Nông trường Sông Hậu (thành phố Cần Thơ) được thành lập ngày 20/4/1979 trên cơ sở Nông trường Quyết Thắng của quân đội bàn giao cho địa phương.
Hơn 40 năm qua, từ vùng hoang lầy, trên đất ngập phèn lung, đìa, bưng, trấp với diện tích gần 7.000 ha, nay đã trở thành Trung tâm Sản xuất nông nghiệp tập trung công nghệ cao, với 3.142 hộ dân và 14.061 nhân khẩu.
Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ Nông trường Sông Hậu Bùi Công Hiền cho biết, từ ngày thành lập đến năm 1995, hệ thống kênh mương nơi đây đã dần phát huy hiệu quả.
Sau năm 1995, toàn bộ nông trường không bị ảnh hưởng bởi lũ, nông dân trồng từ lúa một vụ lên hai vụ. Hơn 2.700 hộ nhận khoán canh tác, đời sống người dân nhờ thực hiện các mô hình kinh tế thích hợp cho nên ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh trồng lúa là chủ lực thì hiện nay việc phát triển nhiều cây ăn trái lâu năm đạt hiệu quả cao đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương.
Tháng 1/2004, huyện Cờ Đỏ thành lập xã Thới Hưng với 100% dân số là những hộ lao động nhận khoán đất của nông trường. Đến nay, Thới Hưng là xã thuần nông có diện tích đất nông nghiệp chiếm 90,22% tổng diện tích tự nhiên toàn xã, dựa vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội.
Với định hướng giai đoạn 2020-2030 tập trung vào thế mạnh phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn, Đảng bộ, chính quyền và người dân đã đưa Thới Hưng trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu thứ 2 của huyện Cờ Đỏ. Thới Hưng chọn xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội về “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”.
Hiện xã có diện tích vườn cây ăn trái là hơn 4.200 ha, chiếm hơn 65% tổng diện tích đất nông nghiệp với các loại cây chủ lực như: Xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan (Trung Quốc); mãng cầu xiêm; thanh nhãn, nhãn idor... cùng nhiều loại cây ăn trái khác.
Ông Nguyễn Ngọc Cường, ngụ Ấp 1, xã Thới Hưng cho biết: “Tôi đến đây cũng hơn 20 năm, trước đây gia đình cũng trồng lúa nhưng do giá lúa bấp bênh cho nên hơn chín năm nay chuyển sang trồng cây ăn trái; hiện tại tôi thấy trồng nhãn cho năng suất và giá cả ổn định hơn”.
Để phát huy lợi thế của Nông trường Sông Hậu, đầu năm 2024, Khu sinh thái Sông Hậu Farm được đưa vào hoạt động. Dự án được đầu tư cải tạo đào ao, trồng hơn 30 loại cây ăn trái bốn mùa và thả các loại cá; tạo cảnh quan, môi trường sinh thái để chim, cò về trú ngụ, xây dựng các khu vui chơi dưới nước, phục vụ sự kiện, ẩm thực…
Điểm đặc trưng của Khu sinh thái Sông Hậu Farm là dù diện tích lớn nhưng hạn chế tối đa xây dựng bê-tông, cốt thép, thay vào đó là tre, nứa, lá để gần gũi với thiên nhiên. Ngoài diện tích cây ăn trái, ruộng lúa bao quanh còn có khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm, tầm vông, chim, cò, cá đồng… phục vụ nhu cầu tìm nơi bình yên, gần gũi với thiên nhiên của du khách.
Về tỉnh Hậu Giang, có thể thấy Vùng đất Nông trường Mùa Xuân - Phụng Hiệp đang đứng trước những đổi thay mạnh mẽ bởi hướng đi, dự định hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái được Công ty cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân Hậu Giang và một số đối tác chuẩn bị triển khai.
Nông trường được thành lập năm 1976, sau đó chuyển thành Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân. Nơi đây hiện quản lý 1.239 ha đất, gồm 483,96 ha đất rừng, 276,47 ha đất trồng cây hằng năm, còn lại là đất giao thông, thủy lợi... trong đó có vườn chim rộng 130 ha với hơn 50 loài.
Thời gian qua, bên cạnh việc quản lý, khai thác quỹ đất rừng hợp lý, công ty còn đầu tư phát triển các dịch vụ khai thác du lịch sinh thái như: tháp quan sát vườn chim, khu dịch vụ xuồng bơi, xe đạp…
Công ty đang tập trung nghiên cứu và triển khai dự án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Ông Huỳnh Quốc Toàn, Quản lý Khu du lịch Mùa Xuân cho biết, thời gian tới nơi đây sẽ nâng cấp, cải tạo nhiều hạng mục để mang lại cho du khách những trải nghiệm tốt hơn.
Giờ đây một số nông trường miền tây đang định hướng đi hội nhập và phát triển kinh tế, đồng thời phát triển du lịch tạo chuyển biến mới, làm tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Việc kết hợp phát triển du lịch đã góp phần tích cực xây dựng, quảng bá, giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp về môi trường và văn hóa.
Từ những vùng đất trũng phèn, nhờ bàn tay và khối óc của biết bao con người, các nông trường năm xưa đã vươn lên trở thành vùng nguyên liệu lớn, tập trung, giúp người dân địa phương tiếp tục hăng say lao động sản xuất và làm giàu trên mảnh đất quê hương.