Kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Sáng 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp giảm lãi suất cho vay; tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Chính phủ đã tích cực có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây nhất đã ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai Thông tư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mặt thời gian.

Kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh 1

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng của quý I năm nay thấp hơn đà tăng trưởng của quý I/2022, đòi hỏi phải đánh giá lại, phân tích, trên cơ sở đó phải đề ra mục tiêu, giải pháp phù hợp, tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, chúng ta còn “những công cụ gì có trong tay” thì phải tận dụng cho hết để góp phần bảo đảm tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, khi tình hình cần thiết, các ngân hàng phải vào cuộc để cùng Chính phủ điều tiết chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo thời cơ thuận lợi mới, hạn chế rủi ro, “biến nguy thành cơ”; không ngồi chờ mà phải hành động, nhưng muốn vậy phải thống nhất về nhận thức, ý chí, quan điểm. Lúc cộng đồng doanh nghiệp khó khăn như hiện nay thì rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.

Kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải sử dụng hết công cụ để tiếp tục khơi dậy sức mạnh, huy động nguồn lực cho phát triển nói chung. Trong lúc khó khăn này cần phải chung tay giúp sức, cộng đồng trách nhiệm để tháo gỡ mọi vướng mắc, phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu phải phân tích, theo dõi, dự báo tình hình, đưa ra giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để giải phóng, huy động mọi nguồn lực của xã hội, tạo động lực, tạo cảm hứng, xung lực cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, huy động mọi nguồn lực của xã hội.

Chú trọng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay; có đổi mới sáng tạo mới tạo ra động lực, nguồn lực, huy động sức mạnh của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta thay đổi cơ chế, một số nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn, phù hợp “Ý Đảng, lòng dân” thì sẽ cơ chế đó sẽ phát huy được sức mạnh, đi vào lòng người. Khi cơ chế phù hợp lòng dân, thực tiễn thì tạo ra sức mạnh, động lực cho sự phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, chú trọng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay; có đổi mới sáng tạo mới tạo ra động lực, nguồn lực, huy động sức mạnh của người dân. Chúng ta tiếp tục các chuỗi công việc đã làm vừa qua như tinh thần các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ được ban hành, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, nhờ đó tình hình đã thay đổi rất rõ ràng. Do đó, phải “thừa thắng xông lên”, không lúc nào ngơi nghỉ; tập trung suy nghĩ, từ thực tiễn, tổng kết và đưa ra giải pháp hành động như giai đoạn chống dịch vừa qua.

Kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh 4

Quang cảnh Hội nghị.

Thủ tướng nhắc lại quan điểm: chính sách tiền tệ phải chắc chắn, kịp thời, linh hoạt chủ động, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả; hai chính sách này phải kết hợp hài hòa, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, những việc đã làm được thì phải tiếp tục, chưa làm được thì phải làm ngay, những chỗ còn khó khăn, vướng mắc thì phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua.

Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu phải hỗ trợ thêm một số cơ chế, chính sách, nhất là chính sách liên quan tín dụng, tiền tệ, tài khóa. Theo Thủ tướng, nhiều năm qua, chúng ta “bỏ rơi” phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, người nghèo, công nhân; sự bất cập này càng bộc lộ rõ nét qua đại dịch Covid-19. Chúng ta phải thay đổi chính sách cho phân khúc này, chính sách này, góp phần tạo thanh khoản cho thị trường.

Kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh 5

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày báo cáo.

Thủ tướng hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Đây là chủ trương đúng và tốt, được dư luận và nhân dân đánh giá rất cao, nhưng điều quan trọng là gói tín dụng này phải được giải ngân thì mới mang lại hiệu quả, kết quả "cân, đong, đo, đếm" được, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta cần xem xét, nghiên cứu ban hành các chính sách mới đột phá để các thị trường tiền tệ, trái phiếu, bất động sản có thêm nguồn lực, động lực để phát triển an toàn, lành mạnh, phục vụ 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.

Trên cơ sở thống nhất ý kiến về nhận định, đánh giá tình hình, hạn chế bất cập, những hạn chế, vướng mắc, khó khăn, phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta đưa ra giải pháp đột phá, căn cơ hơn để thúc đẩy các thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, phục vụ cho nền kinh tế trong điều kiện hiện nay.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, sử dụng hết công cụ đã có để tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá trên cơ sở hết sức cụ thể: vướng mắc pháp lý ở đâu, ai giải quyết, bao giờ xong?

Các chính sách nào liên quan lãi suất, tăng trưởng tín dụng, tiếp cận vốn, hấp thụ vốn... phải được đánh giá, phân tích, đưa ra giải pháp cụ thể cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Các chính sách nào liên quan lãi suất, tăng trưởng tín dụng, tiếp cận vốn, hấp thụ vốn... phải được đánh giá, phân tích, đưa ra giải pháp cụ thể cho người dân, doanh nghiệp. Liên quan vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, theo Thủ tướng, vấn đề quan trọng nhất là phải tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu đủ khả năng thanh toán cho trái chủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với bất động sản đang gặp khó khăn hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, về phía cơ quan quản lý nhà nước, phải tháo gỡ về mặt pháp lý; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để họ hoàn thành các công trình, dự án đưa ra thị trường; giải quyết các thủ tục về hành chính như cấp đất, quy hoạch...

Doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại phân khúc bất động sản của mình bởi từ trước tới nay toàn chú trọng vào phân khúc cao cấp; tận dụng chính sách gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Theo Thủ tướng, ngân hàng phải có vai trò dẫn dắt, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hoạt động chung của ngân hàng bởi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước này chiếm đa số hoạt động ngân hàng, của nền kinh tế cả về quy mô, tín dụng cho vay...

Theo Thủ tướng, là ngân hàng thương mại nhà nước thì phải có công cụ, tiên phong trong điều tiết theo cơ chế thị trường, đồng thời phải nỗ lực giảm chi phí hành chính, đầu vào, tăng cường khoa học quản lý, ứng dụng công nghệ số, giảm lãi suất đầu vào và đầu ra cho người dân, doanh nghiệp.

Các ngân hàng cần công cụ gì thì phải đề xuất Ngân hàng Nhà nước với tinh thần là tiếp tục giảm lãi suất đầu ra và đầu vào, giảm cả lãi suất huy động và cho vay trên cơ sở bảo đảm cân đối giữa lạm phát với tỷ giá để khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng; bảo đảm cân đối hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất; lãi suất và lạm phát.

Trách nhiệm của Chính phủ là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các các cân đối lớn của nền kinh tế để các ngân hàng hoạt động nghiệp vụ thuận lợi. Do đó, chúng ta phải tăng cả tổng cầu, tổng cung thì mới thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Thủ tướng lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ phải kịp thời, chủ động, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả, ổn định hệ thống; chính sách tài khoá mở rộng, trọng tâm, trọng điểm, chủ động, quyết liệt, hiệu quả; kết hợp hài hòa 2 chính sách này cùng với các chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các các cân đối lớn.

Theo Thủ tướng, hiện nay chúng ta đang kiểm soát tốt lạm phát và không chủ quan tình hình, do đó phải nghĩ đến tăng trưởng, phải tìm cách cung tiền ra hợp lý, hiệu quả, đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết. Vấn đề là ưu tiên lựa chọn tăng trưởng trong lúc này, từ đó, các giải pháp về ngân hàng, tiền tệ cũng phải tập trung cho mục tiêu tăng trưởng bằng các công cụ của ngân hàng.

Hiện nay chúng ta đang kiểm soát tốt lạm phát và không chủ quan tình hình, do đó phải nghĩ đến tăng trưởng, phải tìm cách cung tiền ra hợp lý, hiệu quả, đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng cũng phải nỗ lực thực hiện cương quyết cắt giảm các thủ tục hành chính; hoàn thiện các quy hoạch theo Nghị quyết 61 của Quốc hội.

Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất; Bộ Tài nguyên và Môi trường phải xác định giá đất nhanh chóng trên tinh thần nhanh chóng, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tiên phong trong giảm lãi suất đầu vào; tiết giảm các chi phí, đổi mới công nghệ, tăng cường chuyển đổi số, tạo dư địa để phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh cần chú ý 2 điểm: đó là khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp. Về cách làm, phải đưa ra lộ trình, căn cứ vào dự báo thị trường, phải làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo. Có các gói hỗ trợ lãi suất; rà soát lại các đối tượng ưu tiên; đa dạng hoá cách tiếp cận khách hàng; tìm khách hàng mới có khả năng và hỗ trợ họ.

Đối với thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính phải thực hiện tốt Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ vừa ban hành; chủ động hơn và có giải pháp cụ thể, không chung chung; phải bàn bạc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tìm ra tiếng nói chung, giải pháp chung, tăng cường quản lý hiệu quả, tăng cường niềm tin của thị trường, để họ cùng hiến kế hiệu quả, có lợi cho đất nước, cho trái chủ mua trái phiếu trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đối với thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai hai Thông tư 02 và 03 của Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo các tổ chức tín dụng sớm có hướng dẫn nội bộ, chủ động đánh giá, theo dõi, trích lập dự phòng rủi ro...; kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng, giảm thiểu các hành vi trục lợi; hướng dẫn và phối hợp truyền thông, triển khai thành công các chính sách đã ban hành.

Về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, phải rà soát bởi khi triển khai thực hiện dễ xảy ra tiêu cực, trục lợi, lợi dụng chính sách, do đó phải có kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi; theo dõi diễn biến tình hình thế giới, trong nước để điều hành giảm lãi suất phù hợp, hiệu quả; sớm điều chỉnh gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Bộ Tài chính sớm hoàn thành hồ sơ trình phương án giảm thuế 2%, các loại thuế, phí khác; phương án giãn, hoãn thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp, trình các cấp có thẩm quyền xem xét; khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị định 08 và Nghị quyết 33 của Chính phủ; chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn; khẩn trương hoàn thiện, đánh giá tác động và đề xuất phương án để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công;

Bộ Tài chính sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để có điều chỉnh phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển kênh này ngày càng nhiều; có phương án sửa đổi Nghị định 65 phù hợp Nghị định 08 của Chính phủ; kịp thời phối hợp Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Bộ Xây dựng rà soát các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 33, Quyết định 338 của Chính phủ; sớm trình Chính phủ các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; cập nhật các định mức, điều chỉnh giá cả phù hợp tình hình hiện nay; Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết các vấn đề liên quan đất đai, sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật...