Ký ức màu cờ

NDO -

Đắm chìm trong không gian đậm màu hoài niệm của một bảo tàng ký ức. Lắng nghe những thanh âm lịch sử dội về, thầm thì rất khẽ. Được những hiện vật vô giá, những chứng nhân cùng những dòng hồi ức cuộn trào xúc cảm dẫn dắt. Khán giả màn ảnh nhỏ đã có một chuyến hành trình xúc động và tự hào cùng chương trình giao lưu nghệ thuật Ký ức màu cờ.

Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh và Anh hùng LLVTND Tư Cang, chỉ huy cụm H63 Tình báo miền nam.
Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh và Anh hùng LLVTND Tư Cang, chỉ huy cụm H63 Tình báo miền nam.

Bảo tàng ký ức

Suốt 75 phút lên sóng của chương trình Ký ức màu cờ, người xem được cùng nhà báo Đặng Diễm Quỳnh bước vào không gian “bảo tàng ký ức” - một format đã trở nên quen thuộc với khán giả sau chương trình Ký ức hòa bình từng phát sóng đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Được lên sóng lần đầu tối 5-12-2020, chương trình tôn vinh những tháng năm tuổi trẻ đầy lý tưởng, giàu cống hiến của những thế hệ thanh niên đã từng sống, chiến đấu và lao động hết mình cho Tổ quốc sẽ còn được phát đi phát lại nhiều lần, ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Để cảm nhận sắc đỏ chói ngời trên lá cờ Tổ quốc hôm nay được tạo nên bởi màu của máu, của khát vọng tuổi trẻ và của ánh bình minh chiếu rọi muôn nơi mà những thế hệ đi trước đã chung tay nhuộm thắm. Để truyền cảm hứng và khát vọng làm nên kỳ tích cho giới trẻ hôm nay. Để hiểu tình yêu Tổ quốc cùng lý tưởng mà Đảng dẫn dắt đã trở thành nguồn động lực lớn lao khiến những con người bình dị trở nên vĩ đại.

Ký ức màu cờ -0
 Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh và Anh hùng LLVTND Tư Cang - chỉ huy cụm H63 Tình báo miền nam cùng bà Chính Nghĩa, nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn duy nhất trong Đội biệt động số 5, từng tấn công Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Theo bước chân của chị, từng trang sử vàng thấm đẫm máu và nước mắt, được ghi dấu bằng những hy sinh mất mát và cả những chiến công hiển hách của cả dân tộc được tái hiện sinh động và đầy thuyết phục. Thông qua những hiện vật, những chuyện đời của hàng loạt chứng nhân lịch sử, người xem được gặp lại những chiến sĩ kiên trung trong Nhà tù Hỏa Lò, được trò chuyện cùng những nữ chiến sĩ lái xe giữa đại ngàn Trường Sơn, được rưng rưng nghe lại chiến công lặng thầm của những điệp viên tình báo cùng chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa, được thán phục với công cuộc tái thiết quê hương sau chiến tranh bằng sức trẻ sục sôi khí thế. 

Trẻ trung, rờ rỡ sức thanh xuân trong những tấm hình, thước phim tư liệu năm xưa, những nhân chứng của một thời bước ra từ dòng chảy ký ức cuộn trào để kể cho thế hệ đi sau những lát cắt không thể nào quên của đời mình. Không đao to búa lớn, không lý luận sách vở, họ khiến khán giả lặng đi vì xúc động, vì cảm phục khi nghẹn ngào chia sẻ  bằng những ngôn từ mộc mạc nhất, những ký ức đậm chất người nhất. Về những vết thương thể xác lẫn tinh thần chưa bao giờ kín miệng, những đồng đội không bao giờ còn trở về và cả những mất mát hy sinh để ngày hòa bình cuối cùng cũng tới.

Ký ức màu cờ -0
 Từ trái qua: Bà Đỗ Hồng Phấn - cựu nữ sinh Trường Trưng Vương, bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò khi đang treo cờ cách mạng tại sân trường; ông Tạ Quốc Bảo - liên lạc viên trẻ tuổi của khu xứ ủy Bắc Kỳ phía bắc Hà Nội, người tù trẻ nhất tại nhà tù Hỏa Lò thời điểm đó; ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Năng lượng; ông Hoàng Quân Tạo, cựu tù Hỏa Lò, vị Giám đốc đầu tiên của Nhà hát kịch Hà Nội.

Màu cờ tôi yêu

Như người chiến sĩ cộng sản kiên trung Hoàng Văn Thụ từng nhắn nhủ từ ngục tối Hỏa Lò, “Phục thù chí lớn không hề nản/Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Như những người lính kiên cường giữa bão lửa Trường Sơn từng tâm niệm: “Người ta không thể chọn để được sinh ra, nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng, chọn phút giây và năm tháng ấy”.

