Theo Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của thành phố tăng 3,82%, từ mức giảm sâu ở quý III và quý IV/2021, đến quý I và quý II/2022 đã tăng trưởng dương 1,88% và 5,73%; thu ngân sách tăng 17,49 % so cùng kỳ…
Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, đa dạng khách hàng; hoạt động thương mại-dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch nhộn nhịp quay trở lại thành phố và nhiều hoạt động được tổ chức để kích cầu tiêu dùng; cải thiện thủ tục hành chính nhằm kêu gọi đầu tư…
Những tín hiệu trên cho thấy, kinh tế Thành phố phục hồi sớm hơn so kỳ vọng, đem lại tín hiệu lạc quan cho thời gian còn lại của năm 2022.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố có hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực.
Dù vậy, một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so dự kiến. Nguyên nhân là do còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kết quả triển khai thực hiện dù Thành phố đã nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân triển khai “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Chưa kể, hơn 4 năm qua, Thành phố không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương trên địa bàn, dẫn tới Thành phố chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc bởi thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Điều này dẫn đến Thành phố Hồ Chí Minh chưa có cơ sở để thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa.
Trước những khó khăn trên, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, qua đó tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển Thành phố trong giai đoạn tới.
Kỳ họp thứ 6 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 6 đến 8/7). Kỳ họp sẽ tập trung đánh giá, thảo luận, làm rõ báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; tập trung xem xét các tờ trình của Ủy ban nhân dân Thành phố với các nội dung quan trọng trong nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng…
Kỳ họp cũng sẽ nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ Kỳ họp thứ 4 đến trước Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân Thành phố khóa 10, nhất là đối với những vấn đề đang được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ chất vấn và nghe trả lời chất vấn đối với Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận 8 theo quy định (về Chương trình phát triển nhà ở Thành phố) và giám sát chuyên đề về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.