Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ quét, ngập úng do mưa hoàn lưu sau bão

Ngày 3-8, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 937/CÐ-TTg về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3.

Cán bộ, nhân viên Ðoàn KT-QP 5 giúp người dân xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) khắc phục hậu quả lũ quét. Ảnh: MẠNH HÙNG
Cán bộ, nhân viên Ðoàn KT-QP 5 giúp người dân xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) khắc phục hậu quả lũ quét. Ảnh: MẠNH HÙNG

Theo đó, yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa và các địa phương tiếp tục chủ động sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời. Tập trung cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 4, các lực lượng đóng quân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn đối với những người mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương, nhất là tại tỉnh Thanh Hoá. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, khắc phục nhanh sự cố trên các tuyến quốc lộ, hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm bị sạt lở, ách tắc trên trục giao thông chính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo kiểm tra, kịp thời sửa chữa các hồ đập thủy lợi, thủy điện, các công trình bị sự cố do mưa lũ, sớm khôi phục sản xuất, chủ động ứng phó đợt mưa lũ tiếp theo. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân và các cơ quan liên quan biết chủ động phòng, tránh, ứng phó. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổng hợp thiệt hại, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 gây mưa lớn trên địa bàn TP Hà Nội, sáng 3-8, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra công tác quản lý, vận hành ba trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Vân Ðình và Yên Sở. Ðây là ba trạm bơm tiêu lớn của Thủ đô, có vai trò quan trọng đối với việc điều tiết nước và tiêu úng cho thành phố.

Trực tiếp kiểm tra công tác quản lý, vận hành các trạm bơm, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị cán bộ, công nhân viên trạm bơm duy trì ứng trực liên tục 24 giờ trong ngày, bám sát tình hình thời tiết, trước mắt chủ động tiêu nước đệm để hạ mực nước lưu vực sông Nhuệ, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước nhanh nhất, khi có mưa lớn.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác dự báo để xây dựng kế hoạch quản lý, vận hành phù hợp, nhằm chủ động tiêu thoát nước một cách nhanh nhất khi xảy ra các trận mưa cực đoan, vượt dự báo. Về tổng thể, đồng chí đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công, mở rộng kênh La Khê, giúp nâng cao khả năng tiêu úng cho sông Nhuệ. Ðồng thời, chuẩn bị kỹ hồ sơ, chuyển đổi hình thức đầu tư để sớm triển khai các dự án trạm bơm Liên Mạc và trạm bơm Ðông Mỹ, từ đó hỗ trợ, khớp nối hệ thống tiêu thoát nước chung của thành phố.

Ðồng chí biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên các công ty thủy lợi, công ty thoát nước của thành phố trong công tác phòng, chống lụt bão. Ðồng chí lưu ý, thời gian tới, tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, do vậy các công ty thủy lợi, công ty thoát nước cần bám sát diễn biến thời tiết, chủ động các phương án để sẵn sàng bơm tiêu úng và tiêu thoát nước ở cả khu vực nội thành và ngoại thành, giảm thấp nhất các điểm úng ngập cũng như thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ quét, ngập úng do mưa hoàn lưu sau bão ảnh 1

Nhân viên Công ty Công viên cây xanh Hà Nội dọn dẹp cây đổ trên tuyến phố Huế. Ảnh: Minh Hà

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sáng sớm 3-8, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp, di chuyển theo hướng tây tây nam và tan dần. Tuy nhiên, tình hình mưa lớn, lũ, lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị còn diễn biến phức tạp. Ðây là tin cuối cùng về bão số 3.

* Tại Bắc Bộ, từ hôm nay (4-8) đến 9-8, trên các sông sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ ở khu vực thượng lưu từ 3 đến 5m, hạ lưu từ 1 đến 3m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt mức báo động (BÐ) 2; sông Hoàng Long đạt mức BÐ1, BÐ2; thượng lưu sông Lô, lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Ðà, thượng lưu sông Thái Bình, sông Bằng Giang đạt mức BÐ 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở nhiều tỉnh miền núi. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhất là ở Hưng Yên, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội.

