Dự lễ có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành. Về phía Hoa Kỳ có Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ; ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Theo Bộ Quốc phòng, sân bay Biên Hòa là nơi bị ô nhiễm dioxin nặng nề nhất Việt Nam. Khu vực này có hơn 52 ha với hơn 500 nghìn m3 đất, đá bị nhiễm chất độc da cam cần phải xử lý, tẩy độc. Dự án xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa có tổng kinh phí hơn 390 triệu USD, được thực hiện trong khoảng 10 năm. Trong đó, giai đoạn 1 với kinh phí 183 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại do Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm và vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp môi trường. Dự án được xem là sự tiếp nối thành công của dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Đây cũng chính là sự kiện đánh dấu một mốc quan trọng, nhằm hiện thực hóa nội dung Tuyên bố chung của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo USAID, năm 2016, cơ quan này hợp tác với các ngành chức năng của Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa. Đây là khu vực có khối lượng đất và trầm tích bị ô nhiễm dioxin cao gấp khoảng bốn lần so với khối lượng đã xử lý tại Sân bay Đà Nẵng. Sau đó, USAID ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam cam kết tài trợ kinh phí thực hiện xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực Sân bay Biên Hòa, bằng các phương pháp xử lý và cô lập như được sử dụng tại Sân bay Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao đổi với Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình cho rằng, chiến tranh ở Việt Nam kết thúc đã lâu nhưng hậu quả chất độc hóa học vẫn còn ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe con người và môi trường. Việt Nam hiện có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, gây ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ ba. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam – Hòa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ thực hiện nhiều hoạt động như: nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá môi trường bị ô nhiễm dioxin; thực hiện các dự án hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Việt Nam.
Đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá, do diện tích ô nhiễm dioxin ở Việt Nam rất lớn, nguồn kinh phí và công nghệ hạn chế nên việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với phía Hoa Kỳ tổ chức thực hiện thành công Dự án, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Đặc biệt, việc xử lý phải triệt để theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam, bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người.
Khu vực bị ô nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân Hoa Kỳ, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đã dành hàng chục năm vận động, nỗ lực phối hợp với các bên để triển khai dự án. Đồng thời mong muốn, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy tiếp tục ủng hộ và vận động Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân Hoa Kỳ tăng cường hợp tác thực hiện nhiều dự án hơn nữa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhiều người dân Việt Nam, vì lợi ích chung của hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.