Khẩn trương phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT - Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và đang có nguy cơ tái phát, các tỉnh, TP Đà Nẵng, Đác Lắc, Vĩnh Long, Gia Lai và Bạc Liêu đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, không để dịch lây ra trên diện rộng.

Tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Vĩnh Long. (ẢNH: BÁ DŨNG)
Tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Vĩnh Long. (ẢNH: BÁ DŨNG)

* Chiều 3-6, lãnh đạo huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) xác nhận đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, trở thành địa phương thứ 53 trên cả nước có dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, hai hộ dân chăn nuôi ở thôn Hội Phước, xã Hòa Phú và thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong báo lợn nuôi có dấu hiệu bỏ ăn, ủ rũ.... nên lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy số lợn trên dương tính dịch tả lợn châu Phi.

Hiện, huyện Hòa Vang đã công bố dịch ở địa bàn xã Hòa Phú và Hòa Phong. Tất cả số lượng đã được tiêu hủy. Trước tình hình đó, UBND huyện Hòa Vang cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, thực hiện theo các quy định, quy trình về phòng chống dịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng cũng phối hợp UBND huyện Hòa Vang giám sát, rà soát kỹ diễn biến và báo cáo cụ thể lên ban, ngành liên quan và UBND thành phố.

* Sau ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc vừa ghi nhận thêm ba ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại xã Ea Rốc và Đồn biên phòng Yok Mbre, xã Ea Bung, huyện biên giới Ea Súp.

Khẩn trương phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Các ngành chức năng huyện Ea Súp cân số lượng lợn bị dịch tả lợn châu Phi để hỗ trợ cho người dân chăn nuôi. (Ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ)

Trong hai ngày 31-5 và 1-6, gia đình ông Cao Ngọc Đình, thôn 18 và hộ ông Đinh Quốc Tuấn, thôn 12, xã Ea Rốc, huyện Ea Súp báo đến cơ quan chức năng địa phương đàn lợn 56 con của gia đình có hiện tượng bỏ ăn, da hồng nhạt, nghi mắc dịch tả lợn châu Phi; tại Đồn Biên phòng Yok Mbre, xã Ea Bung cũng phát hiện 20 con lợn rừng lai bỏ ăn, ốm chết.

Ngay sau khi nhận được tin báo xuất hiện dịch bệnh, Trạm chăn nuôi và thú y huyện Ea Súp phối hợp Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đác Lắc tiến hành lấy mẫu bệnh gửi Chi cục thú y vùng V để xét nghiệm. Kết quả đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 3-6, UBND huyện Ea Súp tổ chức họp khẩn, triển khai công tác phòng, chống dịch vừa xuất hiện trên địa bàn, đồng thời, tiến hành tiêu hủy 116 con lợn mắc dịch với khối lượng gần bốn tấn; tổ chức các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng bao vây các ổ dịch.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc ghi nhận bốn ổ dịch tả lợn châu Phi tại thành phố Buôn Ma Thuột và huyện biên giới Ea Súp, tổng số lợn tiêu hủy là 149 con.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc chỉ đạo Chi cục chăn nuôi và thú y cấp hóa chất, vôi bột cho các địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng. Tỉnh cũng tăng cường lực lượng lập chốt kiểm dịch động vật tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột khu vực tiếp giáp với tỉnh Đác Nông; cửa khẩu Đác Ruê, xã Ea Bung, huyện Ea Súp; kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp bán tháo lợn, tiêu thụ lợn bị bệnh trong và ngoài vùng dịch.

* Chiều 3-6, tin từ ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, cho biết từ ngày 11-5 đến ngày 1-6, tỉnh Vĩnh Long đã có 21 hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng số tiêu hủy là 416 con.

