Nhà thơ Trần Ðăng Khoa:

“Khi cuộc sống là vẻ đẹp thì không cần hư cấu”

Lạ là sách đều bán rất chạy, được bạn đọc săn lùng, được tái bản rất nhanh. Lạ là sách được đông đảo độc giả thế hệ hậu chiến, hào hứng đón nhận, rưng rưng truyền tay nhau, lặng đi theo từng con chữ. Nhưng với nhà thơ Trần Đăng Khoa (ảnh bên), ông lại cho rằng không lạ, bởi “đọc là thấy từng mảng hiện thực khốc liệt nối nhau ùa về, thật tới mức sục lên bởi cả mùi máu. Có cảm giác các tác giả đã sổ cả gan ruột của chính mình lên những trang giấy, để hối hả trả nghĩa món nợ ân tình sống chết với đồng đội năm xưa”.

Ảnh | Khánh An
Ảnh | Khánh An

Tôi thích cách ông nhận xét, “thật đến mức sục lên cả mùi máu”. Tác giả Phan Thúy Hà, người lắp ghép những mảnh ký ức vụn vỡ của nhiều cựu chiến binh trong Đừng kể tên tôi mới đây đã chia sẻ: “Cuốn sách này không phải là chuyện hư cấu. Không phải dựa trên một câu chuyện có thật. Mà chính nó là thật. Những câu chuyện, những con người thật”. Vậy phải chăng cái thật trần trụi, không dụng công bày biện, tô vẽ đã giúp những tác phẩm kể trên chạm tới trái tim độc giả, thưa ông?

Trong dòng chảy cuồn cuộn của đời sống văn chương nước nhà, nhiều tác phẩm văn xuôi phi hư cấu (non - fiction) đã neo đậu bền lâu trong trí nhớ độc giả chính nhờ hiện thực cuộc sống tươi ròng được chuyển thẳng vào trang sách, không có sự can thiệp của bàn tay hư cấu, không có dấu hiệu “bày binh bố trận” của một cây bút chuyên nghiệp. Như những trang nhật ký của các liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân... Những truyện ngắn, tiểu thuyết tư liệu như Hồi ức binh nhì của Nguyễn Thế Tường, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh...

Trong số sách bạn kể, tôi chỉ mới thưởng thức hai cuốn Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ và Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Nhưng tôi biết Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến đã được Hội Nhà văn Hà Nội ghi nhận bằng giải thưởng Tác phẩm đầu tay năm 2017. Biết Lính Hà là dòng ký ức của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. Biết Đừng kể tên tôi là ghi chép của cây viết trẻ Phan Thúy Hà, “về những người lính thời chiến, một lớp người sắp tuyệt chủng mà nếu không viết nhanh thì muộn mất”. Tất cả đều ngồn ngộn chi tiết, ngồn ngộn những số phận lính tráng, ngồn ngộn những lát cắt khốc liệt và đa chiều những góc cạnh gồ ghề, thô ráp của chiến tranh.

Những tác giả kể trên đều có một điểm chung, họ không phải là nhà văn, họ đều đã từng là lính. Họ quăng mình vào giữa bom đạn khốc liệt, với tư cách vừa là người trong cuộc vừa là một chứng nhân lịch sử. Cuốn sổ nhật ký giấu dưới đáy ba-lô cứ ngày một kín chữ. Những trận thắng - rồi cả trận thua, những đồng đội đã ra đi chỉ còn hiện diện lạnh lùng trong những con chữ viết vội. Sự thật ấy ẩn giấu sức thuyết phục cực lớn, bởi ban đầu những người lính ấy luôn viết cho chính mình. Với mỗi người trong số họ, còn được trở về đã là vô cùng may mắn, dù trong may mắn ấy luôn thấp thoáng món nợ tinh thần với đồng đội đã hy sinh. Và món nợ ấy buộc họ phải cầm bút. Tôi có cảm giác họ đã xắn nguyên từng mảng hiện thực dữ dội ấy và đắp bồi vào trang viết. Khi bản thân cuộc sống đã là một vẻ đẹp, thì khỏi cần hư cấu, khỏi cần tỉa tót thủ pháp câu chữ, tác phẩm tự nó đã đủ sức đi thẳng vào trái tim người đọc rồi.

“Khi cuộc sống là vẻ đẹp thì không cần hư cấu” ảnh 1

Thành công bất ngờ của các tác phẩm kể trên nói lên điều gì, khi độc giả hôm nay dường như ít mặn mà với tác phẩm hư cấu của những tên tuổi, cây bút chuyên nghiệp?

