Nguy cơ lây lan trên diện rộng
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, tính đến cuối tháng 7, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn của cả nước là 31.304 ha (tăng 9.893 ha so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, diện tích nhiễm nặng khoảng 5.469 ha. Bệnh phát sinh và gây hại tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang và Hà Tĩnh.
Tính đến cuối tháng 7-2019, Tây Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh khảm lá sắn với diện tích nhiễm bệnh lên tới 26.935,4 ha (84% tổng diện tích nhiễm bệnh của cả nước), phân bố tại 38 xã thuộc chín huyện, thành phố có trồng sắn. Cụ thể, vụ đông xuân 2018 - 2019, diện tích nhiễm bệnh khảm lá trên cây sắn ở giai đoạn từ sáu đến chín tháng sau trồng của Tây Ninh là 20.271,7 ha. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là 15.773 ha, nhiễm trung bình 2.734 ha và nhiễm nặng 1.764,7 ha. Vụ hè thu 2019, diện tích sắn nhiễm bệnh là 6.663,7 ha, chủ yếu ở giai đoạn từ hai đến bốn tháng sau trồng. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là 2.372,5 ha; nhiễm trung bình 1.993,2 ha và nhiễm nặng là 2.298 ha.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 7, có hơn 600 ha diện tích cây sắn mắc bệnh khảm lá. Tại Bình Dương, tổng diện tích sắn bị nhiễm bệnh tính đến ngày 25-7 là 1.364,5 ha, trong đó, 624,5 ha nhiễm nhẹ, 484 ha nhiễm bệnh ở mức trung bình, 256 ha nhiễm nặng. Tại Phú Yên, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá hiện vào khoảng 688,8 ha, trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 233,6 ha, nhiễm trung bình 227,6 ha, nhiễm nặng 227,6 ha, diện tích nhiễm nặng phải tiêu hủy 25,2 ha… Ở khu vực phía bắc, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên phát hiện bệnh khảm lá trên cây sắn. Tính đến hết tháng 7, diện tích sắn bị nhiễm bệnh ở Hà Tĩnh khoảng 170 ha. Nếu như không có giải pháp phòng, trừ, khoanh vùng kịp thời, nguy cơ lây lan, bùng phát bệnh khảm lá trên cây sắn tại các tỉnh phía bắc là rất lớn.
Theo Cục BVTV, nguyên nhân khiến cho bệnh khảm lá trên cây sắn thời gian qua lây lan nhanh, chủ yếu là do mùa vụ sản xuất của cây sắn diễn ra liên tục, tạo thuận lợi cho việc lây nhiễm chéo dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho sản xuất đại trà cũng làm tăng nguy cơ lây lan. Từ lâu nay, người dân có thói quen tự để giống sắn. Nhiều vườn sắn bị bệnh nhẹ, quan sát bằng mắt chưa thể phát hiện được bệnh cho nên người dân vẫn để giống. Đến khi hom sắn mọc mầm, biểu hiện bệnh nhưng nhiều người tiếc, không tiêu hủy, khiến bệnh lây lan, phát tán. Cùng với đó, các vùng trồng sắn lớn chủ yếu là vùng sâu, vùng xa cho nên công tác hướng dẫn, chỉ đạo gặp nhiều khó khăn.
Chủ động sử dụng nguồn giống sạch bệnh, kháng bệnh
Theo Sở NN và PTNT tỉnh Tây Ninh, trước sự lây lan và bùng phát của bệnh khảm lá trên cây sắn, địa phương này đã chủ động tăng cường sử dụng cơ cấu giống sắn KM 419 và KM 94 (đây là hai loại giống có mức độ nhiễm bệnh nhẹ nhất đến thời điểm hiện tại) với tỷ lệ chiếm hơn 75% cơ cấu giống được trồng. Do vậy, diện tích nhiễm bệnh thời gian qua tuy còn cao nhưng mức độ gây hại của bệnh đã giảm rất nhiều so với các năm 2017, 2018. Như vậy, việc sử dụng giống sắn ít chịu ảnh hưởng bệnh như: KM 94, KM 140... kết hợp với việc làm tốt công tác phòng trừ thì mức độ gây hại của bệnh cũng như ảnh hưởng của bệnh đến năng suất và chất lượng của sắn sẽ giảm nhiều.
Theo Thứ trưởng Bộ NN và PTNT kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh khảm lá sắn Lê Quốc Doanh, để kiểm soát được bệnh khảm lá sắn, các đơn vị liên quan cần phải tập trung nghiên cứu các giống kháng bệnh; xác định bộ giống kháng - nhiễm nhẹ - nhiễm nặng để từ đó có cơ sở hướng dẫn các địa phương áp dụng bộ giống phù hợp vào sản xuất. Riêng ở vùng dịch Tây Ninh, căn cứ kết quả các mô hình sản xuất giống sạch bệnh và tình hình bệnh hiện tại, địa phương này không tiếp tục sản xuất giống sạch bệnh nữa mà tập trung vào việc hỗ trợ, vận động nông dân mua giống sắn sạch bệnh ở các tỉnh lân cận không bị bệnh hoặc nhiễm bệnh ít như Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang,… về làm giống. Ở các tỉnh, thành phố khác, do hầu hết nhiễm bệnh với diện tích nhỏ cho nên việc áp dụng biện pháp giống sạch bệnh, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân không trồng lại giống sắn ở các ruộng đã bị bệnh sẽ có khả năng dập tắt các ổ bệnh nhanh hơn. Do vậy, UBND tỉnh, huyện có diện tích sắn bị nhiễm bệnh chỉ đạo chính quyền các cấp vận động người dân chia sẻ giống sạch bệnh; phối hợp với các đơn vị liên quan phát động phong trào vì cộng đồng phòng, chống bệnh khảm lá sắn, thực hiện tiêu hủy toàn bộ nguồn cây sắn nhiễm bệnh sắp thu hoạch.
Tính đến cuối tháng 7, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên ở phía bắc có sắn bị nhiễm bệnh do mua nguồn giống từ phía nam ra trồng. Để tránh lây lan ra các tỉnh phía bắc, Bộ NN và PTNT, Cục BVTV cần phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm soát, tiêu hủy hoàn toàn nguồn bệnh. Cần rà soát kỹ các diện tích trồng sắn để phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống; tăng cường kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống từ các địa phương đang có dịch về địa bàn; hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng trừ bệnh theo quy trình kỹ thuật mà Cục BVTV đã ban hành.
Bệnh khảm lá vi-rút hại sắn (tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemissia tabaci) và qua hom giống. Khả năng lây lan của bệnh khảm lá trên cây sắn rất nhanh, gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn ở Việt Nam và đến nay chưa có thuốc đặc trị. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm. Bệnh nặng làm giảm mạnh năng suất của cây. |