Sáng 3-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm về ứng phó với bão số 3 và chỉ đạo ứng phó mưa lũ sau bão. Ban Chỉ đạo đánh giá cao việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ công tác PCTT của các lực lượng từ T.Ư đến địa phương, nhất là các tỉnh ven biển đã bảo đảm an toàn cho người dân, tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ, đến nay chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể. Dự báo, hoàn lưu sau bão còn diễn biến phức tạp, các địa phương cần tiếp tục theo dõi, xử lý kịp thời sự cố thiên tai. Ðối với khu vực miền núi, cần rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án ứng phó và bố trí lực lượng thường xuyên canh gác, kiểm tra hướng dẫn người dân lưu thông tại ngầm tràn, các tuyến đường dễ ngập, cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở. Các tỉnh ven biển dỡ bỏ lệnh cấm biển; khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân. Kiểm tra nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng do bão gây ra ở công trình ven biển.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, đến chiều ngày 3-8, mưa, lũ do ảnh hưởng bão số 3 đã làm một người chết (tỉnh Bắc Cạn), 13 người mất liên lạc (một người tại huyện Mường Lát, 12 người tại huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), 24 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, nhiều tuyến đường như quốc lộ 217, 219 và đường liên huyện, liên xã bị sạt lở nghiêm trọng, gây cô lập nhiều điểm dân cư ở Quan Hóa và ách tắc giao thông.

* Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến 16 giờ ngày 3-8, mưa đã làm ngập úng khoảng gần 2.590 ha cây trồng tại các tỉnh phía bắc, trong đó Bắc Ninh hơn 1.500 ha, Hải Dương hơn 800 ha, Nam Ðịnh 190 ha… Hiện các địa phương ở Bắc bộ đã vận hành 462 máy bơm tại 102 trạm để tiêu úng. Bắc Bộ hiện cũng có 81 hồ chứa bị hư hỏng cần lưu ý, trong đó Hà Giang 6 hồ, Cao Bằng 4 hồ, Sơn La 9 hồ, Ðiện Biên 3 hồ, Hòa Bình 10 hồ...

* Theo Tổng cục PCTT, về 21 tàu cá của Quảng Bình đang neo đậu tại đảo Hải Nam, Trung Quốc tránh trú bão, đến 16 giờ 40 phút ngày 2-8, Ðồn Biên phòng Cảng Gianh đã liên lạc được với chủ các tàu.

* Tại TP Hải Phòng, bão số 3 làm bật gốc một số cây xanh trên các tuyến phố. Mưa bão gây mất điện tại 17 tuyến dây trung, hạ thế, ảnh hưởng đến hơn 88 nghìn khách hàng. Lệnh cấm biển đã được dỡ bỏ từ trưa 3-8, riêng tuyến vận tải hành khách bằng tàu thủy từ Hải Phòng đi Cát Bà và ngược lại sáng 4-8 mới hoạt động trở lại.

* Tại tỉnh Quảng Ninh, đêm 2-8, do mưa bão, một tàu cá của ngư dân Thanh Hóa bị chìm ở khu vực cảng cá Bạch Ðằng, thành phố Hạ Long gây thiệt hại lớn về tài sản, rất may là không có thiệt hại về người.

* Theo Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh, 8 giờ sáng 3-8, toàn bộ các chuyến tàu tham quan vịnh Hạ Long đã được cấp phép hoạt động trở lại, các tàu ra đảo Cô Tô được cấp phép hoạt động bình thường. Tại huyện Cô Tô, 100% tàu thuyền, bè mảng và các lồng bè; các hồ đập được bảo đảm; 100% khách du lịch ở lại trên đảo an toàn.

* Tính đến trưa 3-8, ở TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), bão số 3 không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, mưa lớn khiến khoảng 70 cây xanh đô thị bị gãy đổ, nước lũ trên sông biên giới Ka Long dâng cao. Rạng sáng 3-8, một đò chở bột mì trên sông Ka Long (đoạn thuộc Km 2) đứt neo, bị nước lũ cuốn trôi. Ðội kiểm soát Biên phòng Km 1, Ðồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái kịp thời cứu hộ, giúp chủ đò neo đậu an toàn.

* Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều nơi ở Thanh Hóa xuất hiện mưa to, lũ quét, gây thiệt hại nghiêm trọng đến người, tài sản của nhân dân. Theo UBND huyện Quan Sơn, ngày 3-8, bão số 3 gây mưa lớn và lũ quét, cuốn trôi nhiều người dân và làm cô lập, chia cắt 17 bản thuộc các xã: Na Mèo, Sơn Thủy, Sơn Ðiện, Sơn Hà, Tam Lư, Trung Tiến, Trung Thượng. Tính đến chiều 3-8, lực lượng cứu hộ đã cứu được sáu người bị cuốn trôi; mất liên lạc với chín người ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, hai người ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy. Mưa lũ cũng làm sập bốn nhà, cuốn trôi 18 ngôi nhà; 17 ngôi nhà bị sập một phần; tuyến đường Tam Thanh - Tam Lư bị ngập sâu nhiều đoạn. Huyện đã di dời khẩn cấp tám hộ, sơ tán 76 hộ ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tại huyện Mường Lát, sáng 3-8, một người dân ở bản Na Tao, xã Pù Nhi bị lũ trên suối Pù Nhi cuốn mất tích, đang được các lực lượng chức năng tìm kiếm. Mưa lớn cũng làm sạt lở ta-luy quốc lộ 15C từ xã Trung Lý đến xã Pù Nhi; tuyến đường từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý và tuyến đường từ xã Tén Tằn đi xã Quang Chiểu, xã Mường Chanh bị tắc. Mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tích cực rà soát thiệt hại và huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Từ ngày 2-8, một số hồ thủy điện ở Thanh Hóa phải xả lũ. Hồ thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa) xả lũ với lưu lượng từ 1.700 đến 3.050 m3/giây. Tại hồ thủy điện Bá Thước, Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa xả với lưu lượng từ 300 m3/giây đến 2.000 m3/giây. Các công ty đã có thông báo đến UBND các huyện, xã hạ du trong vùng ảnh hưởng để người dân biết.

Ngày 3-8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện yêu cầu các huyện miền núi phân công cán bộ xuống ngay các xã, địa bàn trọng điểm, vùng nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, chỉ đạo sơ tán dân đến nơi an toàn; tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, nhất là huyện Quan Sơn phối hợp Bộ đội Biên phòng, lực lượng tại chỗ tìm kiếm người còn mất tích, huy động nhân lực, phương tiện tại chỗ khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông, bảo đảm lưu thông thông suốt.

* Ngày 3-8, hoàn lưu bão số 3 gây mưa to trên diện rộng ở TP Hà Nội. Tại khu vực nội thành, nhiều tuyến phố ngập từ 0,2 đến 0,3 m, nhiều cây xanh gãy, đổ. Các đơn vị thủy lợi của thành phố đã vận hành 11 trạm bơm tiêu úng, với tổng số 34 máy, tổng lưu lượng bơm 65.500 m3/giờ, chủ yếu trên lưu vực sông Nhuệ để tiêu úng.

Ban Chỉ huy PCTT TP Hà Nội cho biết, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã làm sạt lở đê ở huyện Thường Tín, đoạn qua xã Tự Nhiên. Tổng chiều dài các điểm sạt lở khoảng 140 m, sâu từ 3 đến 5 m.

