"Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn" (*) (Ðọc tập thơ Ðất thiêng của Ðinh Văn Nhu, NXB Hội Nhà văn 2013)

NDO -

Ðinh Văn Nhu không viết để thành nhà thơ. Ông chỉ đơn giản bộc bạch chuyện mình, viết để tri ân với người, với đời, với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn và cả những vùng đất thân quen đâu đâu cũng là nhà. Ðó là Ðất thiêng, là Tổ quốc thân yêu mà tấm lòng những người con hiếu nghĩa như ông luôn lặng thầm, khắc khoải yêu thương và trọn đời góp sức dựng xây, gìn giữ.

Quê hương tôi đó/ Tên xã Yên Bình/ Có Phúc Lâm Tự/ Soi dòng sông Sinh (Thăm chùa quê hương); Nhà tôi bên cạnh cổng làng/ Tháng tám nước tràn sóng vỗ mênh mông (Mùa nước nổi). Mảnh đất mộc mạc, bình yên như tên gọi nơi vùng chiêm trũng Nam Ðịnh, quê hương ông là khởi nguồn của một tình yêu bình dị mà sâu lắng. Ở đó, có bến Trâu Ðằm với bao kỷ niệm tuổi thơ nhọc nhằn lam lũ. Có Chợ Già trơ trụi, xóm làng xác xơ những năm giặc Tây chiếm đóng. Có người mẹ góa bụa khi mới 36 tuổi xuân Thờ chồng buộc bụng lặng thầm nuôi con. Và nữa, đó còn là mảnh đất giàu truyền thống anh dũng suốt một thời bom đạn: Ai đi đánh Pháp không về/ Ai đi đánh Mỹ làng quê đợi chờ. Năm 2006, Yên Bình được phong xã Anh hùng. Ðó là niềm tự hào lớn lao đối với tác giả cũng như bao người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Ðể mỗi khi ra đi, lúc trở về không khỏi lưu luyến nhớ thương, canh cánh trong lòng. Theo tháng năm, theo rộng dài đất nước, tình cảm quê hương của ông không chỉ dừng ở mảnh đất nơi sinh ra là Ý Yên, Nam Ðịnh hay Phủ Lý, Hà Nam và TP Nam Ðịnh, nơi ông từng sống, làm việc và gắn bó nhiều năm mà còn là tình yêu với nhiều vùng quê trên mọi miền Tổ quốc. Trở lại Ðiện Biên Phủ sau 50 năm chiến thắng, Ðinh Văn Nhu viết những vần thơ dạt dào niềm vui trước khung cảnh "đất nở hoa" ngày mới: Ðồng Mường Thanh trải rộng/ Cho vựa lúa chín vàng... Ðường mòn về bản cũ/ Nay mở rộng thênh thang (Ðiện Biên Phủ hôm nay). Ðến với đất Tổ Hùng Vương, Phú Thọ, bên cạnh niềm tự hào về truyền thống, cội nguồn dân tộc: Chúng con vẫn một tấm lòng/ Làm sao quên giọt máu hồng Âu Cơ (Trẩy hội Ðền Hùng), ông còn bay bổng thả hồn vào điệu hát Xoan, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc: Phù sa lóng lánh hạt vàng/ Bãi dâu xanh tốt bạt ngàn nương ngô/ Xoan hòa nước biếc dòng Lô/ Thuyền em lướt sóng có hò chèo Xoan (Hát Xoan). Ðặc biệt, mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến với tầm vóc của các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước, của Bác Hồ vĩ đại đi vào thơ ông uy nghi hào sảng trong một niềm cảm khái vô tận: Rồng thiêng bay khắp bầu trời/ Hổ phục vẫn ngồi trên thế rồng bay/ Chiếu dời đô vẫn cầm tay/ Lý Thái Tổ chọn đất này định đô (Chào mừng đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội).

Ðinh Văn Nhu sinh năm 1932, từng là công nhân Nhà máy Dệt Nam Hà, làm công tác Công đoàn và văn hóa quần chúng. Ông có một tuổi trẻ sôi nổi đầy nhiệt huyết, đáng nhớ trên mặt trận "Tiếng hát át tiếng bom" của miền bắc và phong trào "Vững tay máy, chắc tay súng, hào hùng tiếng hát" của Nhà máy trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ác liệt. Chăm lo cả đời sống vật chất lẫn tinh thần cho công nhân và chiến sĩ, suốt mười năm trời, ông cùng các cán bộ, văn nghệ sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, vượt đạn bom đem lời ca tiếng hát đến động viên khích lệ công nhân, chiến sĩ lao động và chiến đấu. Chính thực tế đó đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng một hồn thơ giàu xúc cảm và hiện thực. Dù viết về quê hương, gia đình, bạn bè hay chiêm nghiệm, suy tư về cuộc sống, về lịch sử, những hình ảnh và cảm xúc trong thơ ông đều chân chất, mộc mạc mà chan chứa tình yêu với con người, với cuộc đời. Không cầu kỳ hoa mỹ về ngôn từ biểu đạt, không hàm ẩn, cao siêu trong ý tưởng, thơ Ðinh Văn Nhu nhẹ nhàng, dung dị như tự truyện, như tâm tình mà nhiều khi có những câu từ, những hình tượng thơ bất ngờ tỏa sáng: Mẹ gánh gió đội mây/ Ði về căn nhà nhỏ (Hồi tưởng về mẹ); Trong bầu trăm trứng nở ra/ Tiếng ru của mẹ mượt mà lời Xoan (Hát Xoan)...

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn. Chiêm nghiệm sâu xa ấy thêm một lần được tác giả Ðinh Văn Nhu làm sáng đẹp qua những vần thơ nặng tình đất, tình người trong Ðất thiêng.

NGUYỄN PHƯƠNG

-------------

(*) Thơ Chế Lan Viên.