Rạng sáng 28-7, mưa sao băng và nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ cùng xuất hiện

NDO -

NDĐT - Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, mưa sao băng và nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ sẽ cùng diễn ra vào rạng sáng 28-7. Trên thế giới, hầu hết châu Phi, phần lớn châu Á và châu Âu quan sát thuận lợi, khu vực lân cận khác theo dõi một phần hiện tượng.

Nguyệt thực được quan sát tại TP Hồ Chí Minh ngày 31-1-2018. Ảnh: VACA.
Nguyệt thực được quan sát tại TP Hồ Chí Minh ngày 31-1-2018. Ảnh: VACA.

Nguyệt thực sẽ kéo dài hơn 5 tiếng, từ 00 giờ 14 phút đến 6 giờ 28 phút, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2 giờ 30 phút đến 4 giờ 13 phút. “Do kéo dài 103 phút nên lần này là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21”, ông Sơn nói. Sau lần này, những người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ phải đợi tới năm 2021-2022 để được chứng kiến hiện tượng tương tự nhưng không thể lâu bằng.

Ông Sơn giải thích, sự chênh lệch về độ dài của nguyệt thực là do bóng của trái đất khá lớn. Nếu mặt trăng đi qua gần khu trung tâm của vùng bóng tối (umbra) nghĩa là mặt trăng sẽ mất nhiều thời gian để đi qua đó. Nó sẽ ở sau bóng của trái đất lâu hơn nên nguyệt thực toàn phần kéo dài. Còn nếu mặt trăng chỉ đi qua rìa của umbra thì nguyệt thực sẽ ngắn.

Cùng với nguyệt thực, ông Sơn cho biết mưa sao băng Delta Aquarids với cực điểm vào ngày 28 và 29-7 sẽ là một hiện tượng thú vị. Một số sao băng đầu tiên của Perseids, mưa sao băng lớn nhất hàng năm, cũng sẽ xuất hiện.

Ông Sơn cho biết, mọi vùng miền Việt Nam đều có thể quan sát. Tuy nhiên, vấn đề cản trở lớn nhất hiện nay là thời tiết. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng có mưa vừa đến mưa to trong đêm 27 và ngày 28. Thời tiết âm u ở các khu vực này sẽ gây cản trở người dân chứng kiến nguyệt thực.

Còn các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở vào đến khu vực Nam Bộ, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ có điều kiện ít mây và không mưa, thời tiết mát mẻ với nhiệt độ dao động từ 25-28 độ C thì có thể xem được nguyệt thực. Đến thời điểm này, nhiều bạn trẻ yêu thiên văn đã chuẩn bị chờ đón thời khắc thiên nhiên kỳ thú này.

Những người yêu thích thiên văn cũng có thể chứng kiến hiện tượng kỳ thú này bằng cách theo dõi trực tiếp trên kênh Youtube của NASA. NASA sẽ tường thuật trực tiếp hiện tượng này từ 1 giờ 15 phút đến khoảng 5 giờ 15 phút ngày 28-7.