Kỳ 2: Phát triển tài chính tiêu dùng bền vững

NDO -

Suốt nửa cuối năm 2020 và bước sang năm 2021, chủ trương kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng.

(Ảnh minh hoạ: Báo Thời nay)
(Ảnh minh hoạ: Báo Thời nay)

Dư địa phát triển lên đến 2 triệu tỷ đồng

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Trần Quốc Phương, tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn, bởi tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11-12%.

Lĩnh vực tài chính tiêu dùng tuy chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động tín dụng của cả nền kinh tế nhưng có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, và thúc đẩy tiêu dùng xã hội, thông qua đó thúc đẩy sản xuất và đóng góp một cách trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phân tích.

Đáng chú ý, lĩnh vực cho vay tiêu dùng từ chỗ chỉ có ngân hàng thực hiện, giờ đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các công ty tài chính tiêu dùng. Đến hết năm 2020, ước tính các công ty tài chính tạo ra khoảng 51.000 việc làm; trong đó, riêng ba công ty tài chính hàng đầu đang sở hữu khoảng gần 40.000 nhân viên.

Cùng tư duy như vậy, theo TS Lê Xuân Nghĩa, cần có giải pháp để người tiêu dùng nội địa phải là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Chính sự phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói chung và các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng đang giúp nền kinh tế có thêm được nguồn vốn tín dụng hữu hiệu, giúp mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng hàng hóa và tiêu dùng nội địa.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, ở tầng thấp, tài chính tiêu dùng phát triển sẽ kích thích hệ thống bán lẻ, ở tầng cao sẽ kích thích các ngành công nghiệp chế biến chế tạo ô-tô, xe máy… 

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, dù Covid-19 ảnh hưởng nhất định đến tài chính tiêu dùng nước ta, song dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn.

Tại nhiều quốc gia, dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm tới 40%. Như vậy, dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng ở nước ta vẫn còn khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng và còn tăng theo mức tăng của tổng tín dụng nền kinh tế, Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng chia sẻ.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng, hoạt động tài chính tiêu dùng của các công ty tài chính có vai trò góp phần phục hồi, phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội sau đại dịch.

Cụ thể, trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế vừa kiểm soát dịch bệnh hiện nay, tài chính tiêu dùng vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng.

Hơn nữa, tài chính tiêu dùng góp phần vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua ba phương diện: (1) Phát triển tài chính tiêu dùng là cơ sở để tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, nhất là giai đoạn sau dịch bệnh; từ đó, thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; (2) Góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam khi tài chính tiêu dùng tập trung vào phân khúc khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng; (3) Thị trường tài chính tiêu dùng đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, trong một đất nước mà tình hình phát triển tín dụng chính thức chưa phổ biến thì khi người dân cần dùng tiền sẽ phải đi vay tín dụng đen. Nếu vay được ngân hàng, các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng thì không ai đi vay tín dụng đen.

“Hệ thống cho vay tiêu dùng chưa phủ sóng đủ để giải quyết nhu cầu tài chính của người dân dân. Không có cách nào khác, người ta lại tìm đến các tổ chức cho vay phi chính thức ngoài xã hội. Từ đó, vấn đề cho vay nặng lãi, xã hội đen hình thành, nở rộ và để lại nhiều hệ luỵ”, chuyên gia này cảnh báo. 

Do đó, các cơ chế, chính sách mà siết chặt các hoạt động của tín dụng tiêu dùng thì vô hình chung lại tạo đà cho tín dụng đen phát triển. Chính vì thế, các cơ quan quản lý cần có cái nhìn bao quát cho vấn đề này.

Các chuyên gia đều cho rằng, khi thị trường tài chính tiêu dùng phát triển sẽ tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa bán được, tạo điều kiện cho người mua hàng cần vay tiền mua được.

Theo đó, nên nghiên cứu và có cơ chế, chính sách phù hợp cho thị trường này phát triển, không chỉ thúc đẩy chung cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đồng thời đẩy lùi tín dụng đen ngoài xã hội.