Kỷ nguyên Abramovich và bí quyết thành công

NDO -

Chelsea vừa đăng quang FIFA Club World Cup. Đó là chiếc cúp thứ 20 trong kỷ nguyên Roman Abramovich, kỷ nguyên lấp lánh với những danh hiệu.  

Roman Abramovich rạng rỡ với chiếc cúp mới nhất của Chelsea. (Ảnh: The Sun)
Roman Abramovich rạng rỡ với chiếc cúp mới nhất của Chelsea. (Ảnh: The Sun)

Khi Roman Abramovich bước xuống thảm cỏ của sân Mohammed Bin Zayed, Thomas Tuchel tươi cười tiến lại để bắt tay ông chủ và nói: “Chiến thắng này dành cho ông. Sự đầu tư và niềm đam mê của ông đã biến mọi giấc mơ thành hiện thực”.  

Đánh bại Palmeiras tại Abu Dhabi đêm thứ bảy, Chelsea đăng quang FIFA Club World Cup 2021 để hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu. Họ đã giành được mọi chiếc cúp mà một CLB có thể, bao gồm 6 Premier League, 8 FA Cup, 5 League Cup, 4 Community Shield, 2 Champions League, 2 Europa League, 2 Cup Winners’ Cup, 2 Siêu Cúp châu Âu và 1 FIFA Club World Cup. 

Khi tỷ phú người Nga tiếp quản Chelsea vào tháng 6/2003, đội bóng Tây London bị coi là “không có lịch sử”. Trong 99 năm tồn tại trước đó, họ chỉ sở hữu 12 danh hiệu và chỉ 1 lần vô địch nước Anh. Với sự dẫn dắt của Abramovich, trong 19 năm, The Blues giành 20 danh hiệu, không chỉ trở thành CLB hàng đầu nước Anh mà còn áp đặt sức mạnh ở châu Âu. Và như đêm thứ Bảy, là thế giới. 

Tuchel đã đề cập đến “sự đầu tư” của Abramovich và đặt nó lên trước “niềm đam mê”, coi đó là chìa khóa dẫn đến thành công. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, không lâu sau thời điểm Abramovich mua lại Chelsea, rất nhiều nhà tài phiệt cũng tham gia vào cuộc chơi bóng đá. 

Xét về gia sản và sự đầu tư, không ít ông chủ còn vượt trội Abramovich. Vậy tại sao The Blues vẫn thành công hơn? 

Câu trả lời chỉ là sự khát khao thành công. Thoạt đầu Abramovich coi bóng đá là phương tiện để tiến vào thế giới phương Tây (với châu Âu, nước Nga thuộc phương Đông). Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp ở Nga kể trên L’Equipe rằng, Abramovich có chia sẻ với ông về cuộc gặp với một doanh nhân, người nói rằng “ở phương Tây, họ nói về phụ nữ và bóng đá”. 

Và khi tiếp xúc với bóng đá, như Abrammovich tâm sự với học giả người Mỹ Lee Igel, “cảm xúc và sự phấn khích dâng trào trong tôi khi xem bóng đá, khiến tôi muốn trở thành một phần của thế giới ấy”. Tỷ phú người Nga cũng nhận ra rằng “không có công thức nào cho chiến thắng trong bóng đá”, và “tính không thể đoán trước của nó làm ông mê say”.

Claudio Ranieri là HLV đầu tiên làm việc dưới trướng Abramovich. 20 năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, chiến lược gia người Italia vẫn nhớ về “sự khát khao thành công” của ông chủ, người đã hỏi ông “cần gì để đạt được mục tiêu”. Hernan Crespo, một trong những ngôi sao đầu tiên được đưa về Stamford Bridge thì ấn tượng bởi “vô số câu hỏi của Abram”. Câu cửa miệng của tỷ phú người Nga là “chúng ta phải làm gì để cải thiện?”. 

Hầu hết đều nhìn vào số tiền mà Abram chi ra cho chuyển nhượng, nhưng đó chỉ là phần nổi. Ông cố gắng nâng cấp Chelsea ở mọi khía cạnh, từ sân tập, Học viện, chế độ dinh dưỡng, y tế, công nghệ. Vì Crespo đến từ Serie A, giải đấu hàng đầu thế giới thời điểm đó, Abramovich luôn lắng nghe những kinh nghiệm của anh. 

Với các HLV, Abramovich là một sát thủ. Trong 19 năm, Chelsea được dẫn dắt bởi 13 HLV khác nhau. Trong số đó có những người được CĐV yêu mến (Ranieri), người danh tiếng lẫy lừng (Scolari), người gặt hái thành công với CLB (Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, Antonio Conte), người là cầu thủ huyền thoại (Frank Lampard)… tất cả đều bị sa thải không thương tiếc, thậm chí không lâu sau khi họ giành danh hiệu hoặc ký hợp đồng mới. Abramovich thèm khát thành công vô độ và không bao giờ hài lòng với hiện tại. Ông sẵn sàng can thiệp ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đi chệch hướng, và muốn các HLV hiểu rõ điều đó.  

Nhìn vào sự biến động liên tục trên băng ghế chỉ đạo, Chelsea trông có vẻ bất ổn và thiếu tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên đó là cách mà CLB vận hành. Họ theo đuổi thành công trong ngắn hạn, và khi tổng hợp các mục tiêu ngắn hạn lại với nhau, họ có vô số danh hiệu. 

Trong kỷ nguyên Abramovich, Chelsea 2 lần vô địch Champions League, thứ mà PSG của các ông chủ Qatar chỉ có thể mơ ước. Ngoài ra, cũng không đội bóng Anh nào sở hữu nhiều danh hiệu hơn Chelsea trong 19 năm qua. MU nhiều nhất có 19, tiếp theo là Man City (16), Arsenal (10) và Liverpool (9). Bây giờ họ có thêm FIFA Club World Cup, là đội bóng thứ hai sau MU hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu. 

“Chiến thắng này dành cho Abram”, câu nói này của Tuchel hoàn toàn thực tâm. Nhưng HLV người Đức cũng biết, ông phải giành thêm nhiều chiến thắng nữa. Tỷ phú người Nga không bao giờ dừng lại và ông cũng không được phép đứng yên.