Mỗi tác phẩm văn chương, hư cấu hay phi hư cấu, đều khởi nguồn từ thực tế đời sống. Những kiệt tác trong văn chương thế giới đều là sản phẩm của sự hư cấu, của trí tưởng tượng thăng hoa trong quá trình lao động sáng tạo của nhà văn. Và kết quả của hư cấu vẫn là cái thật, thật như đời, thật tới mức độc giả đặt lòng tin tuyệt đối.

Khách quan mà nói, tư duy của người làm xuất bản hôm nay ngày càng cởi mở hơn, quan niệm về phản ánh sự thật ngày càng được nới rộng biên độ, góc nhìn về những cấm kỵ - nhạy cảm ngày càng thông thoáng, tất cả hợp thành những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” giúp dòng văn học có sự giao thoa nhuần nhuyễn với báo chí này sở hữu điều kiện thuận lợi nhất để có được những vụ mùa bội thu. Không thể không nhắc tới một lợi thế đặc biệt, chỉ xuất hiện trong thời đại bùng nổ thông tin này. Đó là sức mạnh quảng bá của mạng xã hội. Khi những nhà phê bình có tâm và có tầm ngày càng thiếu vắng, khi các phương tiện truyền thông chính thống ngày càng dành ít đất cho phát triển văn hóa đọc, mạng xã hội - như một công cụ quảng bá, có sức lan tỏa rất nhanh, rất rộng trở nên đặc biệt hữu hiệu. Có tác giả quyết định bắt tay vào viết, khi nhận rất nhiều lời động viên từ cộng đồng mạng, cho những hồi ức rải rác đăng tải trên Facebook. Như Vũ Công Chiến, Trung Sỹ... Có rất nhiều độc giả quyết định tìm đọc tác phẩm, sau đánh giá của một số Facebooker có uy tín chia sẻ trên trang cá nhân. Đó cũng là những tác động tích cực giúp dòng văn học này nở rộ.

Ở chiều ngược lại, việc hàng loạt những hồi ức chiến binh lọt vào danh mục sách bán chạy cho thấy người đọc đã chán những sự hư cấu nửa vời, “dở giăng dở đèn”. Nó cũng khiến giới văn chương phải nghiêm túc nhìn lại mình. Độc giả chỉ quay lưng vì một lý do duy nhất, sách không hay mà thôi. Đây là tín hiệu vui, khi người đọc trong nước bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình với những tác phẩm khai thác đề tài chiến tranh, vốn luôn bị mặc định là không hấp dẫn được số đông, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng các cây viết chuyên nghiệp cũng chẳng nên lấy thế làm buồn. Viết bằng cả trái tim mình thì độc giả sẽ tự tìm đến.

“Khi cuộc sống là vẻ đẹp thì không cần hư cấu” ảnh 2

Những tác giả “tay ngang” ấy thường giành hết tâm huyết cho một “đứa con tinh thần”. Với tư cách độc giả, ông có thấy tiếc, khi nói như tác giả Vũ Công Chiến “Tác phẩm đầu tay của tôi cũng có thể là tác phẩm cuối cùng”?

Đọc những trang văn dữ dội, bạo liệt nhưng không kém phần lãng mạn của những tác giả “tay ngang” ấy, tôi đều nhận ra họ có tố chất, năng khiếu văn chương tiềm ẩn từ trong máu. Là người viết, lại đã từng là lính, tôi biết nhiều cựu chiến binh đang sở hữu cả một kho tư liệu khổng lồ, với chất liệu đời sống và chi tiết hiện thực vô giá nhưng họ không thể ra sách, bởi không biết chuyển tải những câu chuyện ấy thế nào cho hấp dẫn. Kể chuyện chiến trường mà níu giữ người đọc từ trang đầu tới trang cuối, thậm chí với cuốn sách dung lượng hơn 700 trang, co chữ rất nhỏ như Vũ Công Chiến là việc không hề đơn giản. Tôi nghĩ các tác giả trên đều khởi đầu bằng cách giản dị nhất, không hư cấu, không chủ đích làm văn chương.

Theo tôi hư cấu hay không, không quan trọng. Quan trọng là sách phải hay. Hôm nay đọc hay, sau này đọc cũng vẫn thấy hay. Dù nhiều giá trị khác đã thay đổi. Nhà văn có thể có nhiều tác phẩm, nhưng cuối cùng được bạn đọc tới nhớ một trong số đó đã là may mắn lắm rồi. Nhiều nhà văn lớn của thế giới chỉ là tác giả của một cuốn duy nhất đó thôi. Và như ta thường thấy hiện nay, nhiều kiệt tác của thế giới vẫn rất ít người mua. Nhưng dù thế, tác phẩm ấy vẫn là kiệt tác của muôn đời.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!