- Theo tôi biết, sau mỗi mùa mưa, cả nước có hàng trăm đập nhỏ cấp xã bị vỡ/năm do lu lèn không kỹ. Ngoài ra, các công trình nhà, công trình cấp nước, công trình giao thông cũng đều đang gặp sự cố. Về chất lượng xây dựng, trước mắt có thể thấy hỏng hóc ở khâu hoàn thiện lại các khu chung cư cao tầng là phổ biến nhất. Chẳng hạn như gạch lát khập khiễng, cửa đóng không khít, nước rò rỉ, chống thấm kém, sau mỗi trận mưa nước từ hiên tuồn hết vào nhà.
Nguyên nhân là do làm cấp tập cùng lúc, người giám sát rất khó giám sát ngay với số lượng nhiều buồng một cách tỷ mỷ. Thứ hai chất lượng trong khi xây dựng phần thô thường được người ta quan tâm hơn, nếu gạch đá không tốt thì sẽ sập và nguy hiểm đến tính mạng của hàng trăm người. Còn phần hoàn thiện nội thất, nếu có sự cố thì cũng chỉ gây khó chịu chứ không làm chết người, không gây hiệu quả nghiêm trọng lắm nên về khâu hoàn thiện này kể cả những công ty xây dựng danh tiếng cũng mắc sai sót.
"Nên có nhà giá thấp chứ không nên có nhà chất lượng thấp"
- Ở nước ngoài, các công trình xây dựng thường được giám sát bởi các nhân viên thuộc các công ty bảo hiểm của công trình đó. Giám sát viên này không nằm thường trực ở công trình mà chọn thời điểm then chốt trong thi công để kiểm tra. Nếu vẫn không sửa sai, công ty này sẽ đình bảo hiểm. Như vậy anh chủ đầu tư sẽ trị anh thi công.
Ở Việt Nam hiện nay, các chủ đầu tư không mua bảo hiểm công trình. Mà vấn đề là ở chỗ chất lượng sau này lại phụ thuộc vào giai đoạn thi công. Nếu ta xây nhà thì cả vợ chồng con cái cùng kiểm tra thì thợ không làm ẩu. Còn ở Việt Nam, một ban quản lý ở không ở, bán không bán, thuê không cho thuê, khi xây nhà ra rồi giao cho ai đó đi phân phối và “ấn” họ vào ở theo quyết định phân phối nên sự quan tâm của ban quản lý ấy với công trình này sẽ không cao và không thiết thân. Thế cho nên mới có trường hợp nhà chất lượng thấp.
“Ăn cắp để hậu quả diễn ra… từ từ”
- Trong xây dựng, người thiết kế phải tính toán hệ số an toàn lớn hơn để đề phòng bất trắc với các sự cố có thể xẩy ra sau này như mưa, lụt, động đất... Với những thứ như thép cấu tạo thì một kỹ sư xây dựng bình thường cũng có thể biết nếu thiếu thì không thể hỏng ngay mà chỉ hỏng cục bộ ở một bộ phận nào đó. Do vậy có thể hiểu tại sao có những móng nhà chỉ lún từ từ theo thời gian chứ không sập ngay.
Hiện nay, chúng ta đã có công nghệ kiểm tra. Tuy nhiên, rất khó để kiểm tra những hạng mục ở dưới móng. Còn cốt thép, theo tôi được biết vài ba năm gần đây chỉ có các loại máy móc có thể dò được những cốt thép cách bề mặt không quá 5cm, còn sâu hơn thì chịu. Vì thế ở nước ngoài, người ta có biên bản nghiệm thu từng công đoạn. Theo đó các khâu thi công phải giám sát lẫn nhau, khâu sau giám sát khâu trước. Đến khâu nào thì phải có biên bản nghiệm thu đến đấy. Chẳng hạn như phải có biên bản nghiệm thu cốt thép đã xong mới được đổ bê-tông. Hay bê-tông đổ được khoảng mấy chục khối thì phải đúc mẫu để thử...
“Chống đút lót, thông đồng bằng cách nào”?
- Hiện nay, việc đút lót trong xây dựng diễn ra ở tất cả các khâu. Bên B phải đút lót bên A, B phụ đút lót cho B chính, anh bán vật liệu phải đút lót cho nhà thầu. Còn trong giao nhận công trình, vụ nhỏ thì không nói chứ vụ lớn thì nhắm mắt cũng biết được ngay có sự thông đồng giữa bên B với bên A để có công trình.
