Truyền thống cách mạng, anh hùng là nền tảng nội lực để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nơi đây vượt qua những khó khăn, thử thách, bứt phá vươn lên phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Những ngày tháng Tám, trong tâm thế hướng về mùa thu lịch sử, chúng tôi đến thăm Khu Di tích Chi bộ Hồng Lĩnh (thị xã An Nhơn) và Di tích Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (thị xã Hoài Nhơn), nơi thành lập những chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Định; dâng hương tưởng niệm hơn 13.600 liệt sĩ của hai thị xã đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương, cảm nhận sự linh thiêng và hào hùng; mạch nguồn cách mạng luôn tiếp nối trong dòng chảy cuộc sống của “đất võ” anh hùng.
Tiếp nối mạch nguồn cách mạng
Thời kỳ đấu tranh cách mạng, người Bình Định với nghĩa khí quân Tây Sơn, đã luôn trung dũng, kiên cường, không bao giờ bị khuất phục trước kẻ thù, quyết chiến, quyết thắng. Tiêu biểu là thế hệ đảng viên-hạt giống đỏ góp phần gây dựng những chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong tỉnh, dẫn dắt các cao trào cách mạng, làm nên những trang sử hào hùng của quê hương, đất nước.
Thời kỳ đổi mới và phát triển, truyền thống cách mạng, khí chất anh hùng là tố chất nền tảng để người Bình Định vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, từng bước vươn lên.
Là miền đồng bằng không có biển, nền kinh tế thuần nông, thị xã An Nhơn đã có sự bứt phá khi phát huy lợi thế vị trí nằm trên trục hành lang kinh tế Bắc-Nam dọc Quốc lộ 1 và hành lang kinh tế Đông-Tây dọc Quốc lộ 19, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại-dịch vụ.
Trong 5 năm gần đây, thị xã tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, mở rộng không gian đô thị, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Hiện, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ đã chiếm hơn 88% cơ cấu kinh tế; thu nhập bình quân của người dân tăng đáng kể.
Trong năm 2023, An Nhơn tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, hoàn chỉnh khung giao thông toàn thị xã, tạo đà để An Nhơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2024, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đặt ra.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Mỹ Đặng Văn Lành bày tỏ: Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2018) và đang thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao (đã đạt 11/19 tiêu chí), từng bước đáp ứng vai trò đô thị vệ tinh của thị xã An Nhơn.
Thị xã Hoài Nhơn đang trong quá trình đẩy mạnh tốc độ phát triển đô thị, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2035, giữ vai trò là trung tâm kinh tế-xã hội phía bắc của tỉnh. Hệ thống hạ tầng đồng bộ khang trang, công trình Đền thờ Liệt sĩ thị xã Hoài Nhơn trang nghiêm, bề thế giữa trung tâm thị xã.
Trong Đền, khu chính điện thờ Bác Hồ, hai bên thờ các liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên các bức tường là bia đá hoa cương khắc tên 11.277 liệt sĩ theo từng xã, thị trấn và hơn 1.900 Mẹ Việt Nam Anh hùng của huyện đã từ trần. Trong câu chuyện của cán bộ và người dân, nơi đây từng là chiến trường ác liệt, hứng chịu không biết bao nhiêu bom, đạn, chất độc hóa học, quê hương bị tàn phá nặng nề, nhiều nơi hoang hóa, xứ dừa Tam Quan nổi tiếng có lúc không còn một bóng cây...
Hoài Nhơn là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2018, sớm 2 năm so với kế hoạch). Trong hơn 10 năm (2009-2020), nền kinh tế thị xã liên tục tăng trưởng, tốc độ GRDP tăng bình quân hơn 19%/ năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển đóng vai trò quan trọng.
Đặc biệt là ngư nghiệp phát triển mạnh với đội tàu hùng mạnh hơn 2.400 chiếc, phần lớn hoạt động trên các vùng biển xa, trong đó đội tàu câu cá ngừ đại dương lớn nhất cả nước (khoảng 1.400 chiếc), sản lượng khai thác cá ngừ đại dương gần 10 nghìn tấn/năm... Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Thị xã xác định tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, theo hướng đạt chuẩn đô thị loại III; đồng thời xây dựng Hoài Nhơn theo hướng “1 trục, 2 cánh, 4 trung tâm”.
Đó là: Một trục động lực chủ đạo Bắc-Nam bao gồm Quốc lộ 1A cũ (là trục chính đô thị Hoài Nhơn), tuyến đường sắt quốc gia, các tuyến đường tránh. Hai cánh phát triển gồm cánh phía tây là khu vực đồi núi, phát triển lâm nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái; cánh phía đông là khu vực nông nghiệp và vùng ven biển, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp, cảng và dịch vụ du lịch biển. Thị xã chia thành 4 trung tâm phát triển phù hợp điều kiện địa lý, ngành nghề địa phương.
Đồng chí Phạm Trương, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn cho biết: Hiện nay, thị xã tập trung cải tạo, chỉnh trang đô thị trung tâm, đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường chính nhằm nâng cao năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa và tạo sự liên kết giữa các khu vực, các phường, xã; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ-du lịch, làng nghề...
Người Hoài Nhơn nhân ái, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo, luôn đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển, xây dựng thị xã ngày càng giàu đẹp. Phẩm chất cách mạng trong mỗi người dân nơi đây thể hiện qua tính cách đã nói là làm, đã làm là đi đầu.
Quyết tâm bứt phá vươn lên
Sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên của mỗi địa phương đã tạo sức mạnh tổng hợp để Bình Định bứt phá trong những năm gần đây và tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Theo đồng chí Nguyễn Huỳnh Huyện, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, năm 2022, Bình Định đạt mức tăng trưởng 8,57%, là mức cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 6 trong số 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đứng thứ 3 trong số 5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70,7 triệu đồng/năm. 6 tháng đầu năm nay, ước tính GRDP tăng 6,46%.
Để tiến nhanh, tiến chắc tới mục tiêu, Bình Định đã xác định và đang tập trung thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp; du lịch; dịch vụ và cảng logistics; nông, lâm nghiệp, thủy sản công nghệ cao; kinh tế đô thị gắn với đô thị hóa.
Tỉnh triển khai 3 khâu đột phá về tạo chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao; xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, với chủ trương hạ tầng “đi trước”, từ cấp tỉnh đến các địa phương cơ sở đã huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối.
Đây là nét nổi bật nhất trong diện mạo phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhiệm kỳ này, tỉnh quyết tâm hoàn thành toàn bộ tuyến đường ven biển, trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành tuyến đường ven biển có nền đường 20-22 m.
Tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng bàn giao cho các đơn vị thi công Trung ương xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam và các tuyến đường theo quy hoạch, để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành các tuyến đường giao thông huyết mạch (đường ven biển, đường cao tốc, các tuyến đường ngang kết nối từ đường cao tốc đến đường ven biển).
Tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thực chất, hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp và các dự án trọng điểm như: Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, Khu liên hợp gang thép và Bến cảng Long Sơn, dự án điện gió ngoài khơi; đồng thời rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh là phải bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 “Về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tỉnh tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động cao, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế so sánh và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.
Quá trình thực hiện, tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và kiên trì thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng, 3 đột phá chiến lược đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn nhằm tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài.
Tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương thúc đẩy liên kết vùng, nhất là trong liên kết nhanh nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số. Đặc biệt, tỉnh Bình Định tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.