Khởi nghiệp với 186.000 đồng!

Bỏ làm ngư dân

"Như bao trai làng ở huyện đảo, tôi lớn lên cùng những chuyến ra khơi mò ốc, câu mực. Công việc cực khổ, nhiều rủi ro nhưng thu nhập không được bao nhiêu, khiến tôi suy nghĩ nhiều. Sẵn có máu buôn bán và chút chữ nghĩa, tôi đã quyết định bỏ biển lên bờ làm ăn", anh Trần Văn Hiến, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hải Hiến, bộc bạch.

Năm 1990, sau nhiều chuyến đi biển dành dụm được số vốn 186.000 đồng, ở tuổi 23, Hiến bắt đầu tập tành kinh doanh. Khởi đầu, anh mua hải sản của ngư dân ngoài đảo chở vào đất liền bán kiếm lời. Cũng nhờ quen biết (khi đó ở huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận, mọi người gần như biết mặt nhau) nên những lúc thiếu tiền anh có thể dễ dàng mua chịu hàng của bà con ngư dân. Chính điều này giúp anh vượt qua được những khó khăn ban đầu.

Nhận thấy tôm hùm và hải sâm được ưa chuộng tại các nhà hàng lớn ở Sài Gòn, anh tập trung vào hai loại hải sản này. Ở Phú Quý, đầu những năm 1990, gần như chỉ có mỗi mình anh kinh doanh mua bán tôm hùm và hải sâm. Trong những chuyến rong ruổi bán hàng ở Sài Gòn, anh đã bắt mối được với một số khách hàng là doanh nghiệp Hồng Công và Đài Loan. Nhờ đó, việc buôn bán của anh thuận buồm xuôi gió, lợi nhuận theo đó mà tăng dần lên.

Mải mê kiếm tiền, Hiến gần như không còn có khái niệm về thời gian. "Những chuyến hàng cứ liên tục, nhiều khi tôi phải thức suốt ba ngày ba đêm. Từ đảo đem hàng vào Phan Thiết là đi thẳng Sài Gòn; giao hàng xong chỉ kịp mua ổ bánh mì là phải ngồi xe về Phan Thiết để không trễ tàu đi Phú Quý", anh Hiến nhớ lại.

Gian khổ in dấu lên con người của Hiến: ốm, đen và già trước tuổi. Anh kể: "Ấy vậy mà hôm rồi ra lại đảo gặp một "mối" quen, chị ấy không nhận ra tôi; đến khi nhìn ra chị ấy cứ nói mãi "Hiến bây giờ trẻ hơn Hiến cách đây 12 năm!".

Phất nhờ con mực

Sau nhiều năm lăn lộn với tôm hùm và hải sâm, quen biết một số nhà nhập khẩu hải sản của Trung Quốc, Đài Loan... Hiến quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Hải Hiến. Doanh nghiệp ra đời chưa được bao lâu thì nguồn tôm hùm và hải sâm ngày một giảm. Thế là Hải Hiến phải chuyển dần hướng kinh doanh sang mua mực và cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngư dân.

Để mua mực có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, năm 1997, Hải Hiến gom góp tiền đầu tư tàu cấp đông (có ba kho lạnh có thể chứa 30 tấn hải sản) cùng ra khơi với ngư dân để có thể thu mua được mực tươi tại ngư trường. Đồng thời Hải Hiến cũng phải "gồng mình" đầu tư tàu dầu để ra ngư trường cung cấp xăng dầu cho ngư dân.

Vào thời đó, cách làm mới mẻ này của Hải Hiến đã được nhiều ngư dân chú ý. Giữ lời hứa mua hàng đúng hẹn, cung cấp dầu nhớt đúng ngày ngay tại ngư trường nên Hải Hiến đã tạo được lòng tin đối với ngư dân. Ngư dân chỉ lo đánh bắt hải sản mà không cần lo dầu nhớt cũng như khâu bảo quản vì "đã có Hải Hiến lo". Mực được tàu Hải Hiến mua và cấp đông ngay tại chỗ nên giữ được độ tuổi ngon và được nhiều nhà nhập khẩu biết đến. Các nhà nhập khẩu của Nhật, Đài Loan và EU cũng đã tìm đến Hải Hiến. Hiến cho biết, ngay sau khi ký được hợp đồng xuất khẩu dài hạn sang Nhật và Đài Loan, năm 1998 Hải Hiến đã đầu tư thêm tàu dầu và cấp đông để ra ngư trường hoạt động cùng ngư dân.

Hiện nay, ngoài hai tàu làm dịch vụ hậu cần, hai tàu cấp đông có công suất 60 tấn, Hải Hiến còn có nhà xưởng và nhiều kho lạnh ở ngoài đảo Phú Quý. Tại Phan Thiết, Hải Hiến cũng có kho lạnh để giao hàng. Hiện tại, có tháng Hải Hiến xuất đi Đài Loan, Nhật, Italy đến hơn 50 tấn mực các loại.

Theo ông Nobuyoshi Kan, đại diện Công ty Shakura Food, chất lượng mực của Hải Hiến rất tốt. "Tôi mua hàng của Hải Hiến vì doanh nghiệp này có một ông chủ lúc nào cũng nghĩ chất lượng là hàng đầu", ông nói.

Anh Hiến đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến hải sản "chừng 4 tỷ đồng" ở huyện đảo Phú Quý, đầu tư thêm tàu hậu cần và tàu cấp đông để tăng nguồn hàng; đồng thời anh cũng tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước để hợp tác. Mấy tháng nay anh thường xuyên lái chiếc Jolie rong ruổi ra Cửa Lò, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa... tìm đối tác để hợp tác đầu tư.

Trần Văn Hiến đã là ông chủ có trong tay bạc tỷ, nhưng anh nói "không bao giờ quên con số 186.000". Đó là số tiền mà anh có khi bắt đầu khởi nghiệp.