ND - Hiện nay các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện đảo Lý Sơn đang tìm đường ra cho cây tỏi, giúp người nông dân phát triển sản xuất và tìm đầu ra lâu dài trên thị trường, để cây tỏi của bà con nông dân Lý Sơn có cơ hội khẳng định lại mình, lấy lại vị thế trên thị trường.
Trong nhiều thập kỷ qua cây tỏi luôn gắn liền với đời sống của người nông dân và được xem như loại cây "đổi đời" của người nông dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Nhưng hiện nay việc sản xuất tỏi đang trở nên không còn "mặn mà" đối với người dân mà chỉ mang tính "cầm chừng".
Bởi nhiều nỗi lo đang rình rập chung quanh cây tỏi và điều này được thể hiện rõ nét trên từng khuôn mặt của người nông dân trồng tỏi.
Gắn liền với địa danh tên của một vùng đất. Cây tỏi Lý Sơn, được biết đến trên thị trường trong nam và ngoài bắc, bởi hương thơm và giá trị sử dụng. Có một thời người nông dân trồng tỏi Lý Sơn luôn ví cây tỏi là: "Vàng trắng". Bởi nghề trồng tỏi cho họ thu nhập cao hơn bất cứ mọi ngành nghề khác. Do đó câu cửa miệng "làm vua thua làm tỏi" và sự "lên ngôi" của cây tỏi Lý Sơn trên thị trường trong nước trong những năm cuối thập niên 90 là một minh chứng, nhiều hộ nông dân Lý Sơn thoát nghèo và nhanh chóng làm giàu chính nhờ cây tỏi và đó là chuyện của nhiều năm trước.
Còn hiện nay khi cây tỏi Lý Sơn không còn "độc tôn" và có nguy cơ thu hẹp thị trường tiêu thụ, bởi sự cạnh tranh của cây tỏi nhiều địa phương khác, do đó diện tích gieo trồng và năng suất, sản lượng cho thu hoạch của cây tỏi Lý Sơn hằng năm đều giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết và giá cả bấp bênh và đó đang là gánh nặng của người nông dân trồng tỏi Lý Sơn. Bên cạnh đó trong mấy năm trở lại đây giá nhiên liệu, phân bón, thuốc trừ sâu.... không ngừng tăng cao thì nghề trồng tỏi đang là nỗi lo của người nông dân trên đảo.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Bùi Thị Thơm ở xã An Vĩnh bức xúc cho biết: "Chưa bao giờ giá phân bón, thuốc trừ sâu, giá đất cát trắng lại tăng cao như năm vừa qua, trong khi giá tỏi không tăng, người nông dân làm tỏi khổ lắm, phải một nắng hai sương, làm tỏi bây giờ khác trước, chẳng qua là đổi cơm cũ lấy cơm mới sống qua ngày mà thôi, người nông dân chúng tôi không trồng cây tỏi thì biết trồng cây gì".
Theo tính toán của bà Thơm nếu trồng một sào tỏi trong vụ đông xuân năm nay thì người nông dân phải đầu tư từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng/sào, đó là chưa kể giống, công chăm sóc kéo dài trong suốt thời gian bốn, năm tháng, nếu thời tiết thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh và giá cả như thời điểm hiện nay thì một sào trồng tỏi cho năng suất, sản lượng thu hoạch cao, người nông dân mới có lãi đôi chút nhưng chẳng đáng là bao.
Ðơn cử như vụ tỏi đông xuân 2007-2008 để trồng 0,4 ha cây tỏi, gia đình bà Thơm phải đầu tư hơn 10 triệu đồng và hơn 100 kg tỏi giống nhưng khi cho thu hoạch và mang đi tiêu thụ với giá cả thị trường biến động thất thường, gia đình bà chỉ thu lại vốn, không có lãi, đó là chưa kể công chăm sóc.
Không riêng gì với gia đình bà Thơm mà phần lớn người nông dân trồng tỏi Lý Sơn đều chịu chung cảnh ngộ. Nhiều hộ nông dân đầu tư trồng hơn một ha thì trở nên khốn đốn, bởi khó thu hồi lại vốn do sản lượng thu hoạch không cao, chất lượng củ tỏi không bảo quản được lâu, giá cả thấp.
Tìm hiểu có thể thấy: Xét về chất lượng thì cây tỏi Lý Sơn có mùi vị và giá trị sử dụng hơn hẳn các loại tỏi khác và được phần lớn người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng và chấp nhận nhưng chất lượng mẫu mã bên ngoài, độ đồng đều của tỏi sau thu hoạch cho củ không to và độ hấp dẫn nhìn bằng mắt thường không bằng các loại tỏi khác nên chưa có sức thu hút thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, mấy năm nay tỏi của nhiều địa phương khác xuất hiện nhiều trên thị trường với số lượng lớn, củ to hơn, giá rẻ hơn nên tỏi Lý Sơn không còn "độc quyền" và phải được đặt "ngang bằng giá" với các loại tỏi khác, trong khi cây tỏi Lý Sơn được người nông dân đầu tư chăm sóc cao hơn, kỹ hơn nên có sự cạnh tranh quyết liệt về mặt giá cả.
Xét trên lĩnh vực đầu tư trong sản xuất, cây tỏi Lý Sơn phải trải qua nhiều công đoạn khá công phu từ khâu cải tạo đất, đến khâu chọn giống, chăm sóc. Do đó mức đầu tư trên cùng một diện tích gieo trồng của cây tỏi Lý Sơn luôn cao hơn so với các loại tỏi khác, nhưng năng suất, sản lượng cho thu hoạch luôn thấp hơn và giá thành bán ra chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn.
Một yếu tố vô cùng quan trọng không thể thiếu được trong sản xuất cây tỏi của người nông dân Lý Sơn, đó là nguồn đất cát trắng để phục vụ cho khâu cải tạo đất, đây là đặc trưng truyền thống và cũng là đặc thù của khí hậu Lý Sơn, hiện nay nguồn cát trắng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của địa phương đã cạn kiệt và đang là nguy cơ đe dọa đến sự "sống còn" của cây tỏi.
Ðể gieo trồng được cây tỏi trong điều kiện như hiện nay người dân phải tận dụng và tái sử dụng lại nguồn cát trắng đã qua sử dụng, hoặc sử dụng nguồn cát trắng được hút lên từ biển có độ mặn cao, vì vậy ảnh hưởng sự sinh trưởng, phát triển và hương vị của cây tỏi, đó là chưa kể ảnh hưởng của nguồn nước tưới tiêu, khí hậu, thời tiết không thuận lợi, đã và đang tác động trực tiếp việc sản xuất cây tỏi và đó là nguyên nhân dẫn đến cây tỏi Lý Sơn hằng năm bị thu hẹp dần diện tích gieo trồng và cho năng suất, sản lượng thấp hơn các loại tỏi khác trong suốt thời gian vừa qua.
Trước thực trạng trên, các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện đảo Lý Sơn đang tìm đường ra cho cây tỏi, giúp người nông dân phát triển sản xuất và tìm đầu ra lâu dài trên thị trường. Cây tỏi của bà con nông dân Lý Sơn đã có cơ hội khẳng định lại mình, và lấy lại vị thế trên thị trường. Sự trở lại thời "hoàng kim" của cây tỏi Lý Sơn như vốn có đang chỉ còn là vấn đề thời gian và đó cũng là nguyện vọng chung của người nông dân trồng tỏi tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.