Tạo nhiều chuyển biến tích cực
Năm 2015, đồng chí Phạm Thị Thu, Phó Bí thư Huyện đoàn Ngọc Lặc được luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy xã Minh Sơn. Là một cán bộ năng động, nhiệt huyết, nhưng còn trẻ, đồng chí Thu không khỏi lo lắng khi nhận nhiệm vụ. Minh Sơn là xã lớn của huyện Ngọc Lặc, với 21 thôn, hơn 2.200 hộ, 9.500 nhân khẩu, có hơn 7 km đường Hồ Chí Minh chạy qua, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn chiếm hơn 10%, bốn thôn vẫn đang thực hiện Chương trình 135; nhiều tệ nạn xã hội phức tạp nảy sinh, nhất là tệ buôn bán và sử dụng trái phép ma túy; nhiều vấn đề bức xúc nhân dân kiến nghị nhưng chậm được giải quyết.
Sau một thời gian ngắn nắm tình hình, Bí thư Ðảng ủy Phạm Thị Thu thấy cần thay đổi phong cách làm việc kiểu "trà lá" trong đội ngũ cán bộ xã, đồng thời tập trung giải quyết ngay những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là các vấn đề nước cho sản xuất nông nghiệp, tệ nạn ma túy. Xã đã kiến nghị huyện nâng cấp, cải tạo đập Bai Nai, giúp cung cấp nước tưới cho 30 ha của năm thôn, tránh được cảnh mùa mưa thì úng ngập, mùa khô thì thiếu nước. Vai trò các tổ an ninh xã hội được phát huy, giúp xã nắm được số đối tượng mua bán, nghiện ma túy, từ đó phối hợp Công an huyện có biện pháp đấu tranh, đưa nhiều đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.
Từ chỗ chỉ có 1 km đường bê-tông, đến nay cả xã đã làm được hơn 20 km đường bê-tông; ba thôn đã ra khỏi Chương trình 135, ba thôn hoàn thành xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17 triệu đồng năm 2015 lên 24 triệu đồng năm 2017. Xã đã thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, giúp cung ứng cho nông dân phân bón, nhiều loại giống mới năng suất cao, đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, khiến bà con nông dân rất phấn khởi, tin tưởng.
Ông Phạm Hùng Lanh ở thôn Ngọc Ắng, xã Minh Sơn nhận xét: Từ khi đồng chí Thu về làm Bí thư Ðảng ủy xã, đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho địa phương. Những kiến nghị, bức xúc của nhân dân đều được quan tâm giải quyết ngay, nhất là tệ nạn xã hội giảm rõ rệt, khiến nhân dân chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi.
Ðồng chí Phạm Thị Thu hiện là một trong số 233 bí thư đảng ủy xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không phải người địa phương. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ không phải người địa phương giữ các vị trí chủ chốt tại các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn, tạo ra những hiệu ứng tích cực.
Ðồng chí Nguyễn Quang Hải, Bí thư Huyện ủy Ðông Sơn - huyện đã bố trí người đứng đầu ở cả 15 xã, thị trấn đều không phải người địa phương cho biết, đến nay, tất cả các đồng chí được điều động, luân chuyển giữ các vị trí chủ chốt tại các địa phương đều phát huy tốt, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được nhiều chuyển biến tích cực tại cơ sở, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, huyện đã có 12 xã được công nhận xã nông thôn mới, còn lại hai xã cũng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí. Ðông Sơn phấn đấu, sẽ đạt huyện nông thôn mới trong năm nay.
Cũng nhờ công tác luân chuyển, điều động đã khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ tại một số xã trước đây. Kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển, theo đồng chí Nguyễn Quang Hải đó là, phải nắm chắc cán bộ, biết rõ năng lực, sở trường, sở đoản, tính cách của từng người để bố trí cho phù hợp, đúng người, đúng việc. Khi dự kiến phương án điều động, luân chuyển phải có lộ trình để khảo sát, xem xét, bố trí một cách phù hợp đối với mỗi cán bộ và đối với từng địa phương, đơn vị. Ðồng thời, cần làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ, chính sách, bố trí sắp xếp sau khi hoàn thành nhiệm vụ để cán bộ yên tâm công tác.
Cán bộ giữ gìn, phấn đấu, cống hiến
Ðối với cấp huyện, đến nay đã có 22 trong tổng số 27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thanh Hóa bố trí một trong ba chức danh thường trực cấp ủy không phải là người địa phương. Huyện Ngọc Lặc là một trong những địa phương thực hiện sớm việc bố trí này. Ðã hai nhiệm kỳ, cả Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đều không phải người địa phương. Ðồng chí Bùi Huy Toàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, các đồng chí luân chuyển về địa phương giữ cương vị chủ chốt đã cùng Ban Thường vụ Huyện ủy đổi mới phương pháp, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; kịp thời ban hành các chủ trương, quyết sách đúng đắn để triển khai thực hiện; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, dồn sức tháo gỡ khó khăn.
