Tìm hiểu vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Trước khi có luật, các hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người thực hiện thuần túy trên cơ sở quy định chuyên môn, không có luật để điều chỉnh. Do đó, luật ra đời là hành lang pháp lý để các thầy thuốc yên tâm làm việc, là cơ sở pháp lý để vận động người hiến bộ phận cơ thể sau khi chết và giúp cho người bệnh có cơ hội sống. Ngoài ra, sẽ tạo điều kiện nâng cao trình độ kỹ thuật cho các nhân viên y tế, giúp ngành y tế có cơ sở để vận động người dân tình nguyện hiến các bộ phận cơ thể sau khi chết.
Khó khăn nhất đối với ngành ghép tạng hiện nay chính là thiếu nguồn cho. Trong khi đó, nhu cầu được ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam khá lớn. Cả nước hiện có từ năm nghìn đến sáu nghìn người bị suy thận. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn Hà Nội đã có hơn một nghìn người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có hơn năm nghìn người đang chờ được ghép giác mạc. Luật ra đời, mở ra một nguồn tạng có thể lấy từ người chết não, nhưng không phải có luật là nguồn cho dồi dào từ người sau khi chết, bởi lâu nay người dân Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi triết lý Á Ðông: Chết toàn thây, kiếp luân hồi... Trên thực tế, hơn 200 ca ghép tạng thực hiện từ trước đến nay lấy tạng từ người sống và giới hạn trong phạm vi gia đình. Hiện Bộ Y tế đang làm đề án trình Chính phủ để thành lập Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Theo kế hoạch sẽ trình Chính phủ vào tháng 9-2007. Trung tâm này sẽ đảm nhiệm việc tiếp nhận và xử lý thông tin về việc hiến, thay đổi hoặc hủy bỏ việc hiến mô, bộ phận cơ thể người; quản lý danh sách chờ ghép mô, bộ phận cơ thể người trên toàn quốc; quản lý các thông tin liên quan đến người hiến, người ghép; điều tiết các cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy bộ phận cơ thể của người hiến sau khi chết từ địa điểm này sang địa điểm khác để ghép cho người có nhu cầu. Việt Nam hiện có 11 cơ sở y tế có đủ điều kiện ghép thận, ba cơ sở đủ điều kiện ghép gan và một vài cơ sở có thể tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu.
Theo quy định của luật, bệnh viện nào có đủ điều kiện về cơ sở và nhân lực mới được Bộ Y tế cho phép tiến hành lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Ðể chống tình trạng thương mại hóa, luật đã quy định rõ mục đích của việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là vì mục đích nhân đạo, không vì lợi nhuận. Chỉ được ghép lấy mô, bộ phận cơ thể người trong trường hợp chữa bệnh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các quy trình kỹ thuật về lấy cũng được quy định chặt chẽ, chỉ có các cơ sở y tế đủ điều kiện được Bộ Y tế công nhận mới được phép lấy bộ phận cơ thể người. Ðặc biệt cấm quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
Luật cũng nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái quy định... Ðối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được ghép bộ phận cơ thể của người Việt Nam tại Việt Nam trong trường hợp có cùng dòng máu trực hệ hoặc có họ trong phạm vi ba đời với người hiến; hoặc trong trường hợp người hiến đã có đơn tự nguyện hiến mà không nêu đích danh người được ghép...
Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, nảy sinh nhiều bất cập, khó khăn. Vấn đề là cần tìm ra giải pháp để khắc phục trong điều kiện thực tiễn ở nước ta một cách phù hợp.