Từ việc hiến đất mở rộng hẻm...
Phú Nhuận là quận đi đầu trong phong trào này. Với diện tích 487,56 ha, quận có gần 600 con hẻm có từ trước ngày giải phóng. Phần lớn là hẻm nhỏ, hẹp, gồ ghề chạy vòng vèo trong các khu dân cư chật chội, đi lại khó khăn, không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy và an ninh - trật tự. Năm 2000, Đảng bộ, chính quyền quận thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng hẻm theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong đó huy động nhân dân đóng góp từ 10% đến 30% giá trị công trình, phần còn lại do ngân sách quận đầu tư láng bê-tông và lắp đặt hệ thống cấp thoát nước. Do kinh phí có hạn, không đủ tiền đền bù, giải tỏa, kết quả chưa được như mong đợi.
Năm 2003, quận Phú Nhuận vận động nhân dân hiến đất không nhận tiền đền bù để mở rộng hẻm, Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng và hỗ trợ một phần kinh phí để các hộ sửa chữa, hoàn thiện nhà bị giải tỏa một phần. HĐND quận ra Nghị quyết: Mỗi phường chọn một hẻm làm thí điểm và lập tổ vận động do Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng cùng các thành viên là đại diện Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Chi bộ và Ban điều hành khu phố, nơi có hẻm cần mở rộng. Ban vận động phối hợp Phòng Quản lý đô thị quận khảo sát, làm dự án và xuống tận nơi tổ chức họp với các hộ liên quan phổ biến chủ trương, cách làm, lắng nghe ý kiến đóng góp, giải đáp những thắc mắc của người dân sau khi nhân dân nhất trí mới làm. Nhờ công khai, dân chủ bàn bạc, cho nên 100% số hẻm làm điểm đều được triển khai đúng kế hoạch.
Đến nay, quận đã thực hiện 18 công trình mở rộng hẻm và đã có 636 hộ dân tự nguyện hiến 3.910,6 m2 đất, trị giá gần 84 tỷ đồng. Nhiều hộ không bị giải tỏa cũng hăng hái đóng góp hàng chục triệu đồng cùng với phường hỗ trợ thêm các hộ thuộc diện giải tỏa một phần, có hoàn cảnh khó khăn để có điều kiện sửa chữa, hoàn thiện nhà.
Bà Võ Thị Năm, ngụ tại hẻm 96 Phan Đình Phùng, phường 2 cho biết: Trước kia hẻm rộng chưa đầy 2 m, chật chội, nay mở rộng lên 3 m, đi lại dễ dàng hơn trước. Nhiều hộ dân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư kinh doanh hoặc mở các loại hình dịch vụ ngay tại nhà... Vậy là xã hội lợi, hộ dân cũng có lợi. Từ thành công bước đầu, nhiều phường trong quận Phú Nhuận cũng đăng ký mở hẻm theo cách làm nêu trên.
... Đến hiến đất làm đường
Từ quận Phú Nhuận, phong trào hiến đất xây dựng đường lan rộng khắp thành phố. Quận Tân Phú thành lập tháng 11-2003, với 11 phường, cơ sở hạ tầng giao thông rất yếu kém. Trong tổng số đường trên địa bàn chỉ có 42% số đường nhựa, còn lại là đường đất, mùa nắng bụi mù mịt, mùa mưa lầy lội khó đi. 15 dự án giao thông trọng điểm được thành phố duyệt từ năm 2001 (khi chưa tách quận), nhưng vẫn "treo" đấy vì vướng mắc trong việc đền bù giải tỏa. Để tháo gỡ vướng mắc, quận tổ chức nhiều cuộc họp với dân, công khai nguồn kinh phí làm đường và lập các tổ vận động ở cơ sở, lấy Ban vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư làm nòng cốt, vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Kết quả, năm 2004 đã có gần 6.000 hộ dân trong quận tự nguyện hiến gần 80.000 m2 đất, trị giá khoảng 320 tỷ đồng để xây dựng, mở rộng 68 tuyến đường. Ngoài ra, các hộ còn tự tháo dỡ nhà, công trình trên đất không nhận 24,39 triệu đồng tiền đền bù, và còn đóng góp gần 8 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 103 con hẻm và đường nội bộ, nâng diện tích đường nhựa và bê-tông trong quận vào cuối năm 2004 lên 67%.
Hàng nghìn hộ dân ở quận mới Bình Tân cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động hiến đất làm đường. Chỉ tính ba tuyến đường lớn là hương lộ 2, Tên Lửa và Mã Lò đã có hàng trăm hộ dân hiến gần 25.000 m2 đất, trị giá hơn 65 tỷ đồng mở đường.
Tại quận 12, để nâng cấp 54 con đường nội bộ, nhân dân cũng hiến gần 70.000 m2 đất, trị giá 17 tỷ đồng.
Các quận, huyện khác như 2, 3, 7, 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi... cũng dấy lên phong trào nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, mở hẻm, làm cho thành phố ngày càng khang trang, sạch, đẹp hơn.
Nhiều tấm lòng vàng, gương sáng xuất hiện, như hộ ông Phan Thúc ở đường Ngô Quyền, quận Tân Phú, hiến 22 m2 đất; gia đình ông chỉ còn lại 50 m2, vẫn vui vẻ hy sinh quyền lợi riêng vì lợi chung. Bà Huỳnh Thị Hai, vợ liệt sĩ, ở đường Đỗ Nhuận, nhà cửa chật hẹp, sau khi hiến 15 m2 đất, nhà chỉ còn hơn 20 m2. Ba anh em ông Đoàn Văn Phước, Đoàn Văn Phúc và Đoàn Thị Hoa ở phường Tây Thạnh hiến 1.650 m2 đất để mở đường. Hay như ông Huỳnh Văn Đực ở khu phố 2, phường Phú Thọ Hòa, hiến 286 m2 đất, trị giá 2,5 tỷ đồng. Ông Mai Văn Triệu ở số nhà 156/1 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, hiến gần 90 m2 đất mặt tiền, trị giá 500 triệu đồng để mở rộng hẻm... Không ít hộ nghèo sau khi hiến đất đã vay tiền tự sửa lại nhà, không đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ, bồi thường.