Khảo cổ học kiến trúc thời Lý, Trần

Kết quả nghiên cứu nhiều năm qua dưới góc độ tư liệu khảo cổ và sử liệu dần hé lộ những nét mới về kiến trúc cổ Việt Nam thời Lý và thời Trần trên nhiều phương diện.

Một số hiện vật thời Lý được các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu kinh thành tìm thấy trong quá trình khai quật.
Một số hiện vật thời Lý được các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu kinh thành tìm thấy trong quá trình khai quật.

Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long từ những năm 2002 đã tìm thấy phần còn lại của những tòa nhà kiên cố - thể hiện rõ qua dấu tích nền móng các công trình. Những điều này càng khẳng định thêm giá trị và tầm quan trọng đặc biệt của khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Nằm trong chiếc nôi của nền văn minh châu Á, kiến trúc cổ Việt Nam cũng giống như kiến trúc cổ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều chủ yếu là loại kiến trúc có bộ khung chịu lực bằng gỗ. Dù hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, Trần không đủ cơ sở dữ liệu khoa học để nhận diện như kiến trúc Cố Cung - Bắc Kinh (Trung Quốc), Changdokung - Seoul (Hàn Quốc) hay Nara (Nhật Bản) nhưng những phát hiện khảo cổ học tại khu di tích 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) đã minh chứng thuyết phục rằng các cung điện, lầu gác thời Lý, Trần trong Hoàng cung Thăng Long xưa đều là kiến trúc gỗ, có bộ mái lợp ngói rất công phu, tráng lệ, mang tính vương quyền, thể hiện quyền lực của hoàng đế.

Nhìn tổng thể về quy hoạch, kiến trúc thời Lý không tuân thủ nghiêm ngặt về bố cục không gian theo tính chất đăng đối qua trục trung tâm (như trong quy hoạch đô thị mang tính chuẩn mực của quy chế xây dựng cổ đại ở Trung Quốc). Sự đăng đối trong bố cục của kiến trúc thời Lý chủ yếu mang tính tương đối, thể hiện tính linh hoạt, năng động và mang bản sắc riêng.

Những di vật là vật liệu kiến trúc phản chiếu nghệ thuật trang trí mái cung điện và cả kiến trúc cung điện thời Lý. Đây là những thành tựu đỉnh cao trong sự phát triển của kinh thành Thăng Long, phản ánh trình độ và kỹ thuật xây dựng cao của vương triều Lý. Nghiên cứu đánh giá về phương vị, bố cục không gian và thiết kế kiến trúc, có thể thấy kiến trúc thời Lý đã phát triển mạnh mẽ, là kiến trúc cung điện nổi bật nhất của nền văn minh Đại Việt, có sắc thái độc đáo, riêng biệt nhất trong hệ thống kiến trúc cung điện trong khu vực châu Á. Từ những chiếc “đấu”, “củng” gỗ khai quật được, nhất là dựa vào kết quả nghiên cứu so sánh với các mô hình kiến trúc thời Trần, kiến trúc thời Lý có hệ thống khung giá đỡ là hệ “đấu - củng” giống như kiến trúc gỗ tại các cung điện của Trung Quốc hay Nhật Bản, Hàn Quốc. TS To-mo-da Ma-sa-hi-ko, Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa quốc gia Tokyo, nêu nhận xét rằng hệ đấu củng của kiến trúc gỗ Việt Nam thời Lý đơn giản, không phức tạp như kiến trúc cung điện của các quốc gia nói trên. Tư liệu từ một số mô hình cho thấy, đấu - củng thời Lý, Trần còn có sự kết hợp với điêu khắc tượng linh thú. Kiến trúc cung điện Việt Nam phổ biến sử dụng tàu mái che rui. Đây là nét đặc trưng của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.

Năm 2014 - 2015, các nhà khảo cổ đã tiến hành hai đợt khai quật tại khu vực hành cung Lỗ Giang - đền Trần - Thái Lăng, (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông Lê Đình Ngọc, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, cho biết: “Điểm đặc biệt nhất về kỹ thuật xây dựng kiến trúc tại hành cung Lỗ Giang là sự độc đáo trong kỹ thuật xây dựng móng trụ. Móng trụ ở đây được làm “kép đôi” và “kép ba”. Một điểm đáng chú ý khác là kỹ thuật xây dựng bó nền, về cơ bản vẫn được xếp bằng gạch chữ nhật nhưng các đoạn gạch không liên tục mà tách rời thành từng đoạn có chiều dài bằng nhau, đều nhau. Các đoạn đứt được gia cố bằng cọc gỗ hoặc các trụ đá dựng đứng làm cho nền kiến trúc được đẩy cao và chắc chắn hơn”.

Do được làm bằng gỗ, phần lớn những kiến trúc đều khó bảo tồn nguyên vẹn. Nhiều nguyên nhân khác cũng gây xáo trộn và mất mát: sự di chuyển kinh đô, chiến tranh, hỏa hoạn, xây dựng mới… vì thế, gần như tất cả các công trình kiến trúc cung điện ở Việt Nam thời Lý, Trần đã bị hủy hoại và chôn vùi dưới lòng đất. Việc nghiên cứu nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần gặp nhiều khó khăn. Phần giữa và phần trên (phần nổi nhìn thấy được) của công trình kiến trúc là hệ thống khung gỗ và khung giá đỡ bộ mái của các điện, gác, sảnh đường, lầu gác hầu như không còn dữ liệu. Trong bối cảnh đó, PGS, TS Bùi Minh Trí cho rằng: “Việc nghiên cứu về mô hình kiến trúc, bao gồm cả những di vật khắc, vẽ hình kiến trúc là hướng tiếp cận rất quan trọng. Đây được xem là khối tư liệu quý giá, cung cấp nhiều thông tin có giá trị về hình thái kiến trúc gỗ Việt Nam để giúp các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá về kiến trúc Việt Nam thời Lý, Trần”