Quy định cũ đã không thúc đẩy được nhiều doanh nghiệp trích lập quỹ vì quy trình lập hồ sơ thành lập quỹ, lập hội đồng khoa học và công nghệ thẩm định, nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của doanh nghiệp… mất rất nhiều thời gian. Về cơ bản, các doanh nghiệp mới chỉ sử dụng quỹ để thực hiện các đề tài nghiên cứu, không hỗ trợ việc đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất.
Với quy định mới, doanh nghiệp được chủ động quyết định nội dung, kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của doanh nghiệp, từ đó sẽ xã hội hóa được các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ. Các nội dung chi của quỹ cũng thực tế hơn, phản ánh đúng các hoạt động cần thiết để đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Thí dụ cho phép chi mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất; chi cho trả lương, thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài...
Thời gian qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã được ban hành để tác động đến quyết định đầu tư khoa học và công nghệ ở doanh nghiệp. Thí dụ như Chương trình phát triển sản phẩm khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia...
Qua thực hiện cho thấy, đối tượng thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo rơi vào doanh nghiệp lớn, có tiềm lực. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi mục tiêu chính sách là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nghịch lý là doanh nghiệp càng lớn càng nhận được nhiều hỗ trợ. Nguyên nhân do doanh nghiệp khó tiếp cận, không biết các đầu mối kết nối hỗ trợ, quy trình xét duyệt phức tạp và nhất là hạn chế trong nhận thức của các cơ quan quản lý về chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho ứng dụng đổi mới công nghệ. Do lo ngại doanh nghiệp trục lợi chính sách, cơ quan xét duyệt hồ sơ có xu hướng chọn các doanh nghiệp có lịch sử chứng minh được năng lực, đã có thành công trong đổi mới sáng tạo.
Đầu ra cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo cũng khó khăn do thiếu các quy định tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Một số doanh nghiệp chế tạo thiết bị cho biết, trong mua bán thiết bị, thay vì kiểm soát chất lượng bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật, thì có dự án yêu cầu xuất xứ thiết bị từ các nước G7.
Như vậy, vô hình trung đã loại các doanh nghiệp trong nước khỏi đấu thầu, trong khi sản phẩm trong nước vẫn có thể cạnh tranh bằng chất lượng và giá cả. Qua khảo sát, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, pháp luật hiện hành về đấu thầu có ưu tiên sản xuất trong nước nhưng không có nội dung gì liên quan ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm hình thành từ kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chính sách mua sắm công đối với các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc sản phẩm hình thành từ kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn quá chặt chẽ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi không đáp ứng yêu cầu số năm hoạt động nhất định trên thị trường. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tín dụng, chính sách đầu tư mạo hiểm… cũng chưa phù hợp để thúc đẩy việc đầu tư khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Một trong các giải pháp phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chính phủ là thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Để dần tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ từ các doanh nghiệp, cần tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản, tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất.