Khó khăn trong quản lý giống cây ăn quả

Cây ăn quả đang là loại cây trồng chủ lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương phía nam. Với 50 chủng loại khác nhau, sản xuất trái cây ở khu vực này đang tạo việc làm và bảo đảm thu nhập cho người dân nhiều vùng nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh (Ðồng Tháp) chăm sóc vườn xoài cát Hòa Lộc. (Ảnh HỮU NGHĨA)
Nông dân xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh (Ðồng Tháp) chăm sóc vườn xoài cát Hòa Lộc. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Tuy nhiên, công tác quản lý giống cây ăn quả còn những hạn chế như: Phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không đạt yêu cầu; nhiều cơ sở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nguồn giống; một số cuộc thanh, kiểm tra còn mang tính hình thức, chưa chú ý đến hiệu quả…

Ðến hết tháng 6/2023, diện tích cây ăn quả cả nước khoảng 1,22 triệu ha, trong đó các địa phương phía nam trồng hơn 720 nghìn ha; sản lượng trái cây hằng năm hơn 13,5 triệu tấn, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhu cầu nguồn giống lớn

Trong sản xuất cây ăn quả, giống được xác định là khâu then chốt giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua diện tích cây ăn quả trồng mới hằng năm tăng liên tục, đặc biệt là với các cây có điều kiện xuất khẩu tốt những năm gần đây như: Thanh long, sầu riêng, mít, chuối, xoài, bưởi... Trong đó, diện tích trồng mới các loại cây ăn quả chính tại miền nam trung bình giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 là 62,4 nghìn ha/năm. Ước nhu cầu giống hằng năm từ 255 đến 276 triệu cây.

Cụ thể cây sầu riêng trồng mới 11,8 nghìn ha/năm, ước lượng cây giống từ 1.180 đến 2.407 nghìn cây; mít trồng mới hằng năm 9,3 nghìn ha, ước lượng giống từ 13.950 đến 18.600 nghìn cây/năm; chuối 6,7 nghìn ha, ước lượng giống từ 13.400 đến 14.740 nghìn cây/năm; xoài 5,9 nghìn ha, lượng giống cần từ 930 đến 1.640 nghìn cây/năm…

Ðến năm 2022 toàn vùng đã công nhận được 566 cây ăn quả đầu dòng và 526 vườn cây đầu dòng. Nếu tính riêng lượng giống cây ăn quả lâu năm phục vụ cho nhu cầu trồng mới khoảng 50 đến 60 nghìn ha và diện tích tái canh tương đương thì nhu cầu giống khoảng 35 đến 40 triệu cây. Do vậy, với số lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây ăn quả được đề nghị bình tuyển, thẩm định, công nhận còn rất khiêm tốn so với nhu cầu sản xuất giống.

Hơn nữa, số cây giống sản xuất để cung ứng cho thị trường rất lớn đã gây khó khăn cho quản lý, kiểm soát chất lượng tại các cơ sở, đơn vị sản xuất giống cây ăn quả. Trong khi đó, lực lượng chuyên môn được đào tạo để thanh, kiểm tra lĩnh vực này còn hạn chế. Mặt khác, việc đánh giá, thẩm định công nhận, đầu tư chăm sóc, duy trì cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cần kinh phí khá lớn, khó thu lại được nếu không được khai thác, sử dụng, kinh doanh vật liệu nhân giống tốt. Do đó, chưa khuyến khích các đơn vị sản xuất đăng ký cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.

Hiện nay, hệ thống sản xuất và cung ứng giống cây ăn quả gồm nhiều thành phần tham gia như: Các viện nghiên cứu, trường, doanh nghiệp, trung tâm giống thuộc tỉnh, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cá nhân... nhưng, sản xuất và cung ứng giống ở quy mô hộ kinh doanh, nhỏ lẻ chiếm chủ yếu, khó đáp ứng điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả. Bên cạnh đó, vùng sản xuất và cung ứng các loại giống cây ăn quả cho các địa phương tập trung tại tỉnh Bến Tre hằng năm cung cấp từ 40 đến 42 triệu cây giống các loại ra thị trường.

Theo thống kê, giống được cung ứng bởi các viện nghiên cứu, trung tâm giống thuộc các trường đại học và trung tâm giống thuộc tỉnh đối với cây xoài đáp ứng 30%, bưởi 20%, nhãn 15%, chuối 5%...; các cơ sở sản xuất giống tư nhân đáp ứng 40% cây xoài, bưởi 30%, nhãn 70%..., còn lại do nông hộ tự sản xuất trao đổi. Qua đó cho thấy hiện nay hệ thống sản xuất cây giống cây ăn quả tại các cơ sở nhỏ, lẻ hoặc các hộ gia đình vẫn còn nhiều.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống không đạt yêu cầu

Theo cơ quan chức năng, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hàng nghìn tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán giống cây trồng, gồm: Hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường, trung tâm giống. Trong đó có khoảng 900 cơ sở có đăng ký quản lý, số cơ sở còn lại đang hoạt động tự do, trôi nổi và không quản lý được chất lượng. Việc có quá nhiều cơ sở kinh doanh đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời gây nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng, nguồn gốc cây giống.

Theo báo cáo của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn phía nam, năm 2022, qua kiểm tra năm đơn vị sản xuất giống và 201 đơn vị kinh doanh giống cây ăn quả, có 18 đơn vị kinh doanh giống bảo đảm yêu cầu theo quy định, chiếm 9% số đơn vị kinh doanh giống được kiểm tra. Như vậy có tới 91% số cơ sở không đạt yêu cầu với những lỗi như: Thiếu giấy phép kinh doanh, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc cây giống hoặc giống chưa được lưu hành…

Hơn nữa, một số cơ sở có số lượng giống rất ít, điều kiện bảo quản hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng cây giống khi bán ra. Ngoài ra, số đợt thanh tra trong năm chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào các đơn vị kinh doanh giống, ít thanh tra đơn vị sản xuất giống, do đó việc kiểm soát chất lượng giống gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn ước đạt 25.478ha, trong đó bưởi 9.245ha, sầu riêng 2.667ha, chôm chôm 3.692ha. Ngoài việc trồng cây ăn trái, Bến Tre còn là tỉnh có nghề sản xuất giống cây ăn trái nổi tiếng cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, với 8.000 hộ sản xuất, kinh doanh cây giống nhưng ý thức của một số người dân về chấp hành các quy định của pháp luật còn thấp.

Ở tỉnh Ðắk Lắk, trong những năm qua, sản xuất cây ăn quả tăng nhanh về diện tích và năng suất, sản lượng: Ðến năm 2022 trên địa bàn có 51.983 ha. Tuy nhiên, do một số loại cây trồng chưa có tiêu chuẩn hoặc quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng giống cây trồng nên khó khăn trong quản lý giống.

Cục Trồng trọt cho biết, việc quản lý giống cây ăn quả ở phía nam hiện nay còn những hạn chế như: Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng còn đơn giản, thiếu chặt chẽ; nhiều cơ sở quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nguồn giống nhưng vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh giống nên khó quản lý cũng như bảo đảm nguồn gốc, chất lượng cây.

Qua kết quả đánh giá thực trạng sản xuất giống cây ăn quả tại một số địa phương cho thấy, các cơ sở sản xuất giống có chứng nhận kinh doanh và công bố tiêu chuẩn cây giống còn hạn chế; một số đơn vị vi phạm về thương hiệu sản xuất giống, gây nhầm lẫn khi mua giống; các cơ sở sản xuất giống cây trồng chủ yếu là tự phát, không biển hiệu, buôn bán nhỏ lẻ trong khu vực thôn, làng cho nên khi kiểm tra thường đối phó là gia đình tự ươm không buôn bán dẫn đến khó xử lý.

Ðặc biệt, việc thanh, kiểm tra giống còn dàn trải, không tập trung khiến chất lượng thanh tra hạn chế; tỷ lệ các đơn vị được thanh, kiểm tra còn thấp so với số lượng cơ sở đang sản xuất, kinh doanh. Lực lượng quản lý, kiểm tra giống cây trồng mỏng; việc kiểm tra chủ yếu bằng trực quan cho nên độ chính xác chưa cao; nhiều cuộc thanh, kiểm tra còn nặng về hình thức, chưa chú ý đến hiệu quả và chưa kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm để nâng cao nhận thức của người sản xuất, buôn bán giống; tình trạng giống kém chất lượng vẫn được sản xuất, lưu thông và sử dụng gây thiệt hại cho nông dân.

Tại hội nghị quản lý chất lượng cây ăn quả phía nam vừa được tổ chức tại Bến Tre ngày 6/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho rằng, để quản lý chất lượng giống cây ăn quả ở các địa phương phía nam nói riêng và cả nước nói chung, thời gian tới các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về giống cây ăn quả: Trước mắt ưu tiên đối với cây ăn quả chủ yếu có quy mô sản xuất hàng hóa; đồng thời đẩy mạnh bình tuyển, thẩm định, hỗ trợ duy trì cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; tăng cường xây dựng và củng cố hệ thống nhân giống tại các địa phương; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống bảo đảm chất lượng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực giống cây ăn quả; đẩy mạnh thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, buôn bán giống cây ăn quả...