Giải pháp căn cơ xử lý trái phiếu doanh nghiệp đến hạn

Theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 khoảng 271.400 tỷ đồng và năm 2024 là 329.500 tỷ đồng. Áp lực đáo hạn đến gần, thế nhưng, ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, khiến rủi ro đối với người nắm giữ trái phiếu tăng lên. Cần có những giải pháp căn cơ để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức phát hành, trái chủ, các bên liên quan, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lựa chọn việc trả gốc và lãi trái phiếu bằng tài sản. Ảnh: SONG ANH
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lựa chọn việc trả gốc và lãi trái phiếu bằng tài sản. Ảnh: SONG ANH

Làm rõ thêm về Nghị định 08

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ngày càng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDN) chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong khoảng thời gian từ 16/9/2022 đến 31/1/2023, có đến 54 doanh nghiệp công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, lãi trái phiếu. Việc chậm thanh toán trái phiếu đến hạn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng trách nhiệm chính thuộc về tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh thanh toán (nếu có). Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn, môi giới, đại lý phát hành và nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm trong việc phối hợp với tổ chức phát hành xử lý trái phiếu đến hạn trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Trước những áp lực thanh toán TPDN đến hạn đối với các doanh nghiệp ngày càng lớn, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023, sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định 153/2000/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Nghị định 08 đã luật hóa các quy định về gia hạn thời hạn thanh toán trái phiếu, dùng tài sản để thay thế nghĩa vụ nợ TPDN trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự và các pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của các nhà đầu tư và phải bảo đảm tính pháp lý của tài sản cũng như công bố các thông tin có liên quan.

Theo một số chuyên gia, Nghị định 08 là “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp hiện nay. Sau khi Nghị định 08 được ban hành, thị trường TPDN có dấu hiệu phục hồi khi chỉ trong khoảng 20 ngày, số lượng TPDN phát hành thành công đạt 12.000 tỷ đồng, trong khi tháng 2/2022, số lượng TPDN phát hành chỉ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các giải pháp trong Nghị định 08 cần được làm sâu sắc hơn nữa để các bên có liên quan hiểu rõ, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả của giải pháp đề ra.

Trong đó, việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa hai năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Trường hợp người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận). Như vậy, trong trường hợp chỉ cần nhà đầu tư không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đã cam kết trước đó. Do đó, để thực hiện giải pháp này, doanh nghiệp phát hành và trái chủ nên cân đối lợi ích và tổn thất trong mọi trường hợp để có giải pháp đúng đắn, đặc biệt là đối với các TPDN không có tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Đối với các TPDN dạng này, nếu trái chủ không đồng ý gia hạn thì khả năng xảy ra tổn thất là rất cao. Giải pháp khả thi là trái chủ có thể chấp thuận gia hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành có thời gian phục hồi hoạt động để trả nợ theo cam kết, đồng thời, có thể yêu cầu doanh nghiệp phát hành bổ sung thêm tài sản bảo đảm nhằm ràng buộc trách nhiệm của đơn vị phát hành và củng cố khả năng thu hồi khi trái phiếu đến hạn. Thực tế thời gian qua, một số tập đoàn bất động sản đã thành công trong việc thuyết phục nhà đầu tư gia hạn thời hạn trái phiếu. Chẳng hạn như Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (Novaland) thông báo đã gia hạn lô trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng thêm thời gian ba tháng, đáo hạn vào ngày 17/3/2023 chuyển sang ngày 19/6/2023. Đồng thời, Novaland đã thực hiện bổ sung tài sản là các quyền tài sản phát sinh từ các bất động sản thuộc các dự án tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, Novaland cũng được các trái chủ chấp thuận gia hạn hai lô trái phiếu, một lô giá trị 250 tỷ đồng kéo dài thêm một năm (đáo hạn ngày 26/4/2024 sang ngày 26/4/2025) và một lô giá trị 1.500 tỷ đồng, kéo dài thêm hai năm (đáo hạn từ ngày 15/3/2024 sang ngày 15/3/2026). Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Novaland đã được đại diện các trái chủ gia hạn thành công ba lô trái phiếu với tổng giá trị 2.750 tỷ đồng, giúp giải tỏa một phần áp lực dòng tiền ngắn hạn cho tập đoàn địa ốc này.

