Theo người đứng đầu phái đoàn IMF tại Liban Ernesto Ramirez Rigo (E.Ri-gô), sau khi được ban lãnh đạo IMF thông qua, chương trình viện trợ kéo dài 46 tháng của IMF sẽ hỗ trợ giới chức Liban triển khai chiến lược cải cách để khôi phục tăng trưởng và ổn định tài chính. Theo tuyên bố chung của Tổng thống Liban Michel Aoun (M.A-un) và Thủ tướng Najib Mikati, thỏa thuận trên sẽ giúp Liban phục hồi kinh tế cũng như tìm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, khoản viện trợ sẽ chỉ được giải ngân sau khi Quốc hội Liban thông qua ngân sách năm 2022, dự luật mới bảo mật thông tin ngân hàng để chống tham nhũng và kế hoạch tái cơ cấu nợ. Bên cạnh đó, Chính phủ Liban cũng cần thông qua chiến lược tái cấu trúc ngân hàng.
Thỏa thuận trên đạt được trong bối cảnh Liban đang đối mặt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), quốc gia Trung Đông này đang thiếu hụt ngoại tệ một cách trầm trọng và hơn 70% dân số rơi vào cảnh nghèo đói. Đồng nội tệ của Liban mất giá hơn 90% trên chợ đen và giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt, giá thịt đỏ tăng gấp 5 lần. WB đánh giá mức độ khủng hoảng tương đương một cuộc chiến tranh. Các chuyên gia tài chính đã cáo buộc các ngân hàng thương mại gửi ngoại tệ của khách hàng vào Ngân hàng Trung ương Liban để đổi lấy lãi suất cao. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Liban đã sử dụng tiền gửi của khách hàng để ổn định tỷ giá hối đoái và hỗ trợ cho việc bù đắp thâm hụt ngân sách của nhà nước.
Kinh tế suy sụp trong nhiều năm đã khiến nền giáo dục của Liban lâm vào khủng hoảng và tình hình hiện nay đang hết sức khẩn cấp, đòi hỏi sự hỗ trợ cấp bách của cộng đồng quốc tế. Các trường học ở Liban không có đủ kinh phí để hoạt động như bình thường, giáo viên đi làm không đủ lương để nuôi sống gia đình, học sinh, sinh viên không có phương tiện đến trường do giá xăng dầu tăng cao. Tại Liban, mức lương tối thiểu từng trị giá 450 USD, giờ chỉ là 28 USD. Cuộc khủng hoảng tại Liban đã buộc nhiều học sinh, sinh viên phải nghỉ học để kiếm sống. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tỷ lệ ghi danh vào các cơ sở giáo dục giảm từ 60% năm 2021 xuống 43% trong năm học hiện tại.
Saudi Arabia và một số nước giàu tại vùng Vịnh từng là những nhà tài trợ lớn cho Liban. Tuy nhiên, trong thời gian qua, quan hệ giữa Liban và những nước này trở nên căng thẳng chung quanh vấn đề phong trào Hezbollah ngày càng gia tăng ảnh hưởng đối với chính trường Liban. Quan hệ giữa hai bên tiếp tục xấu đi từ tháng 10 năm ngoái, sau khi Bộ trưởng Thông tin Liban George Kordahi (G.Co-đa-hi) chỉ trích chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn dắt tại Yemen. Saudi Arabia, Bahrain và Kuwait đã triệu đại sứ của mình tại Liban về nước, đồng thời yêu cầu đại diện ngoại giao của Liban tại nước họ rời đi trong vòng 48 giờ. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã triệu đại sứ của Liban tới phản đối về bình luận của ông Kordahi. Quan hệ rạn nứt với nhiều nước vùng Vịnh khiến Liban càng trở nên khó khăn hơn trong lúc đang chật vật đối phó cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Trong một động thái cải thiện quan hệ với Liban, Saudi Arabia thông báo cử Đại sứ trở lại Liban, lần đầu tiên kể từ khi tranh cãi nổ ra giữa hai bên. Tương tự, chính phủ các nước Kuwait và Yemen cũng thông báo sẽ cử Đại sứ trở lại Liban.
Liban cần nhanh chóng bắt tay vào lộ trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng thỏa thuận với IMF và một chương trình ổn định cũng như phục hồi kinh tế toàn diện. Chính phủ của Thủ tướng Mikati khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực đưa đất nước tiến lên trên con đường phục hồi, bất chấp những thách thức nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.