Cụ thể, các ổ dịch xảy ra tại Phường 5, Phường 8 (TP.Vĩnh Long), xã Thanh Đức (huyện Long Hồ); xã Bình Phước, Tân Long Hội, Chánh Hội (huyện Mang Thít); xã Tân Thành, Thành Đông (huyện Bình Tân); xã Thuận An, Đông Thạnh (TX.Bình Minh).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long, hiện nay, ngoài kịp thời ngăn ngừa các ổ dịch mới xuất hiện và duy trì 12 chốt kiểm dịch, tại các ổ dịch cũ, ngành thú y đang tích cực phối hợp các địa phương, ngành chức năng tiếp tục thực hiện tiêu độc sát trùng môi trường xung quanh ổ dịch với tổng tích hơn 218.400m2.

Đặc biệt, ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng, hiểu rõ về dịch bệnh và chủ động phòng ngừa hiệu quả.

* Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), đến ngày 3-6, trên địa bàn huyện đã có 638 con lợn của 117 hộ chăn nuôi tại các xã Chư Don, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa bị chết và tiêu hủy

Khẩn trương phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh 2

Tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. (ẢNH: PHAN HÒA)

Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi huyện Chư Pưh cho biết: Ngay khi phát hiện dịch bệnh, các cấp, ngành của huyện đã tập trung mọi nguồn lực để khống chế các ổ dịch, hạn chế lây lan trên diện rộng nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Theo đó, huyện chỉ đạo tập trung phun tiêu độc khử trùng, rải vôi trong vùng dịch và các vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; kiểm soát, khoanh vùng không cho vận chuyển lợn từ vùng dịch ra ngoài. Huyện cũng thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, giám sát việc buôn bán lợn trong các chợ, vùng đệm, vùng bị dịch uy hiếp, tăng cường giám sát chặt chẽ các lò giết mổ từ lúc đưa lợn vào đến lúc đưa sản phẩm thịt ra thị trường tiêu thụ. Đến nay, huyện đã thành lập bảy chốt kiểm dịch tạm thời cùng với hai chốt tỉnh hoạt động liên tục 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch.

Theo đánh giá của ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hiện tại ngoài bốn ổ dịch tại các xã Chư Don, Ia Le, Ia Blứ và thị trấn Nhơn Hòa, trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa phát sinh ổ dịch mới. Sau khi đi vào hoạt động, hai chốt kiểm dịch tạm thời của tỉnh và các chốt tạm của các địa phương đang kiểm soát hiệu quả việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn. Ngoài ra, tỉnh cũng đã kịp thời hỗ trợ 800 lít hóa chất Bencocid, 100 bộ đồ bảo hộ đưa xuống các địa phương nơi có dịch bệnh; đề xuất Trung ương cấp 30.000 lít hóa chất với quyết tâm ngăn chặn không để sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.

*Ngày 2-6, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức họp khẩn cấp. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đến chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các sở, ngành chức năng của tỉnh, nhằm quyết liệt ngăn chặn, không để dịch lây ra trên diện rộng.

Khẩn trương phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ảnh 3

Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu kiểm tra, chỉ đạo dập dịch bệnh lợn châu Phi tại huyện Vĩnh Lợi. (ẢNH: TRỌNG DUY)

Theo báo cáo của Chi cục Chăn Nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một vài ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Đáng lưu ý, hiện nay bệnh dịch này đang có nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng rất cao, đe dọa đến sản xuất, đời sống của nhiều hộ nông dân trong tỉnh

Trước tình hình nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chỉ đạo các Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các sở ngành ngành chức năng, nhất là ngành nông nghiệp không được lơ là, chủ quan, cần chủ động, tích cực và kiên quyết phòng chống, ngăn chặn dịch.

Theo đó, chính quyền các huyện, thị xã và ngành chức năng trước mắt cần tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, phun xịt thuốc sát trùng chuồng trại và hố chôn, nhằm khoanh vùng tiêu diệt mầm bệnh không để dịch lây lan trên diện rộng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền tỉnh hiện nay là tập trung mọi biện pháp kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để lây lan diện rộng.

* Chi trả tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi cho người dân ở Lào Cai