Kiểm toán môi trường là ưu tiên trong chiến lược của ASOSAI

NDO -

Chiều 6/9, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018-2021 và Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hầu Khải, Tổng Thư ký ASOSAI đã chủ trì cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56 theo hình thức trực tuyến.

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại hội ASOSAI 15 diễn ra từ ngày 6 đến 8/9.

Khai mạc Cuộc họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh gửi lời chào mừng tới tất cả các đại biểu tham dự; đồng thời cảm ơn Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc - Tổng Thư ký ASOSAI và Kiểm toán Nhà nước Thái Lan - Chủ nhà Đại hội ASOSAI 15, đã có những cố gắng và đưa ra những sáng kiến để chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho cuộc họp Ban Điều hành ASOSAI lần thứ 56 nói riêng và Đại hội ASOSAI lần thứ 15 nói chung.

Những kết quả của “Tuyên bố Hà Nội”

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Điều hành tập trung thảo luận và thông qua những vấn đề quan trọng của ASOSAI gồm các báo cáo về tình hình tài chính của ASOSAI; báo cáo về thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021 và Dự thảo Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn mới 2022-2027; báo cáo của các nhóm công tác, đặc biệt là 2 nhóm công tác mới của ASOSAI là Nhóm kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững và Nhóm kiểm toán quản lý khủng hoảng.

Đáng lưu ý, trong cuộc họp lần này, các SAI (cơ quan kiểm toán) thành viên đã lắng nghe những kết quả đạt được của ASOSAI nói chung và các thành viên nói riêng trong việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội.

Tuyên bố Hà Nội là một trong những sáng kiến của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhằm đóng góp cho chương trình nghị sự của Đại hội ASOSAI 14 diễn ra năm 2018, do SAI Việt Nam đăng cai.

Đây là văn kiện chính thức quan trọng của Đại hội ASOSAI 14 nhằm truyền tải thông điệp quan trọng nhất của Đại hội; phản ánh những ý tưởng, đề xuất của ASOSAI đối với cộng đồng khu vực và thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công.

Kiểm toán môi trường là ưu tiên trong chiến lược của ASOSAI -0
 Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh.

Báo cáo trước cuộc họp, ông Nguyễn Bá Dũng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Kiểm toán Nhà nước Việt Nam) cho biết, sau 3 năm thực hiện Tuyên bố Hà Nội, ASOSAI và các SAI thành viên đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện những khuyến nghị về kiểm toán môi trường và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.

Cụ thể, thông qua Chương trình phát triển năng lực của mình, ASOSAI đã thiết lập và thực hiện khảo sát về nhu cầu nâng cao năng lực của ASOSAI trong giai đoạn 2022-2024 để hỗ trợ các SAI thành viên thực hiện các vấn đề mới nổi về kiểm toán như công nghệ thông tin và kiểm toán các SDGs.

Về phía các SAI cũng tích cực áp dụng khoa học và công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán môi trường như tăng cường sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GIS) và công nghệ viễn thám để đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản; sử dụng dữ liệu viễn thám để nghiên cứu hoạt động sử dụng đất đai; sử dụng thiết bị ghi hình không người lái để tính toán phạm vi và khối lượng khai thác cát…

Đối với trụ cột chiến lược “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu”, dấu ấn quan trọng của ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021 chính là việc ra quyết định đề xuất thành lập Nhóm công tác về thực hiện SDGs ngày tại Cuộc họp Ban điêu hành ASOSAI lần thứ 54 (tháng 7-2019 tại Kuwait).

Trong khi đó, các SAI thành viên đạt được thành tựu ấn tượng khi có tổng số 60 cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện chủ yếu dưới loại hình kiểm toán hoạt động với chủ đề hết sức đa dạng và bao trùm lên hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường.

Đó là quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước, xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, năng lượng tái tạo, bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất, ...

Ngoài ra còn có tổng số 35 cuộc kiểm toán SDGs đã được thực hiện trong giai đoạn 2018-2021. Tất cả các SAI thành viên gửi thông tin đều đã thực hiện ít nhất một cuộc kiểm toán liên quan đến SDGs.

Thông qua nhiều báo cáo quan trọng

Dưới sự chủ trì của SAI Việt Nam và Trung Quốc, Cuộc họp đã nhất trí thông qua các báo cáo về Nhóm công tác kiểm toán môi trường và báo cáo về Ủy ban đặc biệt nghiên cứu tính khả thi của việc thành lập Nhóm công tác kiểm toán quản lý khủng hoảng của ASOSAI.

Trình bày báo cáo về Nhóm kiểm toán môi trường, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hầu Khải cho biết, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Nhóm công tác kiểm toán môi trường đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến để khởi động hai dự án kiểm toán hợp tác về Quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công và Giao thông bền vững.

Kiểm toán môi trường là ưu tiên trong chiến lược của ASOSAI -0
 Tổng Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc Hầu Khải.

Dự án Quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công được dẫn dắt bởi SAI Việt Nam với sự tham gia của SAI Myanmar và SAI Thái Lan. Hiện nay, nhóm dự án đã tiến hành khóa đào tạo theo lịch trình trong khi các kiểm toán viên của Việt Nam và Thái Lan đã hoàn thành công việc của mình trong quá trình đánh giá thực địa.

Trong thời gian tới, Nhóm công tác kiểm toán môi trường sẽ song hành với các SAI thành viên và các bên liên quan hữu quan, và làm việc một các chủ động và nhiệt tình hơn nữa trong công tác kiểm toán môi trường châu Á. Bằng cách này, nhóm sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với tư cách là kiểm toán viên về bảo vệ môi trường châu Á, đồng thời đóng góp xây dựng một châu Á tươi đẹp hơn.

Dự án Giao thông bền vững do SAI Trung Quốc và SAI Pakistan đi đầu với sự tham gia của SAI Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Sri Lanka. Tất cả các bên đang làm việc trong chương trình nghị sự bằng cách chuẩn bị kế hoạch kiểm toán và tiến hành kiểm toán thực địa.

Ngoài ra, Nhóm công tác kiểm toán môi trường cũng bắt đầu một dự án nghiên cứu hợp tác Kiểm toán tài chính xanh do SAI Thái Lan đi đầu, với sự tham gia của SAI Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam và Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, SAI Thái Lan đã hoàn thành kế hoạch hoạt động cho dự án này.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác quản lý khủng hoảng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và thách thức an ninh phi truyền thống khác, đại diện Kiểm toán Nhà nước Hàn Quốc cho biết, Nhóm công tác đặc biệt trong kiểm toán quản lý khủng hoảng của ASOSAI đã có 150 người từ 42 SAI thành viên tham gia.

Nhóm đã tổ chức hội thảo chia sẻ các thông tin về tầm quan trọng của kiểm toán khủng hoảng và lập báo cáo nghiên cứu về vấn đề này theo quy trình 4 bước, qua đó chia sẻ bài học và kinh nghiệm của từng quốc gia.