Ô nhiễm không khí Hà Nội

Lượng khí thải đang gia tăng

Những kết quả quan trắc đáng tin cậy nhất thời gian gần đây tại trạm khí tượng Láng (Hà Nội) do Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Đồng bằng Bắc Bộ thực hiện cho thấy, trung bình trong một mét khối không khí ở Hà Nội có: 80 µg (mi-crô gram) bụi khí PM10, vượt tiêu chuẩn quy định 50 µg/m3; bụi khí SO2 cũng vượt tiêu chuẩn châu Âu 20 µg/m3; nồng độ bụi lơ lửng cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2,5 lần.

Nếu nhìn từ nguồn khí thải do hoạt động của các gia đình thì vùng môi trường trung tâm ở các khu phố cũ và phố cổ có mật độ phát ra chất thải cao nhất so với các vùng dân cư khác của thành phố.

Một nguồn phát sinh và thải lượng ô nhiễm không khí là từ 14 khu công nghiệp, đặc biệt là với lượng bụi và khí SO2. Tuy đã có những biện pháp xử lý ô nhiễm, nhưng qua điều tra vẫn thấy khí thải công nghiệp xuất hiện nhiều hơn ở các khu công nghiệp mới: Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Sài Đồng B, Đông Anh và Sóc Sơn.

Một nguồn gây ô nhiễm trầm trọng khác là khí thải từ giao thông, trong đó 200.000 ô-tô và 1,9 triệu xe máy đã trở thành nguồn chủ yếu sinh ra ô-xít ni-tơ, khí CmHn, SO2 và bụi.

Ông Phạm Tùng Lâm, cán bộ Chương trình không khí sạch Việt Nam- Thụy Sĩ cho biết, các cuộc điều tra tại năm khu vực tiêu biểu của thành phố đã cho thấy phần nào mức độ ô nhiễm. Khu vực chợ Đồng Xuân và khu tập thể Kim Liên là ô nhiễm do dịch vụ thương mại và ô nhiễm sinh hoạt. Khu công nghiệp Thượng Đình và đường Pháp Vân ô nhiễm khí công nghiệp và giao thông.

Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt, hiện cũng đang tham gia dự án Chương trình không khí sạch Việt Nam- Thụy Sĩ (SVCAP), mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng có sự thay đổi theo thời tiết, về mùa đông cao hơn mùa hè, cao nhất là vào tháng mười hai và tháng một.

Trong mùa đông, dưới tác dụng của khí áp cao và xoáy nghịch không khí bị tù hãm, thường xảy ra “nghịch nhiệt”, chất ô nhiễm khó phát tán lên cao và ra xa. Về mùa hè, mặt đất bị đốt nóng, không khí cùng chất ô nhiễm có khả năng phát tán lên cao và được rửa trôi theo mưa. Khi các chất ô nhiễm phát ra cứ tích tụ lại trong phạm vi 150 m đến 200 m gần sát mặt đất thì hàm lượng của chúng tăng lên.

Hiện tượng này thường xảy ra lúc tan tầm giao thông và các lò đun nấu bắt đầu hoạt động, khiến ô nhiễm tăng cao. Thêm vào đó là bụi bặm do xe ô-tô, xe máy tốc lên từ mặt đường đầy đất cát và khí thải tập trung do tắc nghẽn giao thông ở các tuyến đường có mật độ lưu thông cao.

Hằng năm từ cuối tháng chín đến đầu tháng giêng, Hà Nội có khoảng 40 ngày xảy ra “nghịch nhiệt” về ban đêm khiến cho hầu hết các chất ô nhiễm không khí tăng và kéo dài trong nhiều ngày liên tục gây tác hại cộng năng đến sức khoẻ, nhất là những người có tuổi.

Nguy cơ cao về các bệnh do ô nhiễm không khí

Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng sức khỏe người dân ngày càng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường. Những người có thời gian sống tại thành phố hơn mười năm có tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính về tai, mũi, họng, cảm cúm cao hơn những người sống dưới ba năm.  

Tại một số khu vực, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ hộ mắc bệnh chiếm 72,6 % và 43 % người mắc bệnh mạn tính về tai, mũi họng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, các bệnh ngoài da và bệnh về mắt.

Quận Hoàng Mai có tỷ lệ mắc các chứng tắc mũi, chảy nước mũi, viêm họng cao nhất, thấp nhất là quận Hoàn Kiếm. Trong khi đó quận Đống Đa mắc tỷ lệ cao nhất là các bệnh về da liễu và mắt, tiếp đến là các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. 