Khơi thông dòng vốn tín dụng và trong dân

Một trong những điểm quan trọng là việc trả gốc và lãi trái phiếu bằng tài sản. Tài sản ở đây có thể là sản phẩm bất động sản, quyền tài sản hoặc vốn góp và các tài sản khác. Đối với tài sản là sản phẩm bất động sản, hoặc quyền tài sản như quyền khai thác, quyền đòi nợ... các trái chủ cần lưu ý tính pháp lý của tài sản, mức độ hoàn thiện, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản. Nếu cần thiết, trái chủ và tổ chức phát hành có thể chọn phương án thuê tổ chức độc lập định giá làm cơ sở hoán đổi nghĩa vụ nợ trái phiếu bằng tài sản.

Đối với việc chuyển nợ trái phiếu thành vốn góp của doanh nghiệp, theo lãnh đạo của một số tập đoàn bất động sản, đây là giải pháp được coi là có tính khả thi tương đối cao, đặc biệt là trong hoàn cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất thời, tài sản không còn, một tài sản phải bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ nợ khác nhau hoặc trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán. Hiện nay, không có bất kỳ quy định nào cấm việc chuyển đổi khoản nợ trái phiếu thành vốn góp cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể nào về quy trình chuyển đổi này. Về bản chất, việc chuyển đổi khoản nợ trái phiếu thành vốn góp là một cách thức để tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp lên bằng với vốn điều lệ cũ cộng với khoản nợ được chuyển đổi, điểm khác biệt là việc chuyển tiền đã được thực hiện xong trước khi doanh nghiệp ra quyết định tăng vốn. Việc chuyển nợ trái phiếu thành vốn góp mang lại nhiều lợi ích: (i) Đối với doanh nghiệp có thể giảm áp lực trả nợ, có điều kiện tập trung nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và vốn chủ sở hữu gia tăng (mặc dù không có dòng tiền thực tế); (ii) Đối với trái chủ sẽ chuyển thành cổ đông/thành viên góp vốn, bảo toàn được khoản đầu tư và có thể thu hồi khi doanh nghiệp khôi phục hoạt động, thậm chí đạt lợi ích lớn khi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trở lại; (iii) Đối với nền kinh tế sẽ giảm được tác động tiêu cực từ các vụ vỡ nợ trái phiếu, doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm...

Việc chuyển nợ trái phiếu thành vốn góp của doanh nghiệp phát hành phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp không phải công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán và các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp này, chủ doanh nghiệp có thể dùng vốn góp thuộc sở hữu của mình hoặc của bên thứ ba để hoán đổi với nghĩa vụ nợ trái phiếu. Khi đó, tỷ lệ sở hữu của chủ doanh nghiệp sẽ giảm nhưng chủ doanh nghiệp vẫn có thể nắm quyền kiểm soát thông qua việc nắm giữ quyền cổ đông/quyền của thành viên góp vốn. Doanh nghiệp cũng có thể chuyển đổi khoản nợ trái phiếu thành vốn góp thông qua tăng vốn. Đối với doanh nghiệp là công ty đại chúng, cần tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán và các quy định của pháp luật liên quan khi chuyển đổi khoản nợ trái phiếu thành cổ phần phổ thông. Doanh nghiệp có thể phát hành cổ phần riêng lẻ cho trái chủ để hoán đổi trái phiếu hoặc có thể phát hành trái phiếu chuyển đổi để hoán đổi trái phiếu hiện có, sau đó, chuyển đổi thành cổ phần trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành.

Việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31/12/2023 với mục tiêu khơi dòng vốn trở lại thị trường trái phiếu. Về thực chất, dòng vốn từ hệ thống TCTD và dòng vốn từ dân cư là hai dòng vốn quan trọng để khơi thông thị trường TPDN. Dòng vốn từ hệ thống TCTD đang bị thu hẹp bởi các quy định chặt chẽ tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN. Dòng vốn từ dân cư đang bị chững lại do xói mòn niềm tin sau những đợt chậm thanh toán TPDN đến hạn. Việc khôi phục niềm tin từ các nhà đầu tư thông qua công tác truyền thông và khơi thông các dòng vốn này sẽ là giải pháp cần thiết để phục hồi thị trường TPDN, vốn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.