Như Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, người dành hơn nửa thế kỷ đời người gắn bó cùng các công trình thủy điện, giản dị chia sẻ, “ở thời của chúng tôi, cống hiến hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất để dựng xây đất nước mạnh giàu chính là lẽ sống”. Những chàng trai cô gái giữa tuổi thanh xuân đã dũng cảm đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đi qua những ngày gian khó khôi phục và xây dựng lại đất nước sau ngổn ngang bom đạn cày xới tan hoang bằng một trái tim nhiệt huyết và tinh thần cống hiến, hy sinh hết mình.  

“Hồng như màu của bình minh/Đỏ như màu máu của mình tim ơi” – những ca từ xúc động trong ca khúc Màu cờ tôi yêu cũng chính là mạch nguồn cảm xúc chủ đạo mà Ký ức màu cờ  kỳ vọng chuyển tải tới công chúng, thông qua một chương trình giao lưu nghệ thuật nếu làm không khéo sẽ rất dễ rơi vào lối mòn minh họa, tuyên truyền khô cứng, nghèo tính thuyết phục.

Ký ức màu cờ -0
 Nơi lưu giữ bức thư mà những con người đã làm nên công trình thế kỷ - Thủy điện Hòa Bình dành gửi tới những thế hệ mai sau, sẽ được mở ra vào năm 2100.

Để biến cuộc hành trình về nguồn trở nên hấp dẫn, cấu trúc kịch bản mạch lạc, logic với những nút thắt – cao trào – mở nút và những điểm nhấn ấn tượng là nỗ lực rất đáng ghi nhận của ê-kíp sản xuất. Tôi thích cái cách nhân chứng nhìn lại hình ảnh chính mình (qua sự tái hiện của các diễn viên) trong chính bối cảnh thực hoặc được phục dựng công phu trên sân khấu. Tôi thích cách đưa nguyên một chiếc đại xa kềnh càng vào trường quay, để những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn được gặp lại hình ảnh chính mình trên những cung đường huyền thoại, trong giai điệu Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của hai giọng ca vàng Thu Hiền – Trung Đức. Và tôi thích bản mash-up Quốc tế ca – Cùng nhau đi hùng binh vang vọng giữa chốn lao tù âm u tàn độc… Ngôn ngữ kể chuyện sáng tạo ấy giúp những ký ức “máu và hoa” của nhân vật tìm được con đường ngắn nhất để đến với trái tim khán giả.

Chiếc lá bàng khắc bài thơ Nhớ bạn là điểm nhấn trong dòng chảy ký ức của các cựu tù Hỏa Lò như ông Tạ Quốc Bảo (bạn cùng phòng giam với đồng chí Hoàng Văn Thụ), đạo diễn – NSƯT Hoàng Quân Tạo hay bà Đỗ Hồng Phấn. “Cái buồng lái là buồng con gái, vẫn cành hoa mềm mại cài ngang” gắn chặt với trung đội nữ lái xe quân sự mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh năm xưa. Không gian Dinh Độc lập khơi gợi lại những chiến công của lực lượng tình báo và biệt động Sài Gòn. Và khối bê-tông chứa đựng bức thư gửi tới mai sau từ những bàn tay đã làm nên kỳ tích Thuỷ điện Hòa Bình. Tất cả giúp lớp hậu sinh có thể hiểu những thế hệ cha anh đã sống, đã nghĩ, đã tận hiến cả tuổi thanh xuân lẫn máu xương, sức lực vì khát vọng và lý tưởng gì? Với màu cờ đỏ trong tim, biết bao thế hệ đã được tiếp thêm sức mạnh, làm nên những điều lớn lao cho đất nước và cho chính bản thân mình.    

Ký ức màu cờ -0
 Bà Nguyễn Thị Hoàng Thanh - một trong số 44 nữ chiến sĩ của Trung đội lái xe quân sự mang tên Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh năm xưa.

Dọc theo dặm dài lịch sử, màu đỏ Quốc kỳ cùng Đảng kỳ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng luôn song hành với quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc. Với màu cờ ấy trong tim, biết bao thế hệ đã được tiếp thêm sức mạnh, làm nên những điều lớn lao cho bản thân và cho đất nước.

Xin được mượn lời nhắn gửi của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Cang cùng nữ chiến sĩ biệt động Chính Nghĩa đến ê-kíp sản xuất chương trình làm câu kết cho bài viết nhỏ này, “Các con cứ hướng về tương lai, nhưng phải hiểu quá khứ để thấy thêm vững tin và mạnh mẽ”. Đó cũng là dư âm còn đọng lại trong lòng công chúng, khi Ký ức màu cờ khép lại.