Theo các nghiên cứu về thực trạng các bệnh tật của nhân dân nội thành Hà Nội liên quan đến ô nhiễm không khí thì những người dân tỏ ra ít thông tin về những tác hại của biến đổi môi trường. Điều này có thể do việc giáo dục truyền thông tại nơi làm việc và nơi sinh sống của cộng đồng chưa thật hiệu quả.

Hướng cải thiện chất lượng không khí

Theo ông Đặng Dương Bình, Trưởng phòng quản lý môi trường- khí tượng và thủy văn của Sở Tài nguyên- Môi trường và Nhà đất Hà Nội, để tìm ra hướng giải pháp quản lý, cải thiện chất lượng không khí thì điều cần thiết là phải cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị của thành phố. Trong đó ưu tiên phát triển giao thông công cộng, tăng tỷ trọng phương tiện giao thông công cộng từ 6 % lên 30% với nhiều loại hình: xe buýt, tàu điện trên cao, đồng thời tìm cách tăng tính hấp dẫn, tiện lợi như sử dụng vé từ, xây dựng lộ trình hợp lý.

Vấn đề cần quan tâm tiếp theo là giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng tham gia giao thông; giáo dục lái xe “thân thiện” môi trường, quản lý và dùng phương tiện cá nhân hợp lý, sử dụng nhiên liệu chất đốt phù hợp trong sinh hoạt để giảm bớt khí thải.

Hà Nội đang hướng tới bố trí quy hoạch phát triển công nghiệp theo quy hoạch môi trường, không đầu tư mở rộng các khu công nghiệp cũ nằm xen trong khu dân cư mà đầu tư về chiều sâu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, từng bước di chuyển các cơ sở sản xuất trong nội thành ra các khu công nghiệp.

Đối với khu công nghiệp mới, cho đầu tư xây dựng những ngành sản xuất sạch hoặc ít phát sinh chất thải, bắt buộc thực hiện nghiêm những quy định của Luật bảo vệ môi trường; khuyến khích áp dụng công nghệ thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; tăng cường vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp với công tác bảo vệ môi trường.

Thành phố nên có hướng đầu tư cải tạo các vườn hoa, khu cây xanh và hệ thống giao thông đô thị, nhất là các nút giao thông, xây dựng đường vành đai Hà Nội. Đồng thời cải thiện chất lượng phương tiện vận chuyển thông qua kiểm soát và siết chặt tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện ô tô và xe máy; đưa ra lộ trình thực hiện được cộng đồng chấp thuận. Tuy nhiên dịch vụ cải thiện khí thải bằng giải pháp công nghệ của thành phố hiện còn hạn chế trong cải tạo thiết bị và chất lượng nhiên liệu bởi điều kiện kinh tế còn thấp, nhiên liệu vẫn phải nhập khẩu. 

Tại hội thảo khoa học gần đây của Chương trình không khí sạch Việt Nam- Thụỵ Sĩ (SVCAP) nhằm hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm bằng cách xác định và thực hiện một hệ thống quản lý chất lượng không khí tổng thể tại Hà Nội, các nhà khoa học cũng đưa ra những khuyến nghị y tế, đề cập áp dụng mô hình theo dõi sức khỏe cùng với quan trắc môi trường.

Theo đó, chính quyền thành phố nên chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để giảm thiểu tác động xấu của ô nhiễm không khí đến sức khỏe nhân dân, có biện pháp dự phòng, điều trị cụ thể ngăn ngừa  hiệu quả các bệnh liên quan; tăng cường tuyên truyền giáo dục về tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe. Đối với cộng đồng dân cư, nên có sự cam kết và xây dựng thành các tiêu chí quan trọng về bảo vệ môi trường để đánh giá, công nhận “Làng văn hoá sức khoẻ” hoặc “Khu phố văn hoá sức khoẻ”.

Quản lý chất lượng không khí là một chương trình liên tục, lâu dài, liên quan tới cộng đồng và phải áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp về truyền thông, cơ chế chính sách, cải tiến công nghệ, quy hoạch. Vấn đề này đòi hỏi phải huy động toàn bộ cộng đồng tham gia và phải được xem xét một cách hài hoà, gắn kết với quá trình phát triển kinh tế- xã hội.