Biển Đông. Đã qua rồi những ngày đầu sau giải phóng, chúng ta nhìn Tây Nguyên và Nam Trường Sơn nói chung như một “vùng đất mới”, chỉ cần đưa dân đến khai thác là đủ để làm giàu.

Ngày nay, qua thực tiễn, chúng ta đã rút được kinh nghiệm rằng không có “món quà” nào được cho không cả”. Sự chuyển một trạng thái cân bằng vốn có của tự nhiên sang trạng thái cân bằng khác đòi hỏi con người có một sự nghiên cứu thấu đáo với những bước đi thận trọng. Chỉ khi đó, khu vực Nam Trường Sơn mới phục vụ được một cách tốt nhất lợi ích của con người và phát triển theo chiều hướng có lợi ích cho chính nó.

Bảo vệ rừng, giữ mái nhà chung

Trong Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 14/9/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc “Phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là kiện toàn, nâng cao năng lực công tác quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, các khu rừng đặc dụng, khu bảo vệ cảnh quan hiện có: Bà Nà-Núi Chúa, Sơn Trà, Nam Hải Vân.

Đến năm 2030, tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng của thành phố như Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân. Thiết lập, đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn được nâng hạng, thành lập mới. Đến năm 2045, đề xuất nâng hạng Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân thành Khu dự trữ thiên nhiên. Như vậy, cảnh quan Nam Hải Vân đóng vị trí và vai trò quan trọng trong việc duy trì, thúc đẩy tính đa dạng sinh học vốn có của thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Trong khu vực Nam Trung Bộ, “sợi dây” liên kết đặc biệt từ khu vực núi cao ở phía tây đến sát mép biển ở phía đông chính là dãy núi Hải Vân. Đây được xem là sự liên kết duy nhất ở Việt Nam. Từ xa xưa, hệ thống rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi chính là mái nhà chung của nhiều loài động, thực vật. Với diện tích của cảnh quan Nam Hải Vân là 3.397,3 ha, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận được thông tin về nhiều loài động vật và thực vật bậc cao.

Trong đó, lớp thú có nhiều loài được ghi nhận, đáng quan tâm là voọc chà vá chân nâu, sóc vằn lưng, sóc chân vàng; đối với chim có 21 loài như diều hoa Miến Điện, chim nghệ ngực vàng, bồng chanh, cò bợ, cò ruồi, chích bông cánh vàng, cu gáy, bìm bịp lớn, chim sâu lưng đỏ, di đá, bách thanh mày trắng, trảu ngực nâu...; bò sát có các loài như nhông xám, nhông xanh, tắc kè, thạch sùng đuôi sần, thạch sùng đuôi rèm, thằn lằn bóng hoa, thằn lằn phê nô Ấn Độ...; ếch, nhái có bốn loài như Ếch cây, Chàng đỏ, Ngoé, Cóc nhà; 27 loài giun đất và 24 loài mối. Thực vật bậc cao bao gồm Cây thuốc thượng, Thị Đà Nẵng và Lá gấm.

Thời gian qua, việc phục hồi lại rừng tự nhiên, phát triển bền vững ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng được nhiều đơn vị liên quan tích cực đẩy mạnh. Trong chương trình làm việc của đoàn các chuyên gia lâm nghiệp trong nước và nước ngoài với người dân trong Tổ Du lịch Cộng đồng Tà Lang-Giàn Bí, Hợp tác xã Nông nghiệp Sinh thái và Du lịch Cộng đồng Hòa Bắc, Giáo sư, Tiến sĩ Holger Jäckle (CHLB Đức) cho rằng, một điều dễ dàng nhận thấy ở các cánh rừng của Hòa Bắc (nằm trong cảnh quan Nam Hải Vân) chính là việc trồng đơn loài.

Kinh nghiệm quan trọng mà vị chuyên gia hướng dẫn người dân trồng rừng hiện nay là ở những vùng địa hình đồi dốc nên trồng đa loài, nhiều loài cây khác nhau trên một diện tích đất rừng. Không khai thác, thu hoạch đồng loạt trên một diện tích lớn mà khai thác theo cây; lựa chọn khai thác cây lớn, cây lâu năm có giá trị thành phẩm cao để không làm ảnh hưởng đến những cây chung quanh, không mở đường lên đồi dốc.

“Khi khai thác một cây thì nhiều cây được trồng lại, thay thế, bảo đảm đất rừng luôn được che phủ kín, xanh tươi, không bị xói lở. Chính vì vậy, đất rừng sản xuất luôn luôn được gìn giữ, không bị rửa trôi, bạc màu. Ở đó vẫn có rừng giữ nước, đa dạng sinh học được bảo vệ, chim, thú, côn trùng được sinh sống chan hòa. Những nguồn tài nguyên khác ngoài gỗ vẫn được duy trì sử dụng bền vững”, Giáo sư, Tiến sĩ Holger Jäckle nói.

Khi khảo sát dọc theo các con suối, nhóm chuyên gia nhận thấy nước bị khô cạn ở một dòng, chỉ còn lại dòng nước kế bên phần rừng được lưu giữ. Nước được tích tụ trong đất, dưới các lớp rừng đa loài, dần dần đọng lại ở tầng thấp. Người nông dân biết dựa vào lợi thế thiên nhiên và văn hóa để mô phỏng được một mô hình phát triển bền vững cho cộng đồng mình. Đó là đồi giữ nước hay nói cách khác, chính là trí tuệ mà người dân đúc kết được.

Ông Bùi Văn Siêng (73 tuổi, thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc) nhớ lại: “Những năm tôi còn thanh niên, rừng già ở sông Nam, sông Bắc phủ kín bạt ngàn. Từng đàn voọc chà vá chân nâu kéo nhau đi kiếm ăn. Chúng tập trung sống dưới tán rừng, không xâm lấn ra khu vực có con người. Chim kêu, vượn hú tận rừng sâu nghe rất vui tai. Từ chỗ đó, dân làng sinh sống dưới khu vực Nam Hải Vân này cùng đoàn kết, phân chia nhiệm vụ giữ rừng, giữ đất. Chúng tôi đưa ra quy ước tuyệt đối cấm chặt phá cây rừng lâu năm. Hiện nay, các hộ dân tăng cường trồng rừng, chọn các loại cây có vòng đời hơn 50 năm để tạo ra nguồn lợi lâu dài cho thế hệ sau”.

Trong tương lai, cảnh quan Nam Hải Vân hứa hẹn sẽ phát huy được những nội lực vốn có, trở thành điểm sáng về đa dạng sinh học của địa phương cũng như khu vực.