Vị giám đốc đam mê nghiên cứu khoa học
Ý tưởng xây dựng thung lũng Dambri trở thành một trung tâm tập hợp các nhà khoa học Việt Nam giàu tâm huyết để cùng thực hiện các công trình nghiên cứu có giá trị và ý nghĩa thực tiễn cao được hình thành từ vị giám đốc rất đam mê nghiên cứu khoa học của Công ty Điện tử Petech (TP Hồ Chí Minh): Phan Trí Dũng.
Anh vốn là con trai của nhà nghiên cứu Phan Tất Hoa (1936 - 1996), người đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của công nghệ điện tử Việt Nam với các công trình như thiết kế, chế tạo chiếc máy tính điện tử đầu tiên của Việt Nam mang tên MCB Hoa Sen 1 (nguyên lý hoạt động tương tự như máy chấm bài thi trắc nghiệm IBM của Mỹ) vào năm 1985; khởi xướng và chủ trì chế tạo chiếc máy phát hình mầu đầu tiên của Việt Nam mang tên HQD Colour Television Transmitter vào năm 1988; tác giả của hàng chục đầu sách và hàng nghìn bài báo về kỹ thuật điện tử ứng dụng...
Công ty Điện tử Petech là tên viết tắt của "Phan Tất Hoa Electronics Technology" và anh Phan Trí Dũng, người kế nghiệp cha mình đã tiếp tục phát triển Petech, cho ra đời nhiều sản phẩm điện tử, viễn thông, tự động hóa "made in Vietnam" rất được chú ý trong các lĩnh vực truyền thanh, phát thanh, truyền hình, truyền dẫn cáp quang, truyền dẫn viba, robot...
Là giám đốc một công ty kinh doanh nhưng thương hiệu Petech và cái tên Phan Trí Dũng lại được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Người ta vẫn nhớ đến "sự kiện" ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) vào năm 1989: khi ấy người dân dẫu có ti vi mầu vẫn phải xem hình trắng đen vì Việt Nam chưa có máy phát hình mầu. Rồi chiếc máy phát hình mầu được nghiên cứu suốt mấy tháng trời ròng rã của Phan Trí Dũng đã lần đầu tiên đưa những thước phim mầu phát sóng đến ti vi của nhiều người dân trong thành phố...
Và dự án về một khu "Du lịch sinh thái - Khoa học công nghệ"
Ý tưởng đưa Dambri dần trở thành một thung lũng hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học cả trong và ngoài nước được hình thành từ cách đây hai năm trong một dịp Dũng tình cờ ghé qua Dambri. Thung lũng Dambri rộng hơn 300 ha, xanh tươi, khí hậu mát mẻ quanh năm nhưng vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, vẫn còn rất nhiều khoảng xanh, đất trống bỏ không.
Một kế hoạch hợp tác giữa Petech với Tổng công ty Du lịch Dambri đã hình thành để phát triển thung lũng thành một nơi không chỉ mang về lợi ích kinh tế từ tiềm năng du lịch, mà sẽ còn được biết đến như một nơi để các nhà khoa học dù hàn lâm hay "chân đất", dù đã là bậc lão thành hay những sinh viên, thanh niên đam mê nghiên cứu khoa học đều có thể tìm đến để thực hiện những đề tài khoa học, kỹ thuật mà mình ấp ủ.
Sẽ có một "thung lũng Silicon" của Việt Nam?
Giai đoạn 1 của dự án hiện đã được triển khai với những hạng mục đầu tiên là xây dựng cơ sở hạ tầng như lối đi nội bộ, cải tạo và trang trí cảnh quan khu trung tâm, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống điện; xây dựng đài thiên văn; phòng thí nghiệm điện tử, viễn thông, truyền hình cáp, phòng thí nghiệm tự động hóa, sinh học.
Dự kiến các hạng mục này sẽ chính thức hoàn thành và các phòng thí nghiệm sẽ đi vào hoạt động từ tháng 6-2005.
