Báo cáo từ Sở KH-CN Bắc Giang cho thấy, năm 2015 đã triển khai chín dự án KH-CN cấp nhà nước; 12 đề tài, dự án KH-CN cấp tỉnh; 37 đề tài, dự án KH-CN cấp cơ sở. Tất cả đều thực hiện theo mô hình lấy từ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách T.Ư, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH-CN tỉnh và kinh phí từ nguồn khác. Các dự án đem lại hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: chè Yên Thế, cây lâm nghiệp Yên Thế; gạo thơm Yên Dũng, vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP Yên Dũng, vùng dược liệu ngưu tất, hà thủ ô, ba kích Tân Yên, Hiệp Hòa, Sơn Động, Lục Nam...
Các đề tài, dự án sau khi được nghiệm thu đều được ứng dụng tại cơ quan chủ trì, địa bàn triển khai thực hiện và được nhân rộng ở một số địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở KH-CN Bắc Giang đã tăng cường công tác quản lý công nghệ trên địa bàn tỉnh, thẩm tra, đánh giá các công nghệ đang được ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp KH-CN tại địa phương; phối hợp Thanh tra Cục An toàn bức xạ hạt nhân thanh tra bốn đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ; xuất bản 200 cuốn Đăng bạ nhãn hiệu hàng hóa tỉnh Bắc Giang giai đoạn 1989-2014; hướng dẫn các huyện, thành đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông nghiệp của địa phương...
Qua đó, đã đăng ký bảo hỗ nhãn hiệu tập thể: mì gạo Châu Sơn, lợn sạch (Tân Yên), bún, bánh Đa Mai, đồ mộc Bãi Ổi (thành phố Bắc Giang), tương Trí Yên (Yên Dũng). Hướng dẫn 20 cơ sở hoàn thiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và nộp đăng ký tại Cục SHTT. Trình Chủ tịch UBND tỉnh đăng ký “vải thiều Lục Ngạn” tại bốn quốc gia Mỹ, Australia, Singapore, Malaysia...
Mặc dù có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo Giám đốc Sở KH-CN Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong hoạt động. Đó là công tác quản lý nhà nước về KH-CN vẫn chưa đồng đều tại các địa phương, các ngành; tổ chức bộ máy quản lý KH-CN cấp huyện còn bất cập, chưa thành lập nhiều doanh nghiệp KH-CN; thị trường KH-CN phát triển chậm, chưa phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Công tác tham mưu về nhiệm vụ KH-CN chưa có tính đột phá về quy mô vùng, bảo đảm sự đồng bộ giữa quy hoạch ngành, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Các nhiệm vụ KH-CN còn hạn chế về tính liên vùng, liên ngành, chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài. Nhiệm vụ KH-CN chưa có tác động lan tỏa nhiều để làm điều kiện cho việc nhân rộng kết quả. Tiềm lực KH-CN, cơ sở vật chất trang thiết bị nghiên cứu - ứng dụng KH-CN còn thiếu và yếu, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm định cân kỹ thuật, điện não, thiết bị phòng thử nghiệm...
Theo Thứ trưởng KH-CN Trần Văn Tùng, hoạt động KH-CN tại Bắc Giang đã có nhiều chuyển hướng tích cực trên tất cả các lĩnh vực, công tác thanh tra, kiểm tra đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, Bắc Giang cần xây dựng định hướng phát triển KH-CN sát với thực tế; sử dụng các nguồn lực tài chính tương xứng cho KH-CN; cần tiếp tục đầu tư cho phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học… để phục vụ đời sống sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng các quy trình, công nghệ mới trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; vấn đề công nghệ xử lý môi trường, chế biến nông lâm sản để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống nhân dân.
Đặc biệt, lựa chọn các sản phẩm là thế mạnh đặc thù, đưa ứng dụng KH-CN từ khâu chọn giống đến tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đứng vững trên thị trường và phát triển bền vững. Đồng thời, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân, hoạt động KH-CN của tỉnh Bắc Giang sẽ ngày càng có nhiều kết quả trong sự phát triển chung về lĩnh vực KH-CN của cả nước.