* Tại tỉnh Bắc Giang, mưa to làm ngập úng nhiều diện tích canh tác và gây lũ lớn chia cắt nhiều địa bàn tại các huyện miền núi. Tại xã An Lạc (huyện Sơn Ðộng) đã có bảy ngầm bị tràn, các thôn chia cắt hoàn toàn. Tại huyện Lục Ngạn, mưa lớn đã khiến nhiều diện tích cây ăn quả ngập úng.

* Tại Bắc Cạn, trưa ngày 3-8, tại Km142+700, quốc lộ 3, đoạn qua địa phận thôn Bản Giác, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới đã xảy ra một vụ lở đá vùi lấp xe máy do cháu Trần Kim Tuấn (SN 2002) điều khiển chở bà Trần Thị Tư (SN 1943) cùng trú ở thôn Tân Khang, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới. Hậu quả, bà Trần Thị Tư bị chết do đá vùi lấp; cháu Tuấn bị thương nặng. Quốc lộ 3 bị ách tắc cục bộ, giao thông tê liệt.

* Tại Phú Thọ, mưa lớn gây nguy cơ sạt lở bờ vở tả sông Thao đoạn qua khu 11 và khu 12, thuộc xã Ðỗ Xuyên, huyện Thanh Ba. Cụ thể, tại Km51+600 đến Km51+960, các vết nứt đe dọa đến tính mạng và tài sản của 37 hộ dân. UBND xã đã chỉ đạo đơn vị thi công sử dụng máy móc vận chuyển vật tư và kè đá hộc ở chân đê để khắc phục sự cố. Ðồng thời lên phương án di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

* Tại Sơn La, mưa lớn làm ngập úng nhiều điểm tại huyện Mộc Châu, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Tại bản Lả Mường, tiểu khu 7, xã Chiềng Sơn sạt lở ta-luy dương phía sau nhà của bốn hộ gia đình, khối lượng bùn đất vùi lấp khoảng 330 m3. Trên tỉnh lộ 102, tại vị trí tiểu khu 8 bị sạt lở ta-luy dương làm khoảng 500 m3 đất, đá đổ xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông cục bộ.

* Từ đêm 2-8 đến sáng 3-8, tại TP Ðiện Biên Phủ (tỉnh Ðiện Biên) xảy ra mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ, gây ngập úng cục bộ các tuyến đường chính. Ngoài ra, tại các huyện Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ tiếp tục có mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

* Tỉnh Lâm Ðồng, mưa lớn kèm gió, lốc xoáy mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến các xã Ða Kai, Sùng Nhơn, Mê Pu, Võ Xu, Vũ Hòa, Nam Chính, Ðức Chính và thị trấn Ðức Tài (huyện Ðức Linh) làm hư hại 132 căn nhà; 15 ha lúa bị ngã đổ; 27 ha cây cao-su, điều và cây công nghiệp bị gãy.

* Tại Cà Mau, ngày 1-8 xảy ra ba vụ sạt lở bờ sông ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn. Tại huyện Ngọc Hiển, sạt lở làm sập một căn nhà tại khóm 4, thị trấn Rạch Gốc. Tại huyện Năm Căn, sạt lở ven rạch Thầy Ðội, xã Tam Gang Tây dài 20 m, ảnh hưởng một căn nhà; sạt lở ven sông Vàm Ðầm với chiều dài 44 m, rộng 20 m làm đổ một căn nhà và một kho chứa vật liệu xây dựng.

Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù ảnh hưởng bão nhưng nước về các hồ chứa thủy điện thuộc EVN đang vận hành vẫn chưa tăng lên. Mức nước các hồ chứa khu vực miền núi phía bắc vẫn đang ở mức thấp ngoài hồ chứa Trung Sơn xả lũ do có dung tích phòng lũ nhỏ, đến nay chưa có hồ nào xả lũ.

Hiện có 61 đường dây trung áp ở các địa phương bị sự cố, phải tạm cắt điện để bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến việc cấp điện cho hơn 294 nghìn khách hàng. Các đơn vị ngành điện đang khẩn trương khắc phục sự cố.