Khơi thông dòng chảy vốn FDI về Bình Phước

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, tỉnh Bình Phước gặp nhiều hạn chế về hoạt động đầu tư nước ngoài. Để khắc phục một số bất cập trong công tác quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư, Bình Phước tận dụng mọi lợi thế sẵn có, chủ động, linh hoạt trong điều hành nhằm xóa rào cản, khơi thông dòng chảy vốn FDI.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Đồng Xoài III, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài.
Khu công nghiệp Đồng Xoài III, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài.

Cùng doanh nghiệp vượt khó

Dù thu hút được nhiều dự án có nguồn vốn FDI đến Bình Phước đầu tư, nhưng kết quả này vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và dư địa của tỉnh. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã thay đổi chiến lược, chính sách trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Tuệ Hiền, ngoài các chính sách ưu đãi theo quy định Trung ương, Bình Phước còn có một số ưu đãi về tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu... để thu hút các nhà đầu tư.

Cụ thể, đối với tiền thuê đất ở ngoài khu công nghiệp, mức ưu đãi cao nhất là miễn toàn bộ, mức thấp nhất là miễn tối đa ba năm (tùy theo địa bàn và tùy theo ngành nghề đầu tư). Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu đầu tư một ngành nghề ở địa bàn ưu đãi thì mức cao nhất là miễn bốn năm, giảm 50% cho các năm tiếp theo, áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm. Mức ưu đãi thấp nhất là miễn thuế hai năm, giảm 50% cho bốn năm tiếp theo, áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 17% trong thời hạn 10 năm. Riêng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được miễn thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa đối với nguyên liệu, vật liệu, linh kiện để tạo tài sản cố định cho nhà đầu tư.

Theo đó, giai đoạn 2022-2024, Bình Phước đã hỗ trợ miễn, giảm cho 35 dự án với số tiền hơn 356 tỷ đồng tiền thuê đất; 134 doanh nghiệp được miễn, giảm hơn 125,8 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; 16 dự án được miễn thuế nhập khẩu hơn 96,5 tỷ đồng; miễn thuế xuất khẩu đối với nguyên vật liệu, vật tư loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu hơn 7.786 tỷ đồng… Nhờ những chính sách đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, hai năm gần đây, Bình Phước đã thu hút đươc 54 dự án với tổng vốn đầu tư 18.814 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư trong nước; thu hút 105 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,17 tỷ USD nguồn vốn FDI. Cũng trong thời gian này, Bình Phước có 3.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn hơn 40.600 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, tỉnh đã thu hút được 48 dự án FDI với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 824 triệu USD, tăng 32,4% về số dự án và gấp 5,3 lần về số vốn so với năm 2022, đạt 275% so với kế hoạch năm 2023. Bình Phước lần đầu có mặt trong nhóm các địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn trong nước, đứng thứ 13/63. Việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước không chỉ giúp tạo việc làm cho người lao động; tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh mà còn góp phần tạo mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng cho tỉnh trong ba năm qua. Cụ thể, năm 2022, tốc độ tăng trưởng 8,9%, năm 2023 tăng trưởng 11,8%, và ước cả năm 2024 tốc độ tăng trưởng đạt 8,7%.

Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, Bình Phước cũng đang nỗ lực trong việc cắt giảm thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu được rút ngắn chỉ còn bằng hai phần ba thời gian quy định của Chính phủ. Đồng thời tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, trong đó, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đang được triển khai. Đây là cơ sở, là tiền đề sớm đưa Bình Phước trở thành “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ vào năm 2030.

Khởi đầu vững chắc

Nhìn lại quá trình thu hút đầu tư của tỉnh, từ xuất phát điểm công nghiệp gần như bằng không, sau 27 năm thành lập, Bình Phước hiện có 15 khu công nghiệp với diện tích 6.061 ha và một Khu Kinh tế cửa khẩu

Hoa Lư với diện tích khoảng 28.000 ha và nhiều cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng; giao thông kết nối vùng, cảng biển thuận lợi. Theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đến năm 2030, tổng diện tích đất khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước là 18.105 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mặc dù các dự án có nguồn vốn FDI đầu tư vào Bình Phước còn hạn chế nhưng tỉnh cũng có những dự án có quy mô, tầm cỡ khu vực. Trong số đó phải kể đến dự án chế biến bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, quy mô 170.400 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 110 triệu USD của Công ty TNHH CPV FOOD tại Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước. Dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và Trung Đông. Đồng thời, góp phần tiêu thụ và nâng cao chất lượng, giá trị ngành chăn nuôi của tỉnh; hằng năm, giải quyết việc làm cho khoảng 3.200 lao động, nộp ngân sách khoảng 76 tỷ đồng. Lớn nhất là Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA (Việt Nam) của nhà đầu tư SHANDONG HAOHUA TIRE, thuộc Tập đoàn HAOHUA, với số vốn đầu tư 500 triệu USD, quy mô 14,4 triệu bộ lốp xe/năm. Hiện dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động, nộp ngân sách khoảng 200 tỷ đồng/ năm.

Ông Vương Khắc Cường, Chủ tịch Công ty TNHH SHANDONG HAOHUA TIRE cho biết: “Từ cuối năm 2022, chúng tôi đã khảo sát và tìm hiểu đầu tư tại một số quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Indonesia. Qua đánh giá rủi ro, phân tích môi trường và địa điểm đầu tư, chúng tôi đã quyết định lựa chọn Khu công nghiệp Minh Hưng-Sikico (tỉnh Bình Phước) là nơi dừng chân. Trước đó, chúng tôi cũng đã tìm hiểu và được biết, Bình Phước là trung tâm của cây cao-su Việt Nam, có ưu thế về nguồn lao động, chính quyền thân thiện, giải quyết thủ tục nhanh gọn, rất phù hợp các tiêu chí đầu tư của công ty. Đến nay, chỉ sau hơn một năm triển khai, công ty đã hoàn giai đoạn một và khánh thành vào ngày 14/12”.

Theo quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024, đến năm 2030 Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ.

Thời gian tới, tỉnh huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, các huyện Đồng Phú, Hớn Quản. Mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha. Toàn tỉnh phát triển 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.830 ha; hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà-phê, trái cây... Tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh với quy mô 25.864 ha.