Vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh khi đó đã thu hút đông người xem bởi nội dung và diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên với chất tuồng đặc trưng của vùng Nam Trung Bộ. Theo Giáo sư Hoàng Chương, thành công của vở diễn trước hết phải kể đến kịch bản hay của vở diễn do nhà viết kịch lịch sử hàng đầu là Trúc Đường sáng tác. Đề tài cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung -Nguyễn Huệ đã được ông quan tâm, đầu tư nghiên cứu nhiều nhất. Và vở diễn ca ngợi chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn trong chiến dịch lịch sử tiêu diệt 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long đã ra đời như vậy.
Vở tuồng quy tụ được sự tham gia đạo diễn, cố vấn và diễn xuất của nhiều nghệ sĩ tài năng. Chính đạo diễn Hoàng Chương đã hợp tác cùng tác giả để chỉnh sửa, bổ sung kịch bản nhiều lần trước khi bắt tay vào dàn dựng. Đã có những nghệ sĩ tài năng nhiều thế hệ như: Võ Sĩ Thừa, Đình Bôi, Hoàng Chinh, Tư Cá, Tư Liên, Quang Hạnh, Đinh Quả, Long Trọng, Ngọc Cầm, Hòa Bình, Tuyết Mai...đã trực tiếp đảm nhận các vai diễn chính. Ngay cả hai nhà soạn tuồng nổi tiếng là Tống Phước Phổ và Nguyễn Kim Hùng cũng tham gia phần văn học tuồng. NSND Nguyễn Hồng vừa thiết kế ma-két dựng vở, vừa trực tiếp thực hiện trang trí sân khấu, trong khi nhạc sĩ bậc thầy của sân khấu tuồng là Lê Yên cùng nhạc sĩ Nguyễn Viết đảm nhiệm phần âm nhạc, còn phần múa thì do giáo sư Lâm Tô Lộc thực hiện. Tất cả ê-kíp sáng tạo vở diễn đều thường trực ngày đêm, suốt cả tháng trời ăn ở ngay tại Nhà hát tuồng Nghĩa Bình ở TP Quy Nhơn. Sự hợp tác lao động, sáng tạo nghiêm túc công phu đã mang lại những đêm diễn "hào hùng và cuốn hút trên sân khấu Thủ đô" lúc bấy giờ và ngay lập tức, vở diễn đã vinh dự được biểu diễn phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy viên T.Ư Đảng tại Hội trường Ba Đình lịch sử.
Sau buổi biểu diễn trước các đồng chí lãnh đạo, tác giả Trúc Đường và đạo diễn Hoàng Chương đã được đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn gặp riêng, động viên và khen ngợi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho người gọi điện mời đến nhà riêng để góp ý kiến về vở diễn với tập thể sáng tạo, dàn dựng. Giáo sư Hoàng Chương kể lại: Sáng hôm ấy, đồng chí Nguyễn Tiến Năng, trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón chúng tôi ở cửa nhà riêng Thủ tướng rồi mời chúng tôi vào phòng khách ngồi đợi chừng ba, bốn phút thì Thủ tướng từ tầng hai xuống. Ông bắt tay từng người rồi mời chúng tôi cùng ngồi, Thủ tướng nói ngay:
- Vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh tốt đấy. Bây giờ chúng ta cùng trao đổi về vở tuồng này.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Thưa Thủ tướng, đêm diễn ở hội trường Ba Đình, chúng cháu thấy Thủ tướng bận việc không đến dự được ạ?
- Đúng, nhưng sau đó tôi đã xem ở Quy Nhơn - Thủ tướng trả lời.
Hóa ra Thủ tướng về thăm quê hôm mồng 4 Tết âm lịch và sau đó đã được xem vở tuồng này ở trong đó mà chúng tôi không biết.
Trong hơn hai giờ đồng hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hỏi cặn kẽ tác giả Trúc Đường về những tư liệu mà ông dựa vào đó để viết kịch bản. Rồi Thủ tướng lại hỏi rất kỹ về từng nghệ sĩ đóng các vai Anh hùng Quang Trung -Nguyễn Huệ, Công chúa Ngọc Hân, thậm chí đến cả những người lính Tây Sơn múa võ... Ông tỏ ra rất thích vai Ngọc Hân do nghệ sĩ Hòa Bình đóng và vai người nữ binh Tây Sơn do Tuyết Mai vào vai.
Chúng tôi trả lời thật đầy đủ, cho nên Thủ tướng Phạm Văn Đồng tỏ ra rất hài lòng. Ông phân tích rất sâu cho chúng tôi về phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và về người Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ông cũng chỉ cho chúng tôi thấy ý nghĩa và những giá trị chính trị, quân sự của chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Cuối cùng Thủ tướng đề nghị nên nâng cao và quay vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh thành phim để chiếu rộng rãi cho công chúng ở trong nước và nước ngoài thưởng thức. Kết thúc cuộc trò chuyện về vở tuồng, Thủ tướng lấy những bông hoa phong lan thật đẹp đang cắm trong lọ tặng chúng tôi trước khi ra về.
Có thể nói, vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh đã ghi một dấu ấn đậm nét trong những vở diễn về đề tài lịch sử. Xây dựng một cách tương đối đầy đủ nhất từ trước đến nay về hình tượng người Anh hùng áo vải cờ đào với những phẩm chất đã trở thành biểu tượng của dân tộc: yêu nước, thương dân, đại trí, đại nhân, đại nghĩa và đầy tinh thần quật khởi như lời hịch vang vọng trước giờ xuất quân thần tốc giải phóng Thăng Long ngàn năm yêu dấu: "Đánh cho để dài tóc / Đánh cho để đen răng / Đánh cho nó chích luân bất phản / Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ". Vở diễn cũng dựng lại không khí những ngày Xuân đại thắng hào hùng với hình ảnh người Anh hùng áo vải "chiến bào sạm đen khói súng" dẫn đầu đoàn quân tiến vào giải phóng Thăng Long trong tiếng hò reo đón mừng của muôn họ.
Tuy nhiên, qua thời gian, vở diễn lịch sử một thời vang bóng dường như đang bị lãng quên. Trong những ngày đầu xuân Giáp Ngọ, khi cả nước đang long trọng tổ chức kỷ niệm 255 năm Ngày chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa đại phá quân xâm lược Thanh, những người trong giới sân khấu truyền thống mới có dịp nhắc lại với mong muốn vở diễn sẽ được phục dựng như một hình mẫu kinh điển cho kịch tuồng về đề tài lịch sử của sân khấu Việt Nam. Không những vậy, đây sẽ là một "cuốn sách giáo khoa" sinh động giáo dục về truyền thống hào hùng của dân tộc trong những ngày Xuân đại thắng năm Kỷ Dậu 1789 đối với công chúng yêu nghệ thuật sân khấu cổ truyền và nhất là với giới trẻ hiện nay.