Đã có gần 200 nhà khoa học, GS-TS cả trong và ngoài nước nhận lời cộng tác làm việc khi Trung tâm Nghiên cứu khoa học thung lũng Dambri chính thức đi vào hoạt động, trong đó có nhiều vị tên tuổi như PGS,TS Nguyễn Thiện Tống (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh), PGS,TS Nguyễn Mộng Hùng (Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ tự động hóa TP Hồ Chí Minh), GS,VS Trần Đức Ba, GS,TS Nguyễn Quang Riệu (Đài Thiên văn-Pháp), TS Dương Tấn Nhật (Phân viện Sinh học Đà Lạt)...
Phan Trí Dũng tự tin: "Thung lũng Dambri được xây dựng và phát triển theo mô hình của thung lũng khoa học nổi tiếng Silicon, là nơi tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng, ý tưởng, trí tuệ và niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Chúng tôi sẽ luôn đón nhận những nhà khoa học có tâm huyết, có năng lực và cả những bạn trẻ yêu thích khoa học có tài năng...".
Theo dự trù, khi đi vào hoạt động, mỗi năm bình quân thung lũng Dambri sẽ cho ra đời khoảng 100 sản phẩm mới, 100 sáng chế, 1.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và từ 6 đến 10 phát minh; đào tạo từ 60 đến 300 nhà khoa học trẻ có trình độ ngang tầm châu Á và thế giới; tổ chức 12 lần/năm các hội thảo, hội nghị khoa học. Doanh thu đạt được từ hoạt động của thung lũng Dambri theo từng giai đoạn phát triển sẽ từ 1 - 500 triệu USD/năm.
Những con số này liệu có thể trở thành hiện thực? Con người đang xây dựng ước mơ lớn nhất và tâm huyết nhất của đời mình - biến Dambri trở thành một thung lũng Silicon của Việt Nam bộc bạch: "Tôi không chỉ là người nghiên cứu khoa học mà còn là một nhà kinh doanh nên không "vẽ" ra những kế hoạch quá viển vông, không có tính khả thi và không mang lại hiệu quả. Tôi luôn mong nhận được sự hỗ trợ và cộng tác của những người đồng ý tưởng để cùng tạo dựng, phát triển thành công một thung lũng Silicon của Việt Nam!".
Dự án 10 năm phát triển thung lũng Dambri thành Khu du lịch sinh thái - khoa học công nghệ" (với chủ đầu tư là Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mới PTH TP Hồ Chí Minh và Công ty Petech) dự định tiến hành theo bốn giai đoạn.
Giai đoạn 1 (năm 2003 đến 2006) dự kiến sẽ đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng sáu phòng thí nghiệm về chế tạo robot, thiên văn học, thiết bị bảo vệ rừng, thiết bị làm sạch môi trường, thực nghiệm kỹ thuật hàng không. Các phòng thí nghiệm không chỉ đơn thuần làm công tác nghiên cứu như ở các trường đại học mà sẽ thực hiện khép kín các công việc: nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm, sản xuất và đào tạo kỹ thuật chuyên ngành.
Giai đoạn 2 (từ năm 2006 đến 2010, với kinh phí đầu tư khoảng 80 tỷ đồng), sẽ đưa thêm 24 phòng thí nghiệm vào hoạt động với các ngành mới như Công nghệ sinh học, Thiết bị y tế, Hóa học ứng dụng, Chế tạo vật liệu bán dẫn, Thiết bị cung cấp năng lượng sạch...
Giai đoạn 3 (từ năm 2010 đến 2014) đưa thêm 30 phòng thí nghiệm vào hoạt động.
Giai đoạn 4 (từ năm 2014 trở đi), các phòng thí nghiệm đạt hiệu quả cao về nghiên cứu khoa học sẽ xin được chuyển thành viện nghiên cứu; các phòng thí nghiệm hướng về đào tạo, chuyển giao công nghệ sẽ được chuyển thành trường đại học, các phòng thí nghiệm có đội ngũ kỹ thuật sản xuất tốt sẽ chuyển thành các nhà máy sản xuất khoa học công nghệ cao...