Kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp

NDO -

Thời gian qua, phát hành trái phiếu là kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng trung, dài hạn của ngân hàng thu hẹp. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả đơn vị phát hành, nhà đầu tư và nền kinh tế.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 19/4, Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức đã làm rõ những tiềm năng cũng như rủi ro của thị trường này.

Nhiều lỗ hổng

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho biết, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta dù đã tăng từ 4,9% GDP năm 2017 lên 16,6% GDP vào năm 2021 nhưng còn rất thấp so Trung Quốc (35,7%), Hàn Quốc (87%), Singapore (36,5%), Thái Lan (25%)… Về cơ cấu phát hành trái phiếu năm 2021, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng 39%; tổ chức tín dụng chiếm khoảng 35%; lĩnh vực xây dựng 5,4%; công ty chứng khoán 3,3%.

Hiện, có 2 chủ thể phát hành chính là doanh nghiệp bất động sản và tổ chức tín dụng. Riêng với nhà đầu tư, hiện nay, ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng 30%; công ty chứng khoán 30-31%; tổ chức khác 26%, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân chỉ khoảng 5%-10%... Tài sản bảo đảm chủ yếu là doanh nghiệp có tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu; doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm chỉ chiếm khoảng 20%.

Theo GS,TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, tỷ lệ phát hành trái phiếu "3 không" (không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm) trong tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ 20 đến 30% là rất nghiêm trọng. Đây là phát hành của những doanh nghiệp chưa niêm yết. Ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình thường nhưng với thị trường non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp. Ngay cả việc xem xét số lượng phát hành trái phiếu của chúng ta cũng không đến nơi đến chốn, quy định vốn vay trên vốn chủ sở hữu cần phù hợp để bảo đảm khả năng trả nợ.

 Các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề nghiêm trọng. Có thể là ngân hàng giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu để "đảo nợ", chuyển từ ngân hàng cho vay nợ có bảo đảm, quản lý giám sát, sử dụng chặt chẽ sang cho vay thông qua trái phiếu doanh nghiệp, tức là gần như giao nguyên số tiền cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp sử dụng gì, đầu tư ra sao, ngân hàng cũng không quản lý được.

Còn có hiện tượng mua bán lòng vòng nhưng không ai quản lý. Công ty con mới thành lập và lượng vốn rất bé vẫn tham gia phát hành trái phiếu. Chủ thể mua trái phiếu không chú ý đến khả năng tài chính, hấp thụ, đã làm lu mờ hình ảnh công ty phát hành. Ngoài ra, còn có tình trạng bán chui không qua thị trường mà chỉ qua tin nhắn Facebook, Zalo để gạ gẫm mua với lãi suất rất cao. Đặc biệt, việc giám sát quá trình sử dụng vốn gần như buông lỏng. Vì vậy, có nhiều kẽ hở cần được lấp lại để tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, an toàn của nền kinh tế.

 Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, phân tích, việc phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là tự vay và tự trả nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành. Sau khi phát hành xong, các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ của họ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư đã gửi tiết kiệm. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 12%/năm và tổng chi phí cho kênh này là khoảng 15%/năm với chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi hiện nay là khoảng 6%/năm, điều này khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn khi mua trái phiếu doanh nghiệp…

Cũng theo ông Huỳnh Anh Tuấn, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư là phát hành. Trong khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban Chứng khoán nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân…

hoi thao 2.jpg -0
 Chuyên gia kinh tế phát biểu tại hội thảo.

Để thị trường phát triển bền vững

Theo TS Cấn Văn Lực, để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, trước mắt, Chính phủ cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc tiêu cực đã xảy ra trong thời gian qua để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Về lâu dài, cần khuyến khích hình thành các hãng xếp hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải cân nhắc thật kỹ khi cho phép thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm. Ủy ban Chứng khoán nhà nước không thể làm được việc giám sát, kiểm soát dòng vốn sau phát hành, vì vậy chủ yếu là cam kết của doanh nghiệp ở bản cáo bạch, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Sau đó, nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư để mua trái phiếu doanh nghiệp, thì các quỹ này sẽ có trách nhiệm theo dõi, chứ không thể bắt buộc theo dõi, sử dụng vốn phát hành ra như thế nào cũng là bài toán cần cân nhắc.

Ngoài ra, tiêu chí, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng cần nâng lên. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm có phương án cuối cùng. Cần tăng chất lượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân.

Còn theo ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting), thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khá mới mẻ nên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, thị trường này cần sẵn sàng 3 chủ thể quan trọng đáp ứng được nhu cầu, gồm: Nhà nước định hướng quản lý, tiền kiểm là khâu quan trọng; minh bạch thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; sự tuân thủ của các chủ thể trên thị trường (nhà phát hành, tổ chức xếp hạng…). Trong đó, nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hóa xếp hạng tín nhiệm…

TS Lê Đạt Chí, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, Chính phủ muốn phát triển thị trường nợ như kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế thì khi sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp phải lưu ý, ngoài chủ thể là thị trường sơ cấp và người mua trái phiếu phát hành riêng lẻ thì phải có chế tài để kiểm soát khi trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp. Ai sẽ mua đi bán lại, rủi ro thế nào… cần phải được quy định rõ.