Đồng thời, Bộ giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung hàng hóa, tổ chức tốt các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn thị trường, góp phần đưa hàng hóa đến tay người dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, biến động lớn về giá.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đều đang chạy nước rút trong việc dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp bán lẻ cam kết sẽ tung ra nhiều chương trình bình ổn, khuyến mãi từ rất sớm nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là trong tháng cận Tết.
Sẵn sàng nguồn hàng
Vừa là doanh nghiệp sản xuất, cũng là nhà phân phối, đến nay Công ty cổ phần Thương mại Sao Khuê, một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gạo cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lượng hàng hóa của đơn vị được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Phó Giám đốc Nguyễn Công Dương chia sẻ, nhà máy chế biến gạo của công ty hiện luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất, công nhân đều thực hiện tăng thêm ca kíp, đồng thời phải tuyển thêm lao động thời vụ vào làm để kịp trả các đơn đặt hàng, với mức tăng khoảng 30% so với năm 2023.
Tính đến nay, công tác chuẩn bị gần như đã hoàn tất và công ty dự kiến xuất bán ra thị trường dịp Tết năm nay khoảng 5.000 tấn gạo. Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) dự kiến cung ứng ra thị trường dịp Tết gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5% so với cùng kỳ) và 3.800 tấn thực phẩm chế biến với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng. Ngoài ra, Vissan còn thực hiện dự trữ từ 10-20% sản lượng hàng hóa dự phòng; thường xuyên thực hiện các khuyến mãi, giảm giá từ 10% đến 20% vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết.
Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp phân phối cũng cơ bản chuẩn bị tốt nguồn hàng dự trữ cho nhu cầu tăng cao dịp Tết. Đơn cử, ngay từ tháng 9/2023, hệ thống các siêu thị GO!, Big C, Tops Market của Central Retail Việt Nam đã thỏa thuận ký kết với các đối tác cung ứng hàng hóa phục vụ Tết năm 2024 với lượng hàng hóa tăng 20% so với Tết năm 2023.
Đồng thời áp dụng chương trình “khóa giá” đối với hơn 10 nghìn sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, khuyến mãi hấp dẫn tới hơn 50% với hàng trăm sản phẩm chất lượng và cơ hội rút thăm trúng hơn 300 giải thưởng, với tổng giá trị hơn ba tỷ đồng.
Với tiêu chí sản phẩm phong phú nhưng giá ổn định, cùng nhiều ưu đãi, tại hệ thống siêu thị Co.opmart toàn quốc, nguồn hàng phục vụ Tết cũng được chủ động chuẩn bị, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày thường. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hệ thống siêu thị Co.opmart đã kết hợp nhiều dòng sản phẩm của các thương hiệu Việt và nhãn hàng riêng nhằm đáp ứng mọi phân khúc tiêu dùng, đặc biệt, siêu thị còn dành riêng một khu vực để các doanh nghiệp giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Có thể nói, đây là thời điểm vàng của các cơ sở, doanh nghiệp trong ngành thực phẩm khi nhu cầu của thị trường ngày một tăng cao, đặc biệt với các mặt hàng bánh kẹo. Hiện nhiều thương hiệu bánh kẹo lớn sản xuất trong nước đang nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã với giá cả cạnh tranh nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, cũng như làm chủ thị trường trong nước.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina sẽ cung cấp ra thị trường 32 nghìn tấn bánh kẹo (tăng khoảng 5-10% so với Tết năm 2023) với tiêu chí quan trọng nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn cho biết, năm nay công ty cũng dự kiến đưa ra thị trường 350 tấn sản phẩm là các loại mứt truyền thống, nhưng được thay đổi về mẫu mã, hình ảnh bao bì, bảo đảm tính thẩm mỹ và tiện lợi trong sử dụng. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5-12% so cùng kỳ, nhưng đơn vị vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm để ổn định nguồn cung.
Kỳ vọng vào sức mua của thị trường
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ và hệ thống các siêu thị lớn như: Co.op Mart, BigC, Go!, Aeon,... nhìn chung, tình hình thị trường tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm. Hàng hóa cũng khá phong phú, tập trung vào các mặt hàng phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán với mức giá cả bình ổn, sức mua của người tiêu dùng đã bắt đầu tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, nhiều hệ thống bán lẻ đều đang “nín thở” trông chờ vào sức mua của thị trường trong hai tuần trước Tết.
Bởi điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất là biến động thị trường từ khi thực tế nhu cầu mua sắm dịp cuối năm và Tết Dương lịch vừa qua chỉ tăng 10-15% so ngày thường. Do đó, các nhà sản xuất và phân phối sẽ phải đẩy mạnh thêm nhiều chương trình khuyến mãi, thậm chí buộc giảm lợi nhuận với một số nhóm hàng để bảo đảm kế hoạch tiêu thụ đã đề ra trước đó.
Hiện hơn 3.600 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/WIN trên toàn quốc thuộc chuỗi hệ thống bán lẻ WinCommerce đang liên tục triển khai các chương trình “giá tốt”, mang sản phẩm chất lượng với giá thành phải chăng tới người tiêu dùng. Chương trình ưu đãi hiện đang góp phần thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày tới mua sắm tại chuỗi bán lẻ. Trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng sẽ có cơ hội mua sắm giảm giá lên đến 50%; mua 2 tặng 1,...
Ngoài ra, hệ thống vẫn đồng thời triển khai chương trình Hội viên WIN tiết kiệm 20% các sản phẩm từ WinEco và MEATDeli và các chương trình khuyến mãi định kỳ nhằm kích cầu mua sắm cuối năm, bảo đảm cung ứng đa dạng hàng hóa chất lượng với giá hợp lý hơn.
Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết cũng như thực hiện đồng bộ và hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% đến 25%, tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023. Đồng thời, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.
Với thị trường TP Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ chiếm từ 25-43% nhu cầu thị trường, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 5.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10 nghìn tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản,... với chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng sẽ dành khoảng 9.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ngắn hạn 4-6%/năm để các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn thị trường tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, từ đó có thể giảm giá thành hàng hóa trong dịp Tết.
Với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tăng so với năm ngoái, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2024 rất dồi dào không chỉ về số lượng mà còn phong phú chủng loại, cho nên sẽ không có nhiều biến động.
Để tăng sức mua của người dân, Bộ Công thương đang phối hợp các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng trong dịp Tết, triển khai đồng bộ hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm đối với hàng hóa, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, đường cát, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm tươi sống,... tránh xảy ra hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá, tạo tâm lý ổn định cho người dân đón Tết vui tươi, đầm ấm.