Thông tin được PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đưa ra tại Hội nghị “Ứng dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm” diễn ra chiều 6-11, tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, viêm gan B mạn có thể dẫn tới khoảng 1/3 các trường hợp xơ gan và hơn 3/4 các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan trên thế giới. Ung thư gan nguyên phát là nguyên nhân thứ ba gây tử vong trên thế giới do ung thư và ung thư biểu mô tế bào gan chiếm 85-90% trong số những ca ung thư gan này.
Các yếu tố nguy cơ đối với ung thư biểu mô tế bào gan bao gồm: nhiễm virus viêm gan B hoặc virus viêm gan C (HCV) mạn, tuổi già, giới nam, nghiện rượu, đái tháo đường, bệnh gan nhiễm mỡ... Trong số các nguyên nhân đó, nhiễm virus viêm gan B mạn là một yếu tố gây ung thư biểu mô tế bào gan chủ yếu trên thế giới.
Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của bệnh viêm gan B, phát sinh đột xuất và thời gian lâm bệnh ngắn, phần lớn người bệnh được phục hồi sau khoảng một đến hai tháng. Tuy nhiên, có trường hợp kéo dài hằng tháng, thậm chí hằng năm hoặc tiến triển thành bệnh viêm gan B mãn tính, suy gan… Đặc biệt, chỉ có khoảng 40% bệnh nhân có các triệu chứng như: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, có khi nôn - sốt - cảm, đau nhức tứ chi và thấy khó chịu ở vùng hạ sườn bên phải, có thể xuất hiện vàng da, vàng mắt….
Nhiều người nhiễm virus viêm gan B được xem như là “khỏe mạnh” hay người lành mang mầm bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài, tùy theo thể trạng các virus này có thể nhân lên và bắt đầu làm tổn thương gan và có thể gây suy gan, xơ gan.
Trong phần trình bày, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật cho biết, từ tháng 1-2014 đến 5-2015, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã nghiên cứu 204 mẫu huyết tương từ các bệnh nhân viêm gan mạn được khám và điều trị, gồm 106 nam và 98 nữ, tuổi từ 18 đến 64. Mục tiêu của nghiên cứu này là để đánh giá tỷ lệ “người mang HBV không hoạt động thật” trong số những bệnh nhân viêm gan B mạn được xem là “mang HBV không hoạt động”. Từ kết quả thu được, kết luận của các tác giả thể hiện rằng: nếu không đánh giá đúng trạng thái người mang virus không hoạt động “thật” trong số những người viêm gan B mạn chưa điều trị hoặc đã điều trị được xem là mang HBV không hoạt động mà không có biện pháp can thiệp thì có nguy cơ tái phát, xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan sẽ còn cao.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật khuyến cáo, để phát hiện sớm và chính xác viêm gan B cấp tính, người nhiễm virus viêm gan B cần phải kiểm tra định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần và làm các xét nghiệm cần thiết ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ để đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virus.
Tại Hội nghị, các bác sĩ cũng đã mang đến các phương pháp chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm qua các bài báo cáo: “Sốt xuất huyết - Phòng và điều trị trong tình hình hiện nay” (TS.BS Nguyễn Văn Dũng - Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai); “Giới thiệu chẩn đoán và điều trị sán não” (TS.BS Hồ Sỹ Triều - Trưởng khoa điều trị - Viện Sốt rét và Ký sinh trùng T.Ư trình bày); “Xét nghiệm huyết thanh trong chẩn đoán giang mai và Epstein-Barr virus” (ThS. BS Trần Hồng Anh - Quản lý Y khoa của Abbott tại Việt Nam).