Hoạt động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đều có chuyển biến tích cực, rõ nét. Nhiều phong trào như: Thâm canh các loại cây trồng cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao, cải tạo vườn tạp, phát triển trang trại, gia trại; chỉnh trang đô thị, khu dân cư, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ an ninh xã hội, nhân rộng mô hình "tiếng kẻng bình yên", xây dựng thôn, bản nông thôn mới, kiểu mẫu, xã đạt chuẩn nông thôn mới... đã được phát động và thực hiện tốt, mang lại hiệu quả thiết thực.
"Giữ gìn, phấn đấu, cống hiến", đó là sự đánh giá mang tính khái quát chung về cán bộ được luân chuyển, điều động giữ các vị trí chủ chốt tại các địa phương của Thanh Hóa trong những năm vừa qua. Nhìn chung, các cán bộ được điều động, luân chuyển đều có tinh thần khắc phục khó khăn và ý thức giữ gìn, phấn đấu, cống hiến tốt khi đến môi trường công tác mới; tinh thần nêu gương được thể hiện rõ qua mọi hành vi, tác phong, hiệu quả làm việc... Thông qua việc luân chuyển, điều động đã giúp đào tạo trưởng thành nhiều cán bộ. Không ít đồng chí đã được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy, hoặc rút về làm trưởng các ban, ngành của tỉnh, của huyện; nhiều đồng chí sau thời gian điều động, luân chuyển đã được bổ nhiệm giữ các cương vị cao hơn.
Thực tế cho thấy, việc bố trí người đứng đầu không phải là người địa phương đã góp phần khắc phục đáng kể tư tưởng bảo thủ, bè phái, cục bộ địa phương, tạo những thay đổi tích cực trong tác phong, phương pháp, lề lối làm việc. Qua đây cũng tác động tích cực đến tư tưởng, trách nhiệm không chỉ của các đồng chí được điều động, luân chuyển, mà còn tác động đến các cán bộ, đảng viên khác trong việc nâng cao trách nhiệm, ý thức, tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhìn chung, các địa phương có người đứng đầu từ nơi khác đến đều có những chuyển biến rất tích cực về kinh tế - xã hội; nhiều xã từ khó khăn đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới; không ít xã có vấn đề nổi cộm nay đã đoàn kết, thống nhất.
Là một tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, nhiều dân tộc khác nhau, số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhiều, cho nên cán bộ luân chuyển, điều động ở Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù khi điều động, luân chuyển cán bộ, tỉnh và các địa phương đã cân nhắc, nhưng vẫn không tránh khỏi có những cán bộ xã phải đến công tác ở nơi cách xa hàng chục km, có những cán bộ huyện phải đi xa hàng trăm km, tại nhiều địa phương, nhất là các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện sinh hoạt, giao thông còn nhiều khó khăn, không có nhà công vụ hoặc nơi ăn, nghỉ cho cán bộ. Chính vì vậy, mặc dù cách xa hàng chục km, nhưng nhiều cán bộ xã vẫn phải đi lại bốn lần mỗi ngày.
Bên cạnh đó, "dư địa" cho việc điều động, luân chuyển cán bộ (nhất là đối với cấp cơ sở) hiện cũng rất khó khăn do các địa phương đều phải đẩy mạnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Ðơn cử như, nhiều huyện muốn đưa cán bộ trẻ từ các phòng, ban về cơ sở để đào tạo, rèn luyện, nhưng không thể bố trí do các vị trí ở cơ sở đều đã kín chỗ, lại rất khó để điều động cán bộ từ cơ sở lên huyện.
Theo đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tỉnh đang nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho cán bộ luân chuyển, điều động. Chủ trương bố trí các vị trí chủ chốt không phải người địa phương đã được tỉnh Thanh Hóa từng bước thực hiện từ năm 2012 đến nay và đã tạo được sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên. Từ chỗ thí điểm, đến nay đã nhân rộng và trở thành việc làm thường xuyên tại các huyện, thị xã, thành phố và cấp cơ sở, đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Những kết quả rất khả quan đã đạt được trong thời gian vừa qua, là cơ sở vững chắc để Thanh Hóa tiếp tục thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương như tinh thần Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XII) đã đề ra, phấn đấu đến năm 2020, sẽ bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện và chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương đạt 75% trở lên, bí thư cấp ủy cấp xã và chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương đạt 80% trở lên.
Ðến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 421 xã, phường, thị trấn (chiếm 66,29%) có một trong ba chức danh (bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND) không phải là người địa phương, trong đó, bí thư đảng ủy: 233 đồng chí; phó bí thư thường trực đảng ủy: 103 đồng chí; chủ tịch UBND: 182 đồng chí. Ðối với cấp huyện, có 22 trong tổng số 27 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 81,48%) đã bố trí một trong ba chức danh thường trực cấp ủy không phải là người địa phương (bí thư: 12 đồng chí; phó bí thư thường trực: 13 đồng chí; chủ tịch UBND: 15 đồng chí). |