Người học nghề được hỗ trợ học phí là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng. Trong đó, ưu tiên người khuyết tật, các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân. Tiếp đến là người lao động làm việc trong khu, cụm công nghiệp và khu du lịch, lao động làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, người chấp hành xong án phạt tù. Nhiều đối tượng ưu tiên nêu trên khi tham gia học nghề được hỗ trợ tiền ăn, chi phí đi lại.
Tỉnh cũng hỗ trợ chi phí ăn, nghỉ, tàu xe cho giáo viên trong đất liền tham gia đào tạo tại các xã đảo và ngược lại.
Bên cạnh đó, Kiên Giang cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương xác định nhu cầu đào tạo nghề trong các lĩnh vực ngành nghề, phục vụ nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là khu vực nông nghiệp, đào tạo, dạy nghề với hơn 60 lĩnh vực; khu vực phi nông nghiệp, đào tạo, dạy nghề với hơn 140 lĩnh vực. Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%.
* Vừa qua, tỉnh Bình Thuận ban hành đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025. Để đẩy nhanh việc thực hiện đề án, tỉnh tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển du lịch - thể thao biển; tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng tại các khu du lịch dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu Du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025, xây dựng các điểm đến du lịch - thể thao biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế; xây dựng mới, đưa vào hoạt động ba bến du thuyền và một sân gôn; các địa phương (cấp huyện, thị xã, thành phố) ven biển phải xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất và có ít nhất một sân tập luyện, tổ chức thi đấu thường xuyên các môn thể thao biển.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các sở, ngành, địa phương, các khu du lịch - thể thao biển rà soát, tham mưu, giải quyết những vướng mắc, chồng chéo của các quy hoạch, bảo đảm sự thống nhất trong khai thác tiềm năng, lợi thế tài nguyên biển cho phát triển du lịch - thể thao biển. Đồng thời, các ngành, địa phương có biện pháp hữu hiệu giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển du lịch - thể thao biển với khai thác, chế biến hải sản. Tỉnh tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là phát triển mạng lưới giao thông đối ngoại, rút ngắn thời gian đi từ các tỉnh, thành phố trong nước đến Bình Thuận; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - thể thao biển.