Sau đó, Tổ bầu cử tiến hành kiểm phiếu với các nhiệm vụ như sau: Xác định tổng số phiếu bầu đã phát ra; Xác định tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu; nghiêm cấm việc bỏ phiếu sau khi đã mở hòm phiếu; kiểm tra hòm phiếu và tiến hành mở hòm phiếu (cả hòm phiếu phụ nếu có); Xác định tổng số phiếu được lấy ra từ hòm phiếu; So sánh tổng số phiếu được lấy ra từ hòm phiếu với số phiếu đã phát ra và với tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu; Xác định số phiếu hợp lệ; Xác định số phiếu không hợp lệ; Ðếm số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử; Giải quyết những khiếu nại, tố cáo về bầu cử hoặc chuyển đến Ban bầu cử giải quyết; Làm biên bản kết quả kiểm phiếu; Biên bản được gửi đến Ban bầu cử và Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; Giao biên bản kết quả kiểm phiếu và toàn bộ phiếu bầu cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Theo quy định của pháp luật về bầu cử, những phiếu bầu cử sau đây là phiếu hợp lệ: Phiếu bầu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát, có dấu của Tổ bầu cử; Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu; Phiếu bầu gạch tên ứng cử viên không được tín nhiệm bằng cách gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang, nhưng phải gạch hết họ và tên.
Những phiếu bầu cử không hợp lệ gồm: Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát; Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử; Phiếu để số người được bầu quá số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu (thí dụ được bầu hai đại biểu mà để tên ba người); Phiếu gạch, xóa hết họ, tên tất cả những người ứng cử; Phiếu ghi tên người ngoài danh sách những người ứng cử; phiếu có viết thêm; phiếu gạch vào khoảng cách giữa họ và tên hai ứng cử viên; phiếu khoanh tròn họ và tên ứng cử viên.
Nếu có khiếu nại tại chỗ về việc kiểm phiếu phải được chuyển kịp thời cho Tổ bầu cử. Tổ trưởng Tổ bầu cử phải phân công một thành viên của Tổ bầu cử tiếp nhận, ghi vào sổ trực của Tổ, sau đó chuyển cho Tổ trưởng giải quyết. Nội dung của khiếu nại và cách giải quyết phải được ghi vào biên bản kiểm phiếu.
Trường hợp những khiếu nại mà Tổ bầu cử không giải quyết được hoặc việc giải quyết vượt quá thẩm quyền thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ vào biên bản và kịp thời chuyển Ban bầu cử giải quyết.
Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải lập biên bản kết quả kiểm phiếu. Biên bản kiểm phiếu của Tổ bầu cử gồm những nội dung sau đây: Số thứ tự khu vực bỏ phiếu, gồm những đơn vị hành chính nào; Thành phần của Tổ bầu cử; Họ và tên người chứng kiến việc kiểm phiếu; Tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu; Số cử tri đã tham gia bỏ phiếu; Tỷ lệ cử tri đã tham gia bỏ phiếu so với tổng số cử tri; Số cử tri là khách vãng lai đã tham gia bỏ phiếu; Số phiếu phát ra; Số phiếu thu vào; Số phiếu hợp lệ; tỷ lệ so với tổng số phiếu đã bầu; Số phiếu không hợp lệ; Tỷ lệ so với tổng số phiếu đã bầu; Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử; Những phiếu nghi là không hợp lệ đã được đưa ra Tổ để giải quyết; Tóm tắt những sự việc đã xảy ra; Những khiếu nại đã nhận được trong việc bầu cử và cách giải quyết của Tổ bầu cử; Những khiếu nại chưa được giải quyết chuyển đến Ban bầu cử.
Biên bản được lập thành ba bản theo mẫu số 5/BCÐBQH do Hội đồng Bầu cử quy định, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký và hai cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Biên bản được gửi đến Ban bầu cử, Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn chậm nhất là ba ngày sau ngày bầu cử.
Ðể xác định người trúng cử, phải tuân theo nguyên tắc sau đây: Người trúng cử phải có đủ hai điều kiện, đó là: Có số phiếu bầu đạt quá nửa tổng số phiếu hợp lệ; Ðược nhiều phiếu hơn.
Trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.
VŨ HOÀNG LONG
(Biên soạn)