Khu tưởng niệm liệt sĩ E 207 - ấp Ðá Biên, một "địa chỉ đỏ" về nguồn

NDO - Trong suốt hơn 20 năm qua, một ngôi miếu thờ nhỏ bé, đơn sơ được những người dân nghèo làm ruộng dựng lên ở ấp Ðá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa (Long An) là nơi thờ cúng hương hồn của hơn 200 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 207 (E207), Quân khu 8.
Nhà tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, ấp Ðá Biên.
Nhà tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, ấp Ðá Biên.

Hiện nay, trên khuôn viên miếu cũ này, một khu tưởng niệm các liệt sĩ đã được xây mới khang trang và khánh thành vào ngày 22-10 vừa qua.

Cách đây 39 năm, trong hai ngày 3 và 4-10-1973, ở bãi tràm ngập nước thuộc ấp Ðá Biên ngày nay, đã diễn ra một trận đánh bi hùng của hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 207, mà nhiều người trong số họ quê ở Hưng Yên là sinh viên của Trường đại học Xây dựng cùng một số trường đại học: Bách khoa, Thủy lợi, Sư phạm... vừa từ miền bắc lên đường nhập ngũ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Bị địch vây kín trong bãi tràm vào mùa nước nổi, chung quanh là trời nước mênh mông, bên ngoài thì pháo bầy dập vào,  trên trời thì trực thăng quần đảo nhả đạn xối xả, sau đó xe lội nước M113 đổ quân chà đi xát lại nhiều đợt, các chiến sĩ ta đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, bắn cháy một máy bay lên thẳng, nhưng rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã ngã xuống và mãi mãi yên nghỉ tại vùng đất phương nam thân thương của Tổ quốc... Ðiều kiện chiến trường khi đó không cho phép đơn vị và du kích địa phương tiến hành tìm kiếm và chôn cất đầy đủ các liệt sĩ. Thi thể những người lính trẻ từ quê hương miền bắc đã hòa tan trong sông nước và vùng đất bồi bãi tràm. Sau ngày chiến thắng năm 1975, những người dân ấp Ðá Biên khẩn hoang bãi tràm làm ruộng và lấy đất làm nhà vẫn thường tìm thấy nhiều hiện vật đồ dùng sinh hoạt, mũ cối và cả vũ khí cùng hài cốt các liệt sĩ. Tưởng nhớ anh linh những người lính trẻ bỏ mình vì nước, cách đây hơn 20 năm, những người dân nghèo nơi đây đã cùng nhau góp công sức lập nên ngôi miếu thờ để chăm sóc hương hồn các liệt sĩ. Miếu lúc đầu khá nhỏ bé bằng gỗ tràm, lợp gianh và lá cỏ trên mảnh đất 20 m2, sau này, nhân dân trong vùng đã đắp thêm đất, mở rộng khuôn viên và cất lại ngôi miếu tuy vẫn đơn sơ, song rộng rãi, chắc chắn hơn để làm nơi thờ cúng các liệt sĩ Trung đoàn 207. Tuy không chính thức nhưng lâu nay, trong tâm tưởng các thế hệ dân ấp Ðá Biên đều suy tôn và thờ cúng các liệt sĩ như những thành hoàng độ trì, phù hộ cho cộng đồng nơi đây.

Ðược biết nguyện vọng tha thiết của nhân dân ấp Ðá Biên, cũng như của thân nhân các liệt sĩ và tập thể cựu chiến binh Trung đoàn 207 muốn xây lại ngôi miếu thờ đàng hoàng và khang trang hơn để làm nơi thờ cúng và tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ, xứng đáng với sự hy sinh của các anh... Ngân hàng  TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã đóng góp tài trợ năm tỷ đồng xây dựng công trình tưởng niệm và ghi danh các liệt sĩ Trung đoàn 207. Cùng với sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân, chính quyền địa phương, tỉnh Long An và Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 207, công trình đã chính thức khởi công ngày 19-5-2012 trên diện tích gần 5.000 m2 với tổng số tiền gần chín tỷ đồng gồm các hạng mục: nhà văn bia, nhà thờ và khu phụ trợ phía sau nhà thờ.    

Ngày 22-10, lễ khánh thành khu tưởng niệm  liệt sĩ Trung đoàn 207- ấp Ðá Biên đã được tổ chức trang nghiêm xúc động, với sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Long An, tỉnh Hưng Yên (nơi có những con em đã ngã xuống trên mảnh đất này), lãnh đạo Quân khu 9, lãnh đạo Vietinbank, đại diện Trung đoàn 207, thân nhân gia đình các liệt sĩ và đông đảo nhân dân trong vùng. Việc xây dựng khu tưởng niệm thể hiện đúng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc với những người đã hy sinh cho cuộc sống tự do, hạnh phúc hôm nay. Khu tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 207- ấp Ðá Biên không những mang ý nghĩa tâm linh mà còn là một di tích lịch sử cách mạng, một "địa chỉ đỏ" của hoạt động du lịch về nguồn để nhân dân và thế hệ trẻ cả nước nói chung và của miền Tây Nam Bộ, của Long An nói riêng tìm về tri ân, tưởng nhớ và giáo dục truyền thống cách mạng. 

Nhân dịp này, tỉnh Long An đã trao bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho khu tưởng niệm và tặng bằng khen cho các cá nhân và tập thể Vietinbank đã có nhiều đóng  góp xây dựng công trình.