Trong quá trình này, các cơ quan chức năng cũng cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách.
Theo Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều đáng quan tâm là tránh tuyệt đối việc áp dụng máy móc và cực đoan các biện pháp hạn chế, phong tỏa do dịch Covid-19 để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Tuyệt đối tránh các biện pháp cực đoan
Chuyên gia dẫn câu chuyện trong thời gian tháng 7 đến tháng 9/2021 vừa qua, việc thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất lẫn bán sản phẩm đầu ra đều gặp rất nhiều khó khăn vì người bán và cả người mua gặp những hạn chế trong lưu thông, di chuyển.
Theo ông, điều này khiến hàng hóa bị ùn ứ, chờ đợi nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày khi gặp các chốt kiểm dịch. Các biện pháp hạn chế, phong tỏa nghiêm ngặt nếu áp dụng máy móc sẽ khiến hàng hóa bị lưu kho lâu ngày, doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
“Trong khi đó, các khoản vay vẫn tính lãi, các chi phí thuê nhà cửa, trang thiết bị vẫn phát sinh và doanh nghiệp bị mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng”, chuyên gia phân tích thêm.
Vấn đề nữa là các bộ, ngành và các địa phương cần triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp lập và triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh liên tục trong tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, cần quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp. Cụ thể, cần có giải pháp hỗ trợ giãn nộp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã... chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 mà không có khả năng nộp. Các cơ quan chức năng cũng cân nhắc chính sách miễn, giãn nộp ngân sách nhà nước với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi, cụ thể là với các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp như: tiền thuê đất, các loại phí, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
“Các chính sách hỗ trợ cần chú trọng thêm về thuế giá trị gia tăng thay vì thuế thu nhập doanh nghiệp, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trong trả lương cho người lao động, chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng thay vì chính sách không tính lãi cho doanh nghiệp như hiện nay”, TS Đậu Anh Tuấn giải thích thêm.
Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề cập việc tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh: Việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết.
“Việc mở rộng diện xem xét vay tín chấp đối với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến vì đây là khó khăn chính về mặt thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng”.
Tạo điều kiện nhập cảnh, đi lại thuận tiện
Đối với chuyên gia nước ngoài, TS Đậu Tuấn Anh đề nghị Bộ, ngành rà soát quy trình đối với thủ tục nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài theo hướng: Áp dụng giải quyết thủ tục trực tuyến, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, xem xét ưu tiên các chuyên gia có hộ chiếu vaccine và đã xét nghiệm âm tính, xem xét giảm thời gian cách ly tập trung cũng như thời gian cách ly tại nhà…
Chính sách đối với chuyên gia nước ngoài cần thống nhất thực hiện giữa các địa phương trên toàn quốc. Các cơ quan chức năng cần xây dựng các bộ công cụ hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài một cách rõ ràng và công bố công khai để doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện.
Đối với người lao động từ các tỉnh, thành phố khác quay lại nơi làm việc: Đối với người lao động đã tiêm đủ liều vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính khi quay lại làm việc thì cần giảm thiểu tối đa thời gian cách ly.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề nghị chính quyền các địa phương cần có các giải pháp truyền thông để trấn an tâm lý lo ngại dịch bệnh ở đại đa số người lao động hiện nay, qua đó giúp họ an tâm quay lại doanh nghiệp làm việc.
Có chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động; thực hiện có hiệu quả các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động; nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hoạt động sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Giải quyết kịp thời các thủ tục liên quan chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động; chủ động phối hợp các doanh nghiệp để tuyên truyền, động viên tinh thần của người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Thúc đẩy giải quyết thủ tục trên môi trường mạng
TS Đậu Anh Tuấn cũng đưa ra khuyến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính chuyển hẳn sang giải quyết thủ tục trên môi trường mạng.
Thực tế trong gần 2 năm vừa qua trong tình hình dịch Covid-19 phải áp dụng các quy định giãn cách có thể gây khó khăn cho việc tiếp cận khách hàng, đối tác để thực hiện các giao dịch kinh doanh, đặc biệt là các dịch vụ có liên quan cấp, xác nhận giấy tờ.
Trong khi đó, một số loại hình thủ tục lại chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong quá trình đăng ký và phê duyệt. Một số thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và xin phê duyệt vẫn đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng văn bản. Điều này gây khó khăn và kéo dài thời gian phê duyệt do hoạt động chuyển phát bưu phẩm của các đơn vị giao nhận bị hạn chế nhất định trong thời kỳ có dịch.
Về yêu cầu nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, TS Đậu Anh Tuấn nhận xét: Các chủ trương và chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được ban hành gần đây được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao, song các bộ, ngành cần ban hành các văn bản hướng dẫn sao cho các thủ tục để nhận thụ hưởng được minh bạch và thuận lợi.
Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị: Các chính sách và quy định đưa ra cần hướng tới giảm thiểu quy định về yêu cầu chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất chung đối với các bộ ngành và địa phương, tránh tình trạng "cát cứ" mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp, làm tăng chi phí, tăng giá thành sản phẩm dịch vụ”, TS Đậu Anh Tuấn cho biết.
Cần đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Chính phủ cũng cần có chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về các chính sách trong quá trình thực hiện để kịp thời xử lý các bất cập trong các chính sách, quy định.
Ông cho rằng, đối với những những chính sách chậm triển khai hoặc chưa phù hợp, Chính phủ cần sớm xem xét, chỉ đạo kịp thời và điều chỉnh quy định phù hợp với tình hình để hỗ trợ nền kinh tế mà trọng tâm là vực dậy khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã mà vẫn đồng thời bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch.
Vấn đề cần thiết là tất cả các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần chấp thuận các các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Việc đẩy nhanh triển khai dịch vụ công cấp độ 4 cũng rất quan trọng bên cạnh tạo thuận lợi cho các ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính để thay thế cho các hình thức nộp hồ sơ giấy trước đây. |