Kỹ sư Lương Văn Trường, Giám đốc hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, tuổi thơ gắn liền với cây lúa, thấu hiểu được vất vả của người nông dân, anh Trường luôn ấp ủ giấc mơ, tìm kiếm giải pháp giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nhân công và giảm giá thành trong việc canh tác. Năm 2007, anh bắt tay vào nghiên cứu. Thời điểm ban đầu, mọi thứ khá thuận lợi vì quy mô nhỏ (7 ha), tuy nhiên, khi quy mô lớn thì bắt đầu có phát sinh, rủi ro lớn nhất là thiên tai.
Bước ngoặt quan trọng là năm 2018, mưa liên tục trong 22 ngày, lúa xuống đến đâu chết đến đó, toàn bộ mùa vụ thất bại. Trong quá trình đó, anh nhận ra có những hạt giống để lâu nhưng nếu có điều kiện thuận lợi vẫn hồi sinh bình thường. Từ phát hiện đó, anh tiến hành nghiên cứu ra hạt giống nảy mầm sẵn. Giải pháp đó đã giúp nông dân không cần ngâm ủ hạt giống; hạt nảy mầm sau 30 phút; hạt khô, bền vật lý, dễ sử dụng cho các máy gieo công suất lớn; áp dụng được cho nhiều loại hạt giống khác nhau mà chi phí sản xuất lại thấp. Giải pháp đã đoạt giải ba cuộc thi “Sáng kiến khoa học” năm 2023. Hiện nay, giải pháp này đã được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Sơn La, Hải Dương...; thậm chí, đã có đơn vị quốc tế đàm phán chuyển giao công nghệ.
Tiến sĩ Trịnh Thị Hòa, đồng sáng lập Công ty Nhựa sinh học Buyo cho biết: Rác thải nhựa là vấn đề môi trường toàn cầu. Những năm gần đây, Việt Nam cũng là một trong những nơi phát thải nhựa nhiều nhất trên thế giới. Trước khi thành lập công ty vào tháng 9/2022, tiến sĩ Hòa cùng các cộng sự đã có nhiều nghiên cứu về sản phẩm thay thế nhựa. Việt Nam được biết đến là nơi giàu nguyên liệu hữu cơ và đội ngũ của công ty đã tận dụng nguyên liệu đó để tìm ra sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ, an toàn cho sức khỏe. Trong quá trình sản xuất, đơn vị ưu tiên về tuần hoàn nhiên liệu, tuyệt đối không xả rác thải ra ngoài, giúp bảo vệ môi trường và hướng tới phát thải bằng 0. Công nghệ này đã nhận được nhiều giải thưởng từ cộng đồng khoa học, sản phẩm được thị trường đón nhận và doanh nghiệp thu hút 800.000 USD của các nhà đầu tư quốc tế. Để mở rộng thị trường, doanh nghiệp chia sẻ, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích vật liệu mới thay thế nhựa, ưu tiên phát triển doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các sản phẩm khoa học, công nghệ như nêu trên đã giúp nhiều doanh nghiệp thành công trong kinh doanh. Tuy nhiên, đối với những nhà khoa học cần nghiên cứu trong đơn vị công lập, vấn đề này đang là bài toán cần lời giải. Theo đó, sau khi hoàn thành và nghiệm thu, đề tài bị dừng lại do nhà khoa học cần phải bàn giao cho cơ quan quản lý.
Trong khi đó, ở một số nước trên thế giới, đề tài nghiên cứu sau khi hoàn thành, nhà khoa học được phát triển kinh doanh; tức là khi nghiên cứu thành công, họ có cơ chế thuận lợi để thành lập doanh nghiệp và bán sản phẩm. Với cơ chế này, các bằng sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học có cơ hội phát triển thành các sản phẩm thương mại một cách nhanh chóng. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, tiến sĩ Mai Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Chúng ta chứng kiến sự dịch chuyển của nền khoa học, công nghệ nước nhà gần đây, có sự tích lũy nghiên cứu từ cơ bản và sau đó được ứng dụng; tuy nhiên, rất khó để chuyển giao một sáng chế cho bên liên quan do định giá tài sản công phức tạp. Một trong những khó khăn trong quá trình thương mại hóa sản phẩm là quy trình, thường mất nhiều năm để đưa ra được thị trường.
Để thực hiện thương mại hóa, các nhà khoa học cần chứng minh đội ngũ đi cùng mình đủ năng lực để các nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành. Các nhà khoa học cũng cần xác định những giải pháp hữu ích có tính mới. Các giải pháp này cần đưa ra sản phẩm có thể thương mại hóa được và cũng cần đáp ứng được nhu cầu của xã hội hoặc cải tiến khâu nào đó trong sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư.
Chia sẻ về quá trình đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm ra thị trường, Phó Giáo sư, tiến sĩ Mai Anh Tuấn cho biết thêm, những ý tưởng được hình thành tại giảng đường tới khi thực hiện và cho ra sản phẩm sẽ gặp nhiều gian truân, nhất là ở khâu thủ tục. Trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều cố gắng để gỡ rối vấn đề này như việc thông qua các quỹ để đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là bước đột phá giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Về phía các nhà khoa học, kỹ sư Lương Văn Trường chia sẻ thêm về những thuận lợi và khó khăn mà các nhà khoa học thường xuyên gặp phải trong quá trình khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu. Kỹ sư Trường cho rằng, một nhà
nghiên cứu có thể nghiên cứu ra một sản phẩm nhưng thương mại hóa được sản phẩm lại là câu chuyện khác. Kinh doanh không phải chỉ có sản phẩm mà cần nhiều yếu tố khác nữa như marketing, quản trị, nhân sự… Vì vậy, bên cạnh thuận lợi là hiểu rõ về sản phẩm, thì để khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu, nhà khoa học cần tìm hiểu rất nhiều yếu tố khác ■