Nằm trong khuôn khổ chương trình ALP (Tầm nhìn lãnh đạo kiến trúc) 2021-2022 do LIXIL Việt Nam khởi xướng, hội thảo “Tương lai không gian sống Việt Nam-Những tiếp cận kiến trúc đầu tiên” vừa được tổ chức tại Hà Nội đã giới thiệu năm đề án nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho các vấn đề trong thực tiễn kiến trúc và xây dựng, hướng đến sáu tiêu chí mà ALP đề ra, bao gồm: Sống an toàn, sống khỏe, sống tiện lợi, sống thông minh, sống bền vững và sống thăng hoa. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh-Phó Trưởng khoa Xã hội học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, không gian sống phục vụ nhiều nhóm xã hội với lối sống khác nhau, mà lối sống ấy phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ điều kiện kinh tế, nền tảng văn hóa, truyền thống, đến kiểu làm việc, cấu trúc hộ gia đình.
Vì thế, phải có góc nhìn đa chiều, thấu hiểu các yếu tố đó để kiến tạo nên không gian sống. Đề cập vấn đề này, Tổng Giám đốc LIXIL Việt Nam Uchidate Katsuaki khẳng định: Sau hai năm dịch bệnh vừa qua, nhu cầu về một không gian sống tốt hơn cho con người được đặt ra ngày một cấp thiết. Chủ đề năm nay đặt trọng tâm tìm kiếm “chìa khóa” cho không gian sống của Việt Nam, từng bước giải quyết các vấn đề trong thực trạng kiến trúc-xây dựng.
Một trong những đề tài thu hút sự chú ý của giới kiến trúc Việt Nam là “Nhà ở ven đô” của hai kiến trúc sư Nguyễn Duy Thanh và Đào Hải Nam, nghiên cứu thí điểm tại làng Bồ Vi, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, đã đưa ra định hướng phát triển chung về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan cho vùng ven đô: cải tạo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng vẫn giữ lại nhiều nhất các giá trị văn hóa, giá trị truyền thống, hiện trạng mà người dân mong muốn được bảo tồn.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Duy Thanh, chung quanh các đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh là tập hợp của những ngôi làng làm nông nghiệp, nông thôn truyền thống. Bản chất từ lâu đời, những ngôi làng này có hệ sinh thái cân bằng giữa môi trường sinh sống của người dân, cũng như không gian sản xuất. Thời gian qua, đô thị phát triển như một vết “dầu loang” đã xâm chiếm không gian nông nghiệp, nông thôn làm thay đổi cơ bản cấu trúc không gian văn hóa. Thông qua những hình ảnh được giới thiệu, đề án đã đưa ra định hướng phát triển không gian thí điểm cho khu vực làng xóm đô thị hóa, từ thiết kế cảnh quan (bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống, phát triển những nét cảnh quan hiện có, bổ sung không gian công cộng) đến kiến trúc (nhận dạng mẫu nhà điển hình của khu vực, định hướng thiết kế cho từng mẫu nhà).
Từ nghiên cứu một khu phố ở phường Khâm Thiên, Hà Nội, Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng TTA Partners đưa ra “Mô hình nhà ở tái lập”, thiết lập lại tại chỗ không gian cư trú cho một bộ phận cộng đồng tại đô thị lớn, nâng cao chất lượng sống hướng tới một không gian sống hiện đại và thông minh, trong đó nhấn mạnh không gian “tự lập” và không gian “xóm giềng” để phát triển sinh kế bền vững. Đề tài này gợi mở giải pháp thay đổi diện mạo, không gian đô thị trong tương lai, nhất là tại một số khu vực xuống cấp, thiếu không gian xanh ở nội thành Hà Nội.
Chia sẻ về câu chuyện không gian sống tương lai của người Việt Nam, nhất là ở các đô thị có mật độ cư dân cao, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói đến khái niệm “quy hoạch cộng đồng”, nghĩa là khi quy hoạch đô thị phải song song tính đến quy hoạch cộng đồng với cách tổ chức không gian sống cho từng nhóm cộng đồng có bản sắc riêng, theo nhu cầu riêng: “Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi quan sát thấy Việt Nam có quy hoạch đô thị nhưng về mặt quy hoạch cộng đồng phát triển khá tự phát. Ở khu vực có quy hoạch cộng đồng, người ta ứng phó với dịch linh hoạt hơn”.
Các đề tài khác cũng được các chuyên gia trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn về vai trò của giới kiến trúc trong việc giải quyết những hạn chế đang tồn tại. Chẳng hạn như đề tài “ZU-Không gian số 0: Hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu” đưa ra những giải pháp mới lạ cho các công trình đô thị, hướng tới mục tiêu thân thiện. Đề tài “Giải pháp và thiết kế cho không gian công cộng trong nhà ở cao tầng” đưa ra định hướng thiết kế mới nhằm tối ưu hóa không gian công cộng cho những dự án khu nhà ở cao tầng trong tương lai. Đề tài “Trí tuệ nhân tạo: Từ kiến trúc đến đời sống” do Công ty cổ phần Kiến trúc Việt, Keppel Land Việt Nam thực hiện, đề xuất sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đưa ra các thiết kế phù hợp, đồng thời giảm số nhân công, lao động vận hành cũng như tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải hiệu quả hơn...
Có thể thấy rằng, những tiêu chí được đặt ra không chỉ nhằm tạo không gian sống tốt cho người Việt Nam, mà cũng là tiêu chí cho không gian sống của người dân ở nhiều nước. Cùng với việc hướng đến những mục tiêu đó, các đề tài nghiên cứu cần đáp ứng được bốn thách thức toàn cầu hiện nay: nhanh chóng tiến tới nền kinh tế tuần hoàn; tạo ra không gian sống xanh, bền vững; bảo đảm an ninh năng lượng và tiến tới sử dụng năng lượng bền vững.
Theo Ban tổ chức, các đề án được công bố, kết quả nghiên cứu thực tiễn và những đóng góp, kiến nghị tại hội thảo sẽ được tổng hợp thành những giải pháp để đề xuất với các tổ chức, chủ đầu tư, các cơ quan quản lý... để ứng dụng ở những quy mô khác nhau, góp phần đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng thông qua những giải pháp về kiến trúc, thiết kế.