Không buộc ga-rô khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

NDO -

NDĐT - Ngày 7-12, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã họp báo về Cách sơ cấp cứu và phòng ngừa bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Theo PG,TS Trần Quang Bính (ảnh), Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới của bệnh viện này, mỗi năm có hơn 30 nghìn người bị rắn cắn, trong đó Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng một nghìn ca/năm và tỷ lệ tử vong là 3%. Cũng tại bệnh viện, nếu như trong tháng 10-2014 có 90 ca bị rắn cắn phải nhập viện thì số lượng này đã tăng lên 492 ca vào đầu tháng 12, đa số là bị rắn lục cắn.

Không buộc ga-rô khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc mạnh. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau và vết cắn của loài rắn này thường gây chảy máu nhiều và sưng rất nhanh (ảnh). Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như: tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu dẫn đến tử vong.

Không buộc ga-rô khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn ảnh 1

Do vậy, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, cần sơ cứu bằng cách giữ cho nạn nhân nằm yên bất động (hạn chế nọc độc xâm nhập); tháo ngay các trang sức trên người (tránh bị chèn ép, gây sưng nề); không nên băng bó vết thương quá chặt bằng ga-rô vì dễ dẫn đến hoại tử; không đắp lá, hút nọc theo cách dân gian mà chỉ cố định vết thương, di chuyển đến bệnh viện sớm nhất để truyền huyết thanh kháng nọc

Theo PGS,TS Trần Quang Bính, Việt Nam cũng là một trong số bốn quốc gia đã sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục đuôi đỏ.