Theo tôi, nếu chúng ta làm cân bằng được quan hệ cung cầu trong thị trường xây dựng, chẳng hạn nhận thầu thêm các công trình xây dựng ở nước ngoài sẽ hạn chế được việc đút lót trong giao nhận thầu công trình. Hiện tại, phải đút lót thì mới có việc, vì mật ít ruồi nhiều. Nhưng nếu lượng mật và ruồi ngang nhau thì chả việc gì phải đút lót. Như vậy không phải phụ thuộc nhiều vào các anh chủ thầu trong nước. Các tiêu chuẩn, quy phạm trong xây dựng của Việt Nam tương đối đầy đủ, theo tôi, nếu nghiêm khắc, có năng lực thực thi thể chế thì việc thanh tra các công trình xây dựng là không hề khó. Thứ hai, nên lập ra liên minh những người chính trực để phát hiện, khơi dậy đạo đức công dân để họ phản ảnh. Tuy nhiên, những người này cũng phải được hỗ trợ, giúp đỡ, nếu không sẽ bị trả thù.
Một vài chiêu “rút ruột” trong thi công công trình xây dựng: Thủ đoạn khai khống khối lượng: “Phát sinh một lại khai lên 10" Thủ đoạn này có khi chỉ do bên thi công khai khống, sau đó lọt qua giám sát. Có khi là do có sự thông đồng giữa bên thi công và bên giám sát hoặc với bên A rồi chia nhau. Việc khai khống này đôi lúc còn có chủ trương nữa vì hiện nay chi phí cho giao dịch trong nhận thầu xây dựng là rất lớn. Bên đầu tư thừa biết có sự khai khống nhưng họ làm ngơ, thông đồng. Khi khối lượng bị khai khống thì rất khó kiểm tra, thí dụ khai khống khối lượng san nền, khai khống khối lượng dưới móng, bịa ra việc phải gia cố thêm vì địa chất xấu, đặt ra những cái phát sinh và phát sinh một lại khai lên 10. Đặc biệt trong công trình xây dựng đường bộ, việc khai khống tôn nền là vô cùng nghiêm trọng và rất khó kiểm tra. Với con số san nền là nhiều vạn mét đất có thể thấy độ thất thoát sẽ rất lớn. Trong khai khống còn có việc khai khống nhân công. Trong xây dựng, thi công bằng tay và bằng máy có giá khác nhau. Có những nhà thầu chỉ đắp một đầu cầu nhưng có thể "ăn" hàng tỉ đồng vì lúc ký nhà thầu bảo thuê nhân công tại chỗ. Nhưng khi ký xong nhà thầu lại thuê ô-tô, xe máy với giá rẻ. Ăn bớt khối lượng: "Sử dụng thiếu nhưng tính tiền… đủ” Trên thực tế yêu cầu khối lượng đủ nhưng khi thi công lại bớt đi và làm ít hơn. Chẳng hạn như mác bê tông yêu cầu một số lượng xi-măng nhất định nhưng bớt khối lượng xi măng đi, dẫn đến chất lượng bê-tông kém. Và bê-tông này lại rất khó để kiểm tra. Thứ hai là việc thay đổi đường kính sắt, cốt thép. Yêu cầu thép phải có đường kính bao nhiêu li nhưng lại làm nhỏ hơn một tí mà mắt thường khó phân biệt được ngay, hoặc sử dụng xi măng mác thấp, sơn ít lớp hơn, độ dày của thanh nhôm cửa lại mỏng đi nên giá rẻ hơn rất nhiều. Thay đổi chất lượng vật liệu để ăn cắp: “Vật liệu xây dựng cũng bị thay bằng… hàng giả” Thay đổi chất lượng vật liệu thể hiện ở những việc như sử dụng thép cường độ thấp thay cho thép cường độ cao. Lấy xi-măng mác thấp thay cho xi-măng mác cao. Có khi đường kính cốt thép vẫn nguyên nhưng người ta lại sử dụng các loại thép ở các lò thủ công. Đây là những thép thấp cấp. Cụ thể như công trình nhà A2 vừa qua công an đã phát hiện ra việc rút thép. Nhưng họ làm sao biết được lồng thép ấy do ai làm? Có phải thép công nghiệp không? Chúng tôi xem những loại vật liệu như thế là… hàng giả. Mà đã là hàng giả thì rất nguy hiếm vì chúng rất khó có thể kiểm tra để phân biệt. Chẳng hạn như khâu làm nền đường nhựa, dưới lớp bê-tông nhựa là lớp đá hộc dày 30 cm nhưng ai cầm thước để đo từng viên đá? Người ta có thể dùng lẫn viên to, viên nhỏ. Và quan trọng nữa là đá, sỏi, gạch cát... thì cũng có rất nhiều chủng loại, kích cỡ. Điều này tưởng không đáng gì nhưng nếu mỗi lớp chỉ cần bớt đi khoảng 5cm, trên quãng đường hàng chục, hàng trăm km như vậy thử hỏi người ta rút đi bao nhiêu tiền? |