Sự ra đời của công trình này đánh dấu một chặng đường mới trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt: các hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt được nghiên cứu xuất phát từ chính đặc điểm của tiếng Việt, trên cơ sở vận dụng có chọn lọc lý thuyết ngôn ngữ học đại cương vào nghiên cứu tiếng Việt chứ không áp dụng máy móc, sử dụng "nguyên xi" những hiện tượng ngữ pháp của các ngôn ngữ Ấn - Âu vào tiếng Việt, như một số công trình ngữ pháp trước đó đã làm.
Cuốn sách có nội dung phong phú, bao gồm phần nghiên cứu về từ pháp và cú pháp. Lần đầu hệ thống từ loại tiếng Việt được khảo sát tỉ mỉ, phân chia cụ thể và miêu tả đầy đủ những đặc trưng cơ bản của từng từ loại.
Một số hiện tượng đặc biệt của từ loại tiếng Việt như hiện tượng chuyển từ loại đã được nghiên cứu sâu và có hệ thống cơ sở lý luận vững chắc. Câu trong tiếng Việt cũng được phân loại đầy đủ, dựa trên những tiêu chuẩn phân định có sức thuyết phục. Từng kiểu loại câu được miêu tả, phân tích kỹ đặc điểm cấu tạo, chức năng, vai trò của các thành phần câu cụ thể.
Ðiều đặc biệt cần ghi nhận ở công trình là tất cả những đặc điểm của hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt được đề cập đều được minh họa bằng nhiều thí dụ, dẫn chứng rút ra trong nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật mà tác giả đã dày công thu thập và phân loại. Ðiều đó càng bảo đảm cho chất lượng khoa học cao của công trình này.
Công trình đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin phong phú với những nhận xét, đánh giá chính xác bản chất các hiện tượng ngữ pháp tiếng Việt. Với tầm hiểu biết sâu rộng, tác giả đã vận dụng rất nhuần nhuyễn lý luận ngôn ngữ học vào việc nghiên cứu và khám phá những đặc thù của từ ngữ tiếng Việt, đã có những phát hiện rất mới về cách tư duy, định hướng trong không gian của người Việt và sự thể hiện có trong các phạm trù ngữ pháp, các hiện tượng ngữ pháp.
Ngay sau khi công bố, công trình đã trở thành tài liệu tham khảo có giá trị của những người học tập, nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước. Công trình là tài liệu quý "sách gối đầu giường" của sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ nghiên cứu ở các trường đại học và các viện nghiên cứu trong cả nước. Công trình này được trích dẫn rất nhiều trong các bài báo, luận văn, luận án chuyên khảo liên quan những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt đã được công bố ở trong nước và ngoài nước.
Hội đồng Giải thưởng quốc gia đánh giá: Công trình của phó giáo sư Nguyễn Kim Thản là chuyên khảo đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách cơ bản hệ thống và toàn diện về các vấn đề của ngữ pháp tiếng Việt trên một cơ sở lý thuyết chắc chắn và tư liệu tiếng Việt phong phú. Công trình có giá trị khoa học cao và có những đóng góp xuất sắc, đánh dấu một chặng đường phát triển ngành ngữ pháp học nói riêng và ngôn ngữ học nói chung